Vào nội dung chính
Ý - CHÍNH TRỊ

Chính trị Ý lại sa lầy trong khủng hoảng

Năm bộ trưởng của Đảng của Silvio Berlusconi đồng loạt từ chức khỏi Hội đồng Chính phủ của thủ tướng Enrico Letta khiến chính trị Ý lại rơi vào khủng hoảng. Nguy cơ ảnh hưởng tới khối Liên hiệp châu Âu là điều hiển nhiên. Các báo Pháp ra ngày hôm nay đều dành nhiều giấy mực phản ánh tình hình tại nền kinh tế thứ ba trong khu vực đồng euro này.

Toàn cảnh hội trường Thượng viện Ý tại Rôma. Ảnh chụp tháng Tư 2013.
Toàn cảnh hội trường Thượng viện Ý tại Rôma. Ảnh chụp tháng Tư 2013. REUTERS/Giampiero Sposito/Files
Quảng cáo

Báo Le Monde nhận định : « Cuộc đảo chính của Silvio Berlusconi đe dọa ổn định của khu vực đồng euro » và « Silvio Berlusconi bắt Ý làm con tin ». Từ Mỹ, thủ tướng Letta công kích : « Ông Berlusconi đang làm nhục nước Ý » và đánh giá động thái của nhà tỉ phú Ý là : « một hành động điên cuồng và vô trách nhiệm, hoàn toàn để bảo vệ lợi ích cá nhân của ông ta ».

Dưới tựa đề : « Mối đe dọa khủng hoảng đang trở lại khu vực đồng euro », hai phóng viên của Le Monde phân tích mọi khía cạnh và hậu quả của bất ổn chính trị tại Ý có thể ảnh hưởng tới Liên hiệp châu Âu. Ngay sáng thứ hai vừa qua, thị trường chứng khoán đã hiện lên toàn màu đỏ. Đối với khu vực đồng euro, khủng hoảng chính trị tại Ý sẽ khiến tình hình kinh tế của các nước phía Nam trở nên trầm trọng hơn.

Trong cuộc bầu cử địa phương tại Bồ Đào Nha diễn ra chủ nhật vừa qua, cử tri đã gửi thông điệp tới chính phủ rằng họ hết chịu đựng được chính sách khắc khổ do bộ ba Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ủy ban Châu Âu áp đặt. Trước đó, ngày 29/09, bộ ba cũng đã ngừng nhiệm vụ của mình tại Athènes. Trong khi đó, Tây Ban Nha đang tính tới việc từ bỏ chương trình của châu Âu nhằm vào việc tái cấu trúc ngân hàng tại đây.

Một giáo sư tại đại học Louvain (Bỉ) nhận định : « Đối lập giữa miền bắc và miền nam châu Âu lún trong khủng hoảng ngày càng rõ ràng hơn ». Một số nhà quan sát lo ngại rằng các nước ngoại biên chìm trong hỗn loạn.

Tác giả cho biết những tuần tới sẽ rất quan trọng đối với tình hình hiện nay. Thứ nhất, để làm hài lòng các cử tri của mình, thủ tướng Đức vừa tái cử Angela Merkel sẽ tỏ ra bớt đòi hỏi các nước láng giềng miền nam áp dụng chính sách khắc khổ. Hơn nữa, bà sẽ phải thành lập chính phủ mới với Đảng Xã hội-Dân chủ, một đảng thường mềm mỏng hơn về các vấn đề này.

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cho biết rằng sẵn sàng tung ra một chiến dịch tái cấp vốn dài hạn mới (LTRO). Khoản cho vay lớn sẽ mang lại nguồn sinh lực cho các ngân hàng Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Họ là những người mua nợ công quốc gia. Tin này có thể sẽ được chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu công bố ngày 02/10 tại cuộc họp các thủ tướng sẽ diễn ra tại Paris.

Cuối cùng, đây cũng là một hiện tượng đáng kể. Các thị trường đã đánh giá các nước nam Âu một cách độc lập, mà không gộp chúng trong một khối đồng nhất. Vì thế, lãi suất tiền vay của Ý có tăng cao cũng sẽ không gây lo lắng cho lãi suất vay của Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Thế nhưng, nếu lãi suất vay tăng sẽ gây tác hại trầm trọng cho các ngân hàng Ý vì các cơ quan này nắm khoản trái phiếu của ngân khố Ý lên tới 35% GDP.

Theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng Natixis, lãi suất vay của Ý hiện nay là 4,73%, nếu con số này tăng một điểm trong khoảng thời gian 10 năm, các ngân hàng tại Roma sẽ mất 40 tỉ euro. Một chuyên gia khác của Natixis nhận xét : « Nếu khủng hoảng Ý tiếp tục lún sâu, công cuộc tiến hành liên minh ngân hàng có thể sẽ bị chậm lại và toàn khối châu Âu sẽ khốn đốn vì nó ».

Cho nên, những tuần tới mang tính quyết định cho nước Ý, cũng như cho tương lai của khu vực đồng euro. Vì khu vực này còn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Nếu tăng trưởng không trở lại, các món nợ của Hy Lạp (160% GDP), Ý (127% GDP) và Bồ Đào Nha (127% GDP) sẽ khó cầm cự được.

Khủng hoảng chính trị tại Ý cũng là tâm điểm cho các nhật báo khác của Pháp. Báo L’Humanité châm biếm : « Với Silvio Berlusconi, cánh hữu của Ý tan rã ». « Letta chiến đấu để cứu chính phủ của mình » là tiêu đề của báo Le Figaro. Còn Les Echos phân tích : « Enrico Letta đặt cược vào sự chia rẽ trong đảng của Silvio Berlusconi để ngăn chặn khủng hoảng ». Thủ tướng Ý yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm vào thứ tư tới tại Quốc hội. Ông tìm cách liên minh với các chính trị gia ly khai Đảng Dân chủ Tự do để nhận được sự tín nhiệm.

Syria : Hạn chế tầm ảnh hưởng của Pháp

Trở lại vai trò mờ nhạt của Pháp trong việc giải trừ vũ khí hóa học tại Syria, báo Le Monde phân tích những hạn chế và sai lầm mà Paris mắc phải trong bài xã luận : « Những hạn chế tầm ảnh hưởng của Pháp ».

Mở đầu bài xã luận, tác giả đặt câu hỏi : « Liệu vụ Syria có giải quyết được năng lực của Pháp trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và an ninh quốc tế không ? » Việc không can thiệp quân sự vào Syria được một số nhà phân tích đánh giá như một vố lớn mà Paris bị Mỹ ngáng chân, trước khi bị gạt bỏ. Nước Pháp theo vết chân người Mỹ một cách thiếu thận trọng. Các bài học mà Paris rút ra trong giai đoạn này sẽ đè nặng lên tương lai quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Pháp là nước đầu tiên công khai khẳng định chính quyền Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Dĩ nhiên, cơ quan tình báo Mỹ đã có thông tin này từ trước nhưng tổng thống Barack Obama chưa muốn công bố vì ông đang thúc đẩy « ranh giới đỏ », được đưa ra năm 2012. Khi công bố tin trên, Pháp không muốn cứ lẽo đẽo theo Mỹ mà tìm cách kéo người Mỹ tiến hành một chính sách cương quyết hơn trước cuộc khủng hoảng đã khiến 110.000 chết và đang đe dọa toàn khu vực Trung Đông.

Chỉ cuộc tàn sát ngày 21/08 mới khiến Washington thay đổi quyết định. Nhưng Paris nhanh chóng thấy được hạn chế của mình khi tổng thống Obama tuyên bố xin ý kiến Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, Pháp không được sự ủng hộ của đồng minh Anh, khi Thủ tướng nước này quyết định không tham gia vào liên minh. Paris vẫn tiếp tục tin vào việc can thiệp quân sự, trong khi đó Washington chỉ chọn giải pháp này trong tình huống bắt buộc.

Chiến lược của Pháp có công đã khẳng định là tội ác hóa học không thể để yên mà phải bị trừng trị. Nhưng việc xây dựng chiến lược liên minh đã không được chuyên tâm. Các đối tác châu Âu không được tham khảo cẩn thận. Ngoài ra, các nước vùng Vịnh, dù bị chia rẽ, cũng không sát cánh với Paris một cách kiên quyết. Trong khi đó, vần đề vũ khí hóa học, với khả năng liên quan đến toàn khu vực, lẽ ra phải huy động được nhiều liên minh.

Nước Pháp khẳng định lập trường của mình trên hồ sơ hóa học và vai trò trên trường quốc tế nhưng lại không có đủ phương tiện để xây dựng một chiến lược bề sâu. Trong mối quan hệ với Mỹ, Pháp đã bị Nga bỏ rơi với chiến lược ngoại giao trơ trẽn và và lanh lẹn của Vladimir Putin. Tổng thống Nga biết lợi dụng điểm yếu trong chính sách nội bộ của người đồng nhiệm Obama.

Kết quả là giờ đây Bachar Al-Assad trở thành người đối thoại quan trọng trong việc giải trừ vũ khí hóa học. Bài trắc nghiệm sắp tới về vai trò quốc tế của Pháp sẽ là hồ sơ nguyên tử tại Iran. Cuộc gặp giữa tổng thống Pháp và tổng thống Iran bên lề cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho thấy mong muốn trở lại các vấn đề quan trọng của tổng thống François Hollande, sau khi đã bị Washington và Mátxcơva loại bỏ khỏi vụ Syria.

Giáo hoàng Phan-xi-cô hội kiến « G8 » của mình để cải cách Giáo hội

Hai nhật báo La Croix và Le Figaro đề cập tới sự kiện Giáo hoàng Phan-xi-cô đã thành lập « Hội đồng tám hồng y » nhằm tìm giải pháp cải cách Giáo hội. Hội đồng sẽ họp từ thứ ba tới thứ năm tuần này.

Dưới tiêu đề : « Giáo hoàng Phan-xi-cô hội kiến « G8 » của mình để cải cách Giáo hội », nhật báo Công giáo La Croix cho biết Giáo hoàng đã bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng trong mấy tuần vừa qua. Ngoài việc cải tổ Tòa thánh Roma, Ngài muốn thúc đẩy một phương thức quản lý mới trong Giáo hội và sẽ đề cập một số vấn đề nhạy cảm đối với người thế tục.

Báo Le Figaro thông tin, với cuộc họp Công nghị Hồng y, « Giáo hoàng Phan-xi-cô tung ra cải cách được ngóng đợi nhất của Tòa thánh Roma ». Tờ báo nhận định đây là bước giữ khoảng cách của Giáo hoàng đối với guông máy Tòa thánh Roma. Nhà nước Roma sẽ gồm một Ban thư ký đầy quyền lực, chín Thánh bộ, mười hai Hội đồng Giáo hoàng và ba Tòa án cùng với một số cơ quan hành chính khác.

Tác giả bài báo : « Phan-xi-cô hưởng sự ủng hộ nhiệt thành từ các hồng y » đánh giá Ngài đã đi một nước cờ lớn bằng cách lập « Hội đồng Hồng y » để tăng cường quyền tự chủ của mình trước Tòa thánh. Cải cách này được coi như một phương thức quản lý mới cho phép Ngài tiếp đón các bộ trưởng của mình mà không phải thông qua Ban thư ký. Ban này vẫn tồn tại nhưng chỉ giữ vai trò điều phối thông thường.

Bộ đôi Apple-Samsung bóp nghẹt các nhà sản xuất châu Á

Ngày 20/09 vừa qua, Apple tung ra thị trường Iphone 5S cạnh tranh với nhà cung cấp điện thoại số 1 thế giới Samsung. Ngày 25/09, Samsung tung ra sản phẩm đồng hồ thông minh Samsung Galaxy Gear. Nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai người khổng lồ và ảnh hưởng tới thị trường điện thoại thông minh trong bài : « Bộ đôi Apple-Samsung bóp nghẹt các nhà sản xuất châu Á ».

Nhiều nhà sản xuất đã không chịu được sự cạnh tranh khốc liệt nên phải rút lui khỏi thị trường điện thoại thông minh trong thời gian vừa qua. Tuần trước, Panasonic và NEC thông báo rút khỏi thị trường này. Như vậy, Nhật Bản chỉ còn bốn nhà sản xuất cố cầm cự trong thế giới hai cực Apple và Samsung. Trước đó, điện thoại của các hãng Sanyo, Hitachi, Casio và Mitsubishi cũng đã biến mất.

Trong khu vực, các nhà sản xuất điện tử khổng lồ như Lenovo, Hoa Vi hay ZTE cũng đang cầm cự một cách khó khăn trên thị trường đang nở rộ. Cách đây hai năm, nhà sản xuất Đài Loan HTC vẫn còn thấy tương lai sáng lạn giờ cũng đang ngắc ngoải. Theo các nhà phân tích, các nhà sáng chế Iphone và Samsung có chiến lược marketing hùng hậu và khả năng đổi mới không ngừng. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh châu Á lại mắc sai lầm chiến lược nghiêm trọng.

Bốn nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản buộc phải đưa ra những chiến lược thích hợp để có thể tiếp tục tồn tại. Mỗi Sony còn có tham vọng quốc tế. Fujitsu hướng tới khách hàng là người cao tuổi. Kyocera vẫn còn nhiều khách hàng thuê bao với nhà cung cấp viễn thông Mỹ là Sprint hay Verizon và chuyên về điện thoại không ngấm nước và chịu va đập. Trường hợp của Sharp đáng lo ngại hơn, tập đoàn có thể sắp nằm trên danh sách bỏ cuộc.

Tới năm 2030, sản xuất tại Trung Quốc sẽ trở nên quá đắt

Liên quan đến thị trường các nước đang phát, phóng viên báo Les Echos cho biết : « Tới năm 2030, sản xuất tại Trung Quốc sẽ trở nên quá đắt ».

Theo tờ báo, các nước Philippine và Ấn Độ sẽ là các nước sản xuất với giá thành thấp nhờ mức lương tương đương với mức lương nhân công hiện nay tại Trung Quốc. Còn Trung Quốc sẽ trở thành một nước tiêu thụ với thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 523 đô la vào năm 2011 lên 2.057 đô la vào năm 2030. Các nước khác như Mê-hi-cô, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan cũng sẽ giống trường hợp Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.