Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Ukraina : Pháp-Anh đe dọa thêm các trừng phạt mới với Nga

Ngày 11/03/2014, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nêu khả năng sẽ có thêm các trừng phạt mới đối với Nga, có thể « ngay trong tuần này », nếu như Matxcơva không « xuống thang » trong vấn đề Ukraina, theo các đề nghị của phương Tây. Cho đến nay Nga và phương Tây vẫn tiếp tục các đối thoại, nhưng không ai chịu nghe ai.

Ngoại trưởng Pháp, L. Fabius (trái) và đồng nhiệm Nga, S. Lavrov.
Ngoại trưởng Pháp, L. Fabius (trái) và đồng nhiệm Nga, S. Lavrov. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Trên đài France-Info, Ngoại trưởng Laurent Fabius nhắc lại rằng Pháp đã gửi một đề nghị tới Nga, qua trung gian của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhằm tìm ra một giải pháp xuống thang trong khủng hoảng Ukraina. Ngoại trưởng Pháp không nói rõ nội dung của đề nghị này là gì. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, nếu Matxcơva trả lời tích cực, ông John Kerry sẽ đi Nga và các trừng phạt sẽ không được đưa ra lập tức. Ngược lại, nếu họ không trả lời, hoặc trả lời không tích cực, một loạt các biện pháp trừng phạt sẽ được đưa ra ngay trong tuần này. 

Ngoại trưởng Pháp cho biết nội dung cụ thể của các trừng phạt là phong tỏa tài sản đối với nhiều giới chức Nga hoặc Ukraina, cũng như các hạn chế về đi lại và cấp visa. 

Các biện pháp trừng phạt Nga được thảo luận hôm nay tại Luân Đôn, ở cấp chuyên gia, với sự tham gia của đại diện nhiều nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, Thủ tướng Anh David Cameron cũng thông báo với các dân biểu là Liên Hiệp Châu Âu đang xem xét loạt trừng phạt đợt hai nhắm vào Nga, sẽ được áp dụng nhanh chóng nếu Matxcơva từ chối hợp tác. 

Nga kiểm soát hoàn toàn Crimée 

Tại bán đảo Crimée – tâm điểm của khủng hoảng - Nga kiểm soát hoàn toàn các địa điểm chiến lược. « Thủ tướng » của chính quyền thân Nga, Serguii Axionov, tự phong làm « tư lệnh quân đội » Crimée. Các kênh truyền hình Nga thay thế hoàn toàn các kênh của Ukraina. Đài phát thanh quân sự Ukraina ngừng hoạt động. Tất cả các hành khách đến phi trường Simferopol (thủ phủ Crimée) từ phía bắc đều bị các tự vệ địa phương khám xét. 

Một ngày trước chuyến công du Hoa Kỳ của tân Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk để tìm sự hỗ trợ của Washington và năm ngày trước cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée, Nga và phương Tây vẫn hoàn toàn bất đồng về Ukraina. Tại Hội đồng Bảo an, các nước phương Tây đã không thành công trong việc gây áp lực lên Nga sau năm lần họp kín về khủng hoảng Ukraina trong vòng 10 ngày qua. 

Hôm qua, Hoa Kỳ cáo buộc Nga không đếm xỉa đến các đề nghị mà Ngoại trưởng John Kerry gửi tới người đồng nhiệm Nga hồi tuần trước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga sẽ « đưa ra các đề nghị riêng » nhưng không cho biết chi tiết hơn. Dường như phía Nga đã loại trừ việc thành lập nhóm tiếp xúc, mà Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ đề nghị. 

Ông Sergueï Lavrov nhấn mạnh đến việc tân chính quyền Ukraina ra đời sau « một cuộc đảo chính » và phê phán các nhìn của phương Tây, theo đó, có một xung đột giữa Nga và Ukraina. Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp tái khẳng định cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée, do Nghị viện thân Nga đề xướng, vào Chủ nhật tới 16/03, là « bất hợp pháp », chính quyền hiện nay tại Ukraina hoàn toàn hợp pháp, và cuộc bỏ phiếu chính đáng duy nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina ngày 25/05/2014. 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.