Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Ukraina : Châu Âu phản công

Trong cuộc đọ sức giữa Châu Âu và Nga tranh giành hưởng đối với Ukraina, lá bài kinh tế đóng vai trò quyết định. Việc Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch hồi tháng 11/2013 không ký hiệp định liên kết với Châu Âu, trước các khoản trợ giúp rất hào phóng của Matxcơva là một vố đau đối với Bruxelles.

Châu Âu và Mỹ đòi chính quyền Ianoukovitch thành lập chính phủ kỹ trị, tiến hành cải cách để chấn chỉnh kinh tế - AFP / ANDREW KR
Châu Âu và Mỹ đòi chính quyền Ianoukovitch thành lập chính phủ kỹ trị, tiến hành cải cách để chấn chỉnh kinh tế - AFP / ANDREW KR
Quảng cáo

Tuy nhiên, tình hình tại Ukraina đã có nhiều chuyển biến quan trọng, dưới áp lực của phong trào biểu tình thân Châu Âu, diễn ra chủ yếu tại Kiev từ hơn hai tháng qua. Do vậy, Châu Âu tìm cách phản công trong hồ sơ Ukraina.

Trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal, nhân hội nghị an ninh Munich, Đức, ngày 31/01 vừa qua, đại diện cấp cao về ngoại giao của Châu Âu, bà Catherine Ashton cho biết, Châu Âu và Hoa Kỳ đang xem xét một kế hoạch giúp đỡ Ukraina trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Tối hôm qua, bà Catherine Ashton đã tới Kiev, với một loạt các đề nghị giúp đỡ về kinh tế, tài chính cho Ukraina.

Một trong những nguyên nhân chính khởi phát cuộc khủng hoảng tại Ukraina là do việc Tổng thống Ianoukovitch không ký hiệp định liên kết, nhân hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu – Ukraina ở Vilnus, Litva, ngày 28/11/2013.

Vào lúc nền kinh tế Ukraina đang ở bên bờ vực thẳm, hiệp định liên kết nêu ra viễn cảnh viện trợ cho Kiev 610 triệu euros (khoảng 800 triệu đô la). Cho rằng sự hỗ trợ này là không đủ, lại còn đi kèm điều kiện là phải thực hiện một chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF - đề ra, Tổng thống Ianoukovitch chấp nhận nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga, với món quá khó cưỡng lại được bao gồm 15 tỷ đô la viện trợ, giảm 30% giá khí đốt.

Bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi trước một đối thủ đặt cược quá lớn, giờ đây, Châu Âu tìm cách sắp xếp lại quân bài, tranh thủ việc Matxcơva đình chỉ một phần trong khoản viện trợ, sau khi Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov phải từ chức để giảm dịu phần nào tình hình. Matxcơva đã lo ngại là chính quyền của Tổng thống Ianoukovitch nhượng bộ trước phe thân Châu Âu.

Trong khi đó, theo báo Nga Vedomosti, cho dù được giảm giá khí đốt 30%, tập đoàn nhiên liệu Ukraina Naftogaz vẫn chưa thanh toán cho Nga hóa đơn khí đốt tháng Giêng 2014 là 650 triệu đô la và tổng số nợ của doanh nghiệp này lên đến 3,35 tỷ đô la.

Tháng 12 năm ngoái, chính quyền Kiev thẩm định là Ukraina cần Châu Âu giúp đỡ khoảng 20 tỷ euros (khoảng 28 tỷ đô la) và có thể bao gồm cả các khoản đầu tư, tham gia vào những dự án có lợi cho cả hai bên.

Để có thể đưa ra những đề nghị khả tín và khả thi, Châu Âu phải liên kết với Hoa Kỳ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal, bà Catherine Ashston cho biết, khoản trợ giúp cho Ukraina sẽ không nhỏ và không chỉ ở dưới dạng tiền. Những trợ giúp này có thể bao gồm các bảo lãnh tài chính, giúp đỡ đầu tư hoặc hỗ trợ đồng tiền quốc gia Ukraina …

Đương nhiên, Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ không ký một ngân phiếu trắng, để cho chính quyền Ukraina tùy ý sử dụng mà đòi Kiev phải đáp ứng một số điều kiện : Đó là thành lập một chính phủ kỹ trị, mà phe đối lập có thể chấp nhận được để làm dịu tình hình, tiến hành các cải cách để cứu vớt nền kinh tế quốc gia.

Theo giới quan sát, khoản viện trợ của phương Tây cho Ukraina chắc chắn không thể bằng của Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng bế tắc hiện nay, chính quyền của Tổng thống Ianoukovitch bị dồn đến chân tường và không còn ở vị thế có thể chơi trò nước đôi để mặc cả, thì đề xuất trợ giúp của Châu Âu và Hoa Kỳ là một « củ cà rốt » khá to. Nếu từ chối, thì Kiev sẽ tiếp tục hứng chịu « cây gậy », tức là sức ép của đường phố.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.