Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Ukraina, lo sợ của Nga trước khát vọng dân chủ

Báo chí Pháp chia rẽ về cuộc xuống đường rầm rộ hôm 02/02/2014 theo kêu gọi của tổ chức « Manif pour tous » phong trào chống giới đồng tính được quyền kết hôn. Nhưng Ukraina vẫn là trọng tâm các tờ báo chú ý.

Trong ảnh một người biểu tình chống chính phủ gắn cờ Châu Âu với cờ Ukraina tại một chiến lũy ở thủ đô Kiev, 02/02/2014.
Trong ảnh một người biểu tình chống chính phủ gắn cờ Châu Âu với cờ Ukraina tại một chiến lũy ở thủ đô Kiev, 02/02/2014. REUTERS/Gleb Garanich
Quảng cáo

Bên cạnh các bài báo nói về quyết tâm của « Đối lập Ukraina kiên trì đương đầu với chính quyền dù bị đàn áp thô bạo ». Đáng chú ý hơn cả là bài phân tích trên tờ Les Echos mang tựa đề « Ukraina và mối lo sợ của Nga trước khát vọng dân chủ ».

Tác giả bài viết là giáo sư Dominique Moisi giảng dậy tại trường King’s College, Luân Đôn và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Pháp về quan hệ quốc tế. Trong bài phân tích, giáo sư Moisi đưa ra những điểm chính như sau : Không thể phủ nhận những mối liên hệ mật thiết, cả về văn hóa lẫn lịch sử giữa Ukraina với Nga. Tất cả mọi người đều biết Nga không muốn Ukraina thoát khỏi vòng ảnh hưởng của mình. Nhưng bên cạnh những tính toán chiến lược ấy điều khiến Matxcơva lo sợ hiện nay chính là « đe dọa dân chủ » : từ hơn hai tháng qua người dân Ukraina đã liên tục xuống đường chống đối chế độ của tổng thống Ianoukovitch thân Nga. Giá lạnh, hay sự thô bạo của cảnh sát không làm người biểu tình thối chí. Trước áp lực của đường phố, chính quyền Kiev đã phải nhượng bộ. Điều khiến nước Nga của ông Putin lo sợ là nguy cơ « đối lập Nga theo chân người biểu tình Ukraina » đòi dân chủ.

Về câu hỏi liệu rồi tương lai Ukraina đi về đâu giáo sư Moisi trả lời : đành rằng, đối lập Ukraina ròng rã đương đầu với chính quyền và đây là đợt biểu tình quyết liệt nhất diễn ra tại châu Âu từ những năm 1990 tới nay. Nhưng ít có khả năng Ukraina lâm vào nội chiến bởi hai lý do. Một là về phía chính quyền, tầm hoạt động của tổng thống Ianoukovitch rất hạn hẹp. Kiev chịu sức ép của Matxcơva : Putin không muốn hồ sơ Ukraina gây nhiễu trong thời gian nước Nga tổ chức Thế vận hội Olympique mùa đông Sochi. Giới tài phiệt Ukraina vốn là điểm tựa của ông Ianoukovitch bằng mọi giá muốn tránh khỏi kịch bản Ukraina bị Liên Hiệp Châu Âu hay Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế.

Yếu tố thứ hai khiến Ukraina ít có khả năng lún sâu thêm vào cảnh máu lửa là do bản thân phe đối lập đang thiếu một nhân vật lãnh đạo có tầm cỡ. Cựu vô địch quyền anh, Vitali Klitschko được tín nhiệm nhưng lại là một chính trị gia còn non nớt, thiếu kinh nghiệm. Trong bối cảnh đó chuyên gia về quan hệ quốc tế của Pháp, giáo sư Dominique Moisi cho là « Liên Hiệp Châu Âu phải ý thức được rằng, tương lai của Ukraina cũng quan trọng không kém gì tương lai của một nước thành viên trong Liên Hiệp và Bruxelles không nên nhượng bộ trước những tính toán của Matxcơva ».

Thái Lan : lá phiếu của cử tri bị bắt làm con tin

Nhìn sang châu Á, về cuộc bầu cử Thái Lan « Các phòng phiếu, con tin của đối lập Thái », tựa của báo Le Figaro. Trong lúc Le Monde quan tâm đến nhân vật Thaksin, đã sống lưu vong nhưng cựu thủ tướng Thái vẫn gây chia rẽ trên đất nước ông.

Đặc phái viên của tờ Le Figaro mô tả lại cảnh người dân ở thủ đô Bangkok tối hôm qua (02/02/2014) say men chiến thắng. Trên khán đài, lãnh đạo phong trào đối lập, Suthep Thaugsauban dõng dạc tuyên bố Thái Lan đã « lãng phí tiền bạc và thời gian » với cuộc bầu cử ngày hôm qua và hứa với hàng chục ngàn người có mặt tại chỗ « tiếp tục » đưa « con rối » Yingluck ra trước vành móng ngựa. Trước tỷ lệ tham gia quá thấp, cuộc tuyển cử hôm qua đã « đẩy Thái Lan lún sâu thêm vào ngõ cụt » chính trị. Tờ báo trích lời một nhà nghiên cứu và cũng là một thành viên tích cực của đảng Dân chủ đối lập Thái Lan theo đó « khủng hoảng hiện tại như là một trận đấu quyền anh mà ở đó ông Suthep vừa giành được bàn thắng ở hiệp một (…) cuộc đọ sức sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng nữa ».

Bế tắc chính trị đó, theo nhà báo Bruno Philip của tờ Le Monde bắt nguồn từ một nguyên nhân : sự hận thù của một phần dân chúng Thái đối với cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Dù đã sống lưu vong từ nhiều năm qua, nhân vật này tiếp tục « phủ bóng » lên toàn cảnh chính trị Thái. Vậy câu hỏi vì sao nhà tài phiệt này lại bị tầng lớp trung lưu ghét như vậy trên quê hương ông ? Tác giả bài báo trích dẫn một chuyên gia Pháp thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Quan Hệ Quốc Tế, Nicolas Revise để trả lời cho câu hỏi này : « Thaksin muốn áp đặt một đường lối lãnh đạo ứng rắn, độc đoán với tham vọng duy nhất : thâu tóm quyền lực để bảo đảm tăng trưởng kinh tế và phục vụ cho giới ‘áp phe’ ».

Pháp : tranh cãi chung quanh một cuộc xuống đường

Trở lại với phần thời sự nước Pháp, trong lĩnh vực xã hội, cuộc tuần hành của giới chống người đồng tính kết hôn trên đường phố Paris và Lyon đã được các tờ báo trong ngày nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Đối với tờ Le Figaro thiên hữu và báo công giáo La Croix thì đó là một cuộc xuống đường để « bảo vệ những giá trị truyền thống của gia đình », chống lại các dự án mở đường cho việc các cặp đồng tính được quyền thụ thai nhân tạo hoặc nhờ người khác mang thai.

Về phần các tờ báo cánh tả như Libération thiên tả hay báo cộng sản L'Humanité cuộc xuống đường hôm qua do các phong trào « phản động » đề xướng, căn cứ trên những thông tin sai lệch. Tờ báo này chơi chữ, với hai từ « Manif » và « Manip » : trong tiếng Pháp « Manif » là chữ tắt của « Manifestation » có nghĩa là « Biểu tình », với từ « Manip » là chữ tắt của « Manipulation », có nghĩa là « Thao túng ». Tác giả ngụ ý hàng chục ngàn người đã xuống đường tuần hành hôm qua nhân danh những giá trị truyền thống của gia đình, thực ra đã bị « một phần trong xã hội thao túng ». 

Tổ chức « Manif pour tous » ngay từ đầu chống luật cho phép các cặp đồng tính kết hôn, đã chụp mũ cho chính phủ Pháp đang do đảng Xã hội lãnh đạo đang « phá hoại mô hình gia đình truyền thống ». Libération bồi thêm : « thành phần này quên mất rằng quyền được kết hôn với người cùng hay khác giới tính đã hiện hành tại 18 quốc gia. Đó là một sự lựa chọn một quyền tự do ».

San hô, nạn nhân của chính phủ Úc

Trước khi khép lại các tờ báo trong ngày, xin điểm qua bài viết trên phần trang quốc tế của Le Monde : « San hô, nạn nhân của chính phủ Úc ». Chính phủ Úc vừa bật đèn xen cho một dự án mở rộng cảng Abbot Point, bang Queensland. Đây là một cảng chuyên dành cho khu vực xuất nhập khẩu than đá. Mục tiêu sau cùng của chính quyền thuộc cánh bảo thủ ở Canberra hiện tại là biến cảng này thành địa điểm chung chuyển than đá số 1 của thế giới.

Vấn đề đặt ra là quyết định mở rộng cảng Abbot Point đe dọa trực tiếp đến rặng san hô lớn nhất thế giới. Một khi được mở rộng, cảng này hàng năm sẽ thải thêm 3 triệu mét khối rác. Khối lượng rác đó sẽ được đổ xuống ngay giữa phạm vi rặng san hô vốn đã được Unesco đưa vào danh sách các di sản thế giới. Great barrier reef trải dài trên 2.600 km và trên một diện tích hơn 340.000 cây số vuông. Đây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất của nước Úc. Hiện nay rặng san hô nổi tiếng này đem về hàng năm gần 4 tỷ euro cho nước Úc và bảo đảm công việc làm cho gần 70.000 nhân viên.

Le Monde không quên nhắc lại đảng cầm quyền tại Úc hiện nay chưa bao giờ xem trọng các vấn đề sinh thái. Vào lúc quốc gia nào cũng nỗ lực để các danh lam thắng cảnh của mình được Unesco công nhận là di sản của nhân loại, thì tại Úc, cuối tháng qua bộ trưởng Môi trường Greg Hunt lại “năn nỉ” Unesco rút gần phân nửa diện tích khu rừng tại bang Tasmania ra khỏi danh sách các di sản của thế giới. Lý do được Canberra đưa ra là các khu rừng nói trên đã xuống cấp đáng kể và bị khai thác quá độ. Bộ trưởng Úc quên mất rằng năm ngoái Unesco đưa quần thể thiên nhiên này vào danh sách di sản của nhân loại với dụng ý khuyến khích chính phủ Úc trùng tu lại tài sản quý hóa mà thiên nhiên đã tặng cho châu lục này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.