Vào nội dung chính
MỸ

Obama : Việc giám sát thông tin sẽ minh bạch

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua 09/08/2013 đã hứa hẹn sẽ cải cách chương trình giám sát thông tin một cách “minh bạch” và “tin cậy”. Ông cũng bác bỏ các cáo buộc đã lạm dụng chương trình này, trước làn sóng chỉ trích sau các tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden.

Tổng thống Obama họp báo tại Nhà Trắng 09/08/2013 - REUTERS
Tổng thống Obama họp báo tại Nhà Trắng 09/08/2013 - REUTERS
Quảng cáo

Dành phần lớn thời gian cuộc họp báo cho chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), ông Obama bày tỏ ý định “làm việc với Quốc hội để thiết lập các cải cách thích hợp” về Patriot Act – tức tổng thể các bộ luật an ninh được thông qua sau các vụ khủng bố ngày 11/9.

Một trong những điều khoản của luật này được chính quyền dùng làm cơ sở cho việc NSA thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ về các cuộc gọi điện thoại (thời gian, số được gọi). 

Hứa hẹn “một kỷ nguyên mới” về tình báo với “kiểm tra nhiều hơn, minh bạch hơn và nhiều hướng dẫn hơn”, Tổng thống Mỹ nói rằng ông hiểu các lo ngại bị lạm dụng, nhưng đảm bảo là Hoa Kỳ không muốn theo dõi “các công dân bình thường”. Tuy nhiên ông Obama nhắc nhở rằng chương trình thu thập thông tin trên “là một công cụ quan trọng trong nỗ lực phòng chống các âm mưu khủng bố”. 

Trong số các biện pháp dự kiến, Tổng thống Obama nêu ra việc tăng cường kiểm soát do Tòa án Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISC) đảm nhiệm. Đây là một tòa án bí mật gồm 11 thẩm phán, đã cho phép NSA yêu cầu các công ty điện thoại và internet cung cấp các dữ liệu của khách hàng.

Cho đến nay các thẩm phán vẫn làm theo yêu cầu của chính phủ, nhưng ông Obama muốn đưa vào một “tiếng nói độc lập” trong việc đối thoại với tòa án này để đảm bảo cân bằng giữa vấn đề an ninh và đời sống riêng tư. 

Một biện pháp khác là tiết lộ càng nhiều thông tin càng tốt về chương trình giám sát. Tổng thống Mỹ cho biết đã cho giải mật một số thông tin, nhưng sẽ còn đi xa hơn. 

Cuối cùng, NSA sẽ bổ nhiệm một viên chức phụ trách về đời sống riêng tư và tự do công cộng, bên cạnh đó một trang web sẽ công khai hóa về những gì các cơ quan tình báo làm và không được làm. 

Hiệp hội bảo vệ các quyền tự do trên internet (CDT) đã hoan nghênh “giai đoạn quan trọng đầu tiên hướng về một cuộc đối thoại dân chủ cần thiết về lâu về dài”, đồng thời kêu gọi Quốc hội nên hành động ngay để chấm dứt việc thu thập hàng loạt dữ liệu điện thoại của người Mỹ. Ngược lại các đối thủ phe Cộng hòa của ông Obama đòi hỏi tính minh bạch phải không được làm ảnh hưởng đến công tác tình báo. 

Việc tiết lộ chương trình giám sát internet mang tên PRISM đã gây bất bình cho nhiều nước đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Đức. 

Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc gặp lãnh đạo các công ty điện thoại và internet hôm qua tại Nhà Trắng cũng đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia để xem xét lại các hoạt động giám sát, và báo cáo sẽ được trình từ đây đến cuối năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.