Vào nội dung chính
THỤY SĨ - CHÂU ÂU

Thụy Sĩ tìm cách trấn an Châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý chống nhập cư

Tại Thụy Sĩ, trong cuộc trưng cầu dân ý do đảng dân túy cánh hữu khởi xướng và được tổ chức ngày hôm qua, 09/02/2014, phe chống nhập cư ồ ạt đã thu được 50,3% phiếu thuận. Tuy chỉ giành được đa số sít sao, nhưng tỷ lệ này đủ để chấm dứt áp dụng hiệp định tự do đi lại của các công dân Châu Âu mà Thụy Sĩ đã ký với Liên Hiệp Châu Âu.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter (P) và Bộ trưởng Tư pháp Simonetta Sommaruga trong cuộc họp báo về kết quả cuộc trưng cầu dân ý về nhập cư, Berne, 09/02/2014
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter (P) và Bộ trưởng Tư pháp Simonetta Sommaruga trong cuộc họp báo về kết quả cuộc trưng cầu dân ý về nhập cư, Berne, 09/02/2014 REUTERS
Quảng cáo

Đây là thắng lợi của phe dân tộc chủ nghĩa, nhưng kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho Thụy Sĩ. Liên Hiệp Châu Âu báo trước là sẽ xem xét lại toàn bộ các hiệp định song phương đã ký. Do vậy, Berne phải tìm cách trấn an Bruxelles.

Từ Geneve, thông tín viên RFI Laurent Mossu tường trình :

« Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Brukhalter, ngay hôm nay, 10/02, lên đường đến thủ đô một số nước thành viên quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, mở đầu Berlin, nhằm cố gắng làm dịu sự khó chịu của các đối tác Châu Âu.

Bởi vì, Châu Âu đã có phản ứng rất mạnh mẽ về kết quả cuộc bỏ phiếu. Các hiệp định song phương được ký kết trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông hoặc nghiên cứu sẽ được xem xét lại. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã gây ra sự khó chịu và chính quyền Berne hiểu được rằng các cuộc thương lượng hiện nay sẽ chậm lại và kéo dài.

Quả thực là Thụy Sĩ đâu có cần đến cuộc trưng cầu dân ý này để đụng độ với Châu Âu. Sau những hồ sơ nóng bỏng về ngân hàng và trốn thuế hiện vẫn đang được xem xét, Thụy Sĩ giờ đây phải đối mặt thêm với một vấn đề mới có nguy cơ đầu độc mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu.

Trên thực địa, những thay đổi về chính sách nhập cư sẽ không xẩy ra ngay lập tức. Ngoại kiều làm việc và sinh sống tại Thụy Sĩ, cũng như cư dân sống ở vùng biên giới, hàng ngày sang Thụy Sĩ làm việc, sẽ không bị ảnh huởng. Chỉ có những trường hợp lao động nhập cư mới sẽ bị hạn chế trong tương lai ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.