Vào nội dung chính
UKRAINA

Đối lập Ukraina: Quân đội có thể sẽ can thiệp

Phe đối lập Ukraina cảnh báo châu Âu về việc rất có thể quân đội sẽ can thiệp để đàn áp những người biểu tình chống chính phủ ở Kiev. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp các lãnh đạo đối lập Ukraina.

Tại Lviv, người biểu tình lập hàng rào chướng ngại với gỗ và bánh xe - REUTERS /Marian Striltsiv
Tại Lviv, người biểu tình lập hàng rào chướng ngại với gỗ và bánh xe - REUTERS /Marian Striltsiv
Quảng cáo

Tại Munich hôm nay, 01/02/2014, trong một cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo châu Âu, trong đó có lãnh đạo ngành ngoại giao Catherine Ashton, một trong những lãnh đạo đối lập Ukraina, Arseni Iatseniouk, đã cảnh báo là rất có thể chính quyền Kiev sẽ dùng đến vũ lực, kể cả với sự tham gia của quân đội, để đàn áp những người biểu tình chống chính phủ.

Quân đội Ukraina trước đây đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng, nhưng hôm qua đã kêu gọi tổng thống Viktor Ianoukovitch, « lãnh đạo tối cao của quân đội », thi hành các biện pháp khẩn cấp để « ổn định tình hình đất nước », cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina đang bị đe dọa.

Lời kêu gọi này của quân đội khiến tình hình Ukraina thêm căng thẳng. Các lãnh đạo đối lập Ukraina thì xem tuyên bố của quân đội là một mưu toan hù dọa họ.

Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và tổng thống Đức Joachim Gauck, ông Iatseniouk thông báo là Đức sẵn sàng đón nhận để chữa trị nhà đối lập Dmytro Boulatov. Hôm qua, Boulatov vừa cho biết là ông đã bị tra tấn suốt một tuần sau khi bị bắt cóc ngày 22/01/2014.

Trong khi đó, cảnh sát Ukraina thông báo là ông Boulatov sẽ bị quản thúc tại gia vì bị nghi « tổ chức các vụ rối loạn quy mô lớn ». Về phần bộ Nội vụ Ukraina thì không loại trừ khả năng đây là một vụ dàn cảnh bắt cóc nhằm « gây phản ứng tiêu cực trong xã hội ».

Tại Munich hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp các lãnh đạo đối lập Ukraina, trong bối cảnh mà Washington có vẻ can dự ngày càng nhiều vào khủng hoảng Ukraina . Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị Munich hôm nay, Ngoại trưởng Kerry đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đối lập Ukraina, tuyên bố là Hoa Kỳ và châu Âu « đứng bên cạnh nhân dân Ukraina trong cuộc đấu tranh » để xích gần lại châu Âu.

Nhưng Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng tại Munich hôm nay đã phản bác những chỉ trích của Mỹ và châu Âu đối với chính phủ Ukraina và cho rằng lẽ ra trước hết họ phải lên án « bạo lực « của những người biểu tình.

Hôm qua, tổng thống Ianoukovitch đã ký ban hành lệnh ân xá những người biểu tình bị bắt, nhưng với nội dung giống như một tối hậu thư, vì lệnh ân xá gia hạn cho phe đối lập trong thời hạn 15 ngày phải rời khỏi những nơi mà họ đang trấn giữ, điều mà phe đối lập dứt khoát từ chối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.