Vào nội dung chính
BẠO LỰC - PHỤ NỮ

Hội nghị tại Anh Quốc về bạo lực tình dục trong chiến tranh

Nữ tài tử Angelina Jolie và Ngoại trưởng Anh William Hague khai mạc hôm nay, 10/06/2014, tại Luân Đôn, một hội nghị thượng đỉnh về bạo lực tình dục được dùng như vũ khí chiến tranh, để đánh động công chúng về một trong các hình thức bạo lực « dai dẳng nhất », nhưng đồng thời « bị coi nhẹ nhất » cho đến nay. Hội nghị thượng đỉnh tại Luân Đôn được một số phương tiện truyền thông đánh giá là "chưa từng thấy".

Nữ đạo diễn Angelina Jolie (trái) và Ngoại trưởng Anh William Hague tại Thượng đỉnh chống bạo lực tình dục trong chiến tranh, 10/06/2014.
Nữ đạo diễn Angelina Jolie (trái) và Ngoại trưởng Anh William Hague tại Thượng đỉnh chống bạo lực tình dục trong chiến tranh, 10/06/2014. Reuters
Quảng cáo

Đại biểu hơn 100 quốc gia tham gia hội nghị, trong đó các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, giới chức tôn giáo, giới chuyên gia quân sự, tư pháp, hiệp hội nhân đạo, thành viên xã hội dân sự.

Ngoài các trao đổi chính thức, thượng đỉnh này còn đưa ra một chương trình mở cho công chúng, với các hội thảo, triển lãm, phim câm, nhóm làm việc, nhằm đánh động công chúng. 

Tham dự hội thảo này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh đến việc các bạo lực tình dục được sử dụng trong chiến tranh, như một cách thức trấn áp, đe dọa, bạo lực tình dục một trong các hình thức bạo lực dai dẳng nhất, nhưng đồng thời bị coi nhẹ nhất cho đến nay.

Hội nghị thượng đỉnh nói trên nhằm mục đích trả lời câu hỏi làm thế nào để cải thiện hệ thống tư pháp quốc gia và quốc tế nhằm trừng phạt các thủ phạm. Việc đào tạo các quân nhân, trợ giúp các nạn nhân cũng là những vấn đề được nêu ra.

Tại Washington, trong lần giới thiệu cuộc thượng đỉnh nói trên vào tháng 2/2014, Ngoại trưởng Anh chia sẻ, chính bộ phim « Ở đất nước của máu và mật ong » (In the Land of Blood and Honey) (2011), nói về cuộc chiến Bosnia, do Angelina Jolie đạo diễn, đã khiến lãnh đạo ngoại giao Anh dấn thân vào cuộc chiến chống bạo lực tình dục trong chiến tranh. Theo Ngoại trưởng Anh, nếu không có bộ phim của Angelina Jolie, sẽ không có cuộc thượng đỉnh ngày hôm nay tại Luân Đôn.

Nữ tài tử và Ngoại trưởng Anh đã tới Bosnia hồi tháng 3/2014, để gặp các nạn nhân phụ nữ trong thời gian chiến tranh giữa các sắc tộc. Ít nhất 20.000 phụ nữ, chủ yếu là người theo đạo Hồi, đã bị cưỡng hiếp trong thời gian chiến tranh Bosnia. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 33 thủ phạm bị tư pháp Bosnia trừng phạt và 30 người khác bị tòa án hình sự quốc tế khép tội.

Cưỡng hiếp trong chiến tranh là một hành động hết sức phổ biến, nhưng phải mãi đến tháng 12/1992, trước tình trạng cưỡng hiếp phổ biến trong thời gian nội chiến bùng phát tại Bosnie-Herzevogina (Nam Tư cũ), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuyên bố cần phải xếp các hành động này vào nhóm « tội ác chống nhân loại ».

Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc đã làm được khá nhiều việc để đánh động công luận và tiến hành các hoạt động chống bạo lực tình dục trong chiến tranh (có thể xem thêm phần điểm lại các hoạt động của LHQ trong lĩnh vực này trên trang "La violence sexuelle: un outil de guerre") Năm 2007, Liên Hiệp Quốc thống nhất 13 đơn vị chuyên biệt trong một chương trình phối hợp : Stop rape now, nhằm cổ vũ và hỗ trợ các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn ngừa bạo lực tình dục trong các xung đột và kịp thời trợ giúp các nạn nhân, cụ thể tại Cộng hòa Dân chủ Conggo và Liberia. Năm 2012, lần đầu tiên một báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ đích danh vai trò của một số nhóm vũ trang, như là những thủ phạm tàn bạo nhất của hình thức bạo lực này.

Nghị quyết 2106 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về "Diệt trừ bạo lực tình dục tại các vùng xung đột" (được thông qua ngày 24/06/2013) là một bước quyết định trong việc tuyên chiến nhằm loại bỏ hoàn toàn tội ác này, trước hết với việc đưa các thủ phạm ra trước công lý và hỗ trợ các nạn nhân. Nghị quyết do Anh Quốc đề xuất được tất cả các thành viên Hội đồng bỏ phiếu thuận. Thách thức hiện tại là chuyển "quyết tâm chính trị" nói trên thành các hành động cụ thể, như tuyên bố của bà Zainab Hawa Bangura, Đại diện đặc biệt của LHQ về bạo lực tình dục trong các xung đột, tại một cuộc họp mới đây của Hội đồng Bảo an

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.