Vào nội dung chính
HOA KỲ - MIẾN ĐIỆN

Mỹ duy trì cấm vận đá quý Miến Điện

Ngày 07/08/2013 vừa qua, Mỹ đã quyết định triển hạn lệnh cấm vận đá quý đối với Miến Điện. Nguyên nhân chính được cho là do tình hình xung đột sắc tộc và tôn giáo ở nước này chưa được giải quyết dứt điểm.

Những viên hồng ngọc được mua bán tại một chợ trời ở Miến Điện.
Những viên hồng ngọc được mua bán tại một chợ trời ở Miến Điện. DR
Quảng cáo

Quyết định được các tổ chức nhân quyền hoan nghênh. Đại diện của Human Rights Watch tại Paris nhận định : « Đó là một tín hiệu chính trị mạnh từ phía Mỹ trong việc duy trì lệnh cấm vận đá quý của Miến Điện. Những loại đá quý này chủ yếu đến từ các vùng có đông người thiểu số sinh sống, những vùng mà nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng ».

Miến Điện sản xuất đến 90% hồng ngọc và ngọc thạch trên thế giới. Đây là một nguồn lợi to lớn cho chính phủ. Các mỏ đá quý tập trung ở những vùng rừng núi có có đông người thiểu số sinh sống. Trong khi đó, xung đột sắc tộc và tôn giáo ở những vùng này vẫn thường xuyên xảy ra. Nhất là ở bang Kachin, tình trạng hiện vẫn như là nội chiến. Tại Miến Điện, quân đội vẫn tiếp tục chi phối không chỉ đời sống chính trị mà còn cả đời sống kinh tế. Quân đội cũng kiểm soát cả ngành khai thác đá quý.

Gần đây, để tỏ thái độ ủng hộ quá trình chuyển tiếp dân chủ của chính phủ Thein Sein, Washington đã quyết tháo gỡ một số cấm vận đối với Miến Điện, nhưng vẫn duy trì cấm vận đá quý. Lệnh cấm vận đá quý đối với Miến Điện trên nguyên tắc sẽ hết hạn vào ngày 28/8/2013.

Việc Mỹ triển hạn lệnh cấm vận này, trước tiên được cho là Washington muốn cho chính phủ Thein Sein thấy rằng, Mỹ vẫn luôn theo dõi sát sao tiến trình cải tổ dân chủ ở Miến Điện, và để cảnh báo chính phủ Thein Sein giải quyết tốt hơn các xung đột sắc tộc và tôn giáo.

Trên phương diện kinh tế, việc duy trì cấm vận nói trên không có hại gì đối với Mỹ, vì rằng bạn hàng chính của đá quý Miến Điện là Trung Quốc và Thái Lan.

Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định hủy tất cả các lệnh cấm vận đối với Miến Điện, chỉ trừ lệnh cấm vận vũ khí.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.