Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Olympic Luân Đôn: Khép lại ngày hội thể thao đầy ấn tượng, cảm xúc

Đăng ngày:

Hôm nay 12/08/2012, Olympic Luân Đôn khép lại sau hơn hai tuần thi đấu đầy hào hứng và quyết liệt của hơn 10 nghìn vận động viên đến từ 204 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vương quốc Anh đã tổ chức thành công mỹ mãn kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 30, biến Olympic thực sự trở thành một ngày hội thể thao « truyền cảm hứng cho một thế hệ » như khẩu hiệu của Olympic Luân Đôn.

Điện Westminster và tháp Big Ben bên sông Thames của Luân Đôn trong những ngày hội Thế vận 2012.
Điện Westminster và tháp Big Ben bên sông Thames của Luân Đôn trong những ngày hội Thế vận 2012. REUTERS/Sergio Perez Đ
Quảng cáo

Gần một nghìn bộ huy chương, trong đó có 302 huy chương vàng đã được trao cho các động viên thi đấu ở 26 môn thể thao. Về thành tích, đoàn Mỹ dẫn đầu vượt trên đoàn Trung Quốc. Xếp thứ ba là nước chủ nhà Anh Quốc, thứ tư là Nga, Hàn Quốc từ vị trí thứ 7 ở kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 đã vươn lên thứ 5. Pháp cũng tiến từ thứ 10 lên xếp hạng 7 sau Đức. Đã có 87 trong tổng số 204 đoàn giành ít nhất một huy chương tại Olympic Luân Đôn.

Mặc dù có một số sự cố nhỏ trong thi đấu, nhưng 16 ngày qua hơn 10 nghìn vận động viên đã trình diễn những màn so tài hấp dẫn nhất để đem lại cho hàng tỷ người hâm mộ thể thao trên khắp hành tinh những cung bậc cảm xúc khác nhau, cùng những giấc mơ chinh phục đỉnh cao .

Tối nay Luân Đôn tạm biệt các đoàn vận động viên và du khách đến từ khắp nơi trên thế giới bằng một buổi lễ bế mạc hứa hẹn đầy màu sắc và âm hưởng cũng đậm chất Anh không kém buổi lễ khai mạc. Lễ bế mạc bắt đầu vào 20 giờ (GMT) và kéo dài trong 2 giờ 45 phút trước khi lá cờ Olympic được chuyển giao cho Rio de Janeiro, thành phố sẽ đăng cai Olympic mùa hè 2016.

Chúng ta đến với Luân Đôn với phần tường trình của thông tín viên Lê Hải:

06:47

Thông tín viên Lê Hải - Luân Đôn

Anh Vũ

Olympic Luân Đôn, ngày hội thể thao lớn còn để lại những ấn tượng mạnh

Sau hơn hai tuần đầy hào hứng với các môn thi đấu, còn vài giờ nữa là kết thúc lễ bế mạc thế vận hội Olympic Luân Đôn, ngọn đuốc sẽ tắt và lá cờ sẽ được chuyển giao cho ban tổ chức ở Rio de Janeiro.

Ấn tượng mạnh nhất đối với người hâm mộ thể thao trên thế giới sau giải đấu này chắc chắn sẽ là những kỷ lục thế giới được lập ra ở nhiều bộ môn - một hiện tượng lạ vì xưa nay mức độ thi đấu ở Olympics thường thua kém các cuộc thi chuyên nghiệp. Vậy mà trong cuộc thi bơi người xem tha hồ được xem những kỷ lục thế giới mới được xác lập trong bể bơi mới vừa được khai mạc của Luân Đôn, mà ấn tượng nhất là ngôi sao trẻ Trung Quốc Diệp Thi Văn.

Các bộ môn điền kinh cũng vậy, nhất là ở các cuộc chạy đua và đội tuyển Jamaica. Mà ngay từ ngày đầu thi đấu chính thức thì đội tuyển bắn cung của Hàn Quốc đã mở hàng với hai kỷ lục thế giới mới.

Rất nhiều kỳ tích đã được tạo ra trong những ngày hè tuyệt đẹp vừa qua ở Luân Đôn. Đội chạy đua của Bahamas giật huy chương vàng trước sự ngơ ngác của các ngôi sao Mỹ vốn từ trước đến nay vẫn luôn thống trị đường đua tốc độ. Người ta thấy các vận động viên từ các nước nghèo vươn lên trên đường chạy, như giọt nước mắt chiến thắng sau 5.000m chạy của Meseret Defar người Ethiopia, hay cô đồng hương Tiki Gelana ở giải việt dã bị xô ngã rách chân giữa đường vẫn đứng dậy đoạt huy chương vàng.

Vận động viên tàn tật người Nam Phi Oscar Pistorius lần đầu tiên được thi đấu với người bình thường. Cụ già 71 tuổi người Nhật Bản Hiroshi Hoketsu trong môn cưỡi ngựa đi vào lịch sử với danh hiệu vận động viên Olympics nhiều tuổi nhất. Khán giả người Anh thì hài lòng với huy chương vàng tennis trên sân cỏ Wimbledon, Andy Murray thắng áp đảo Federer chỉ vài tuần sau ngày khóc nức nở vì thua vẫn trên sân này trong giải đấu chuyên nghiệp.

Tính ra thì sau vài ngày đầu thấp thỏm chờ đợi, cuối cùng trận mưa huy chương cũng đổ xuống cho công tập luyện của đội tuyển Anh và cơn khát tường thuật của giới truyền thông và mong đợi của các nhà tài trợ. Bưu điện hoàng gia Anh ngay lập tức cử người đi sơn lại những thùng thư màu đỏ ở gần nhà các vận động viên vừa đạt huy chương thành nhũ bạc, nhũ vàng và nhũ đồng như huy chương họ vừa giành được. Có thể nói sự kiện Olympic Luân Đôn 2012 là một lễ hội hoàn hảo cho cả người dân Anh trên khắp mọi miền đất nước, lẫn cho du khách quốc tế tụ hội về London xem thi đấu.

Olympic Luân Đôn : Truyền cảm hứng cho một thế hệ

Tuy nhiên, đó chỉ là những kết quả người ta có thể nhìn thấy ngay lập tức, còn mục tiêu dài hạn hơn của Olympic Luân Đôn 2012 thì còn phải chờ thêm có lẽ từ 15 đến 20 năm nữa. Bởi vì nếu quí vị chú ý sẽ thấy ngay từ logo, cách viết chữ và trang trí cũng như là trình bày các môn thi đấu đều nhắm chung vào một thông điệp, đó là động viên thế hệ trẻ.

Nếu quí vị vào trang nhà của Thế vận hội năm nay ở địa chỉ là london2012.com thì sẽ thấy ngay dòng chữ màu tím bên cạnh logo của giải đấu bằng tiếng Anh: Inspire a generation, tức là truyền cảm hứng cho một thế hệ. Mục tiêu đó được thể hiện rất rõ qua các chương trình tường thuật mỗi ngày cùng lúc trên kênh số 3 cùng với một hoặc hai của đài truyền hình quốc gia Anh.

Cựu tiền đạo Gary Lineker cùng nhiều vận động viên nổi tiếng khác nay đã nghỉ hưu thay phiên nhau xuất hiện ở vị trí dẫn chương trình, và mời nhiều đồng nghiệp đã giải nghệ từ đủ mọi bộ môn thể thao về studio của đài đặt ngay trong công viên Olympic để bình luận, phân tích tình huống, và đặc biệt nhất là mời chính các ngôi sao vừa đạt huy chương lên chương trình thời sự để tạo sự hứng thú cho khán giả truyền hình, và kỳ vọng vào một thế hệ trẻ ở nước Anh sẽ quan tâm hơn đến thể thao.

Khu nhà tôi những ngày qua cũng giống nhiều nơi khác trên nước Anh, có các nhóm huấn luyện viên thể thao được địa phương và các tập đoàn siêu thị tài trợ đem dụng cụ ra khuyến khích trẻ em ra công viên tập luyện, hay đơn giản là chạy nhảy chơi đùa để tăng cường vận động. Một không khí thể thao đang hiện hữu rất rõ ở từng khu phố nhỏ của nước Anh này.

Vấn đề là người ta sẽ tiếp tục duy trì và phát triển ra sao để không chỉ sẽ có thêm nhiều huy chương trong các giải đấu sau, mà còn giúp dân tộc Anh trở nên khỏe mạnh, cường tráng và đầy tinh thần thể thao thượng võ. Và một vấn đề lớn hơn nữa là liệu thông điệp về chuyện tạo hứng khởi thể thao cho thế hệ trẻ của Olympic Luân Đôn 2012 sẽ được chuyển tải đến được thêm quốc gia nào trên thế giới, qua những bài tường thuật hay phóng sự truyền hình tỏa đi khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam.

Lễ bế mạc trong âm hưởng đậm chất Anh

Trước mắt, người ta được biết đêm bế mạc cũng sẽ đầy ấn tượng. Sẽ không phải là một đêm nhạc theo kiểu thông thường, nhưng khán giả cũng sẽ không phải cần nhiều hiểu biết về nước Anh như khi xem hoạt cảnh đêm khai mạc, vì đạo diễn Kim Gavin là người chuyên tổ chức các show nhạc trên sân vận động cho boys band Take That.

Theo tiết lộ thì khán giả sẽ được nhìn ngắm nước Anh qua làn điệu âm nhạc, với những ngôi sao đặc sắc nhất trong lịch sử. Nếu nội dung cuộc nói chuyện trên tờ nhật báo The Guardian là chuẩn xác thì những ai từng hâm mộ một ngôi sao nhạc nhẹ Anh quốc, từ Spice Girls cho đến Pet Shop Boys, Annie Lennox hay George Michael đều sẽ gặp thần tượng của mình trong đêm nay.

Nhưng có một điều mà khán giả truyền hình sẽ không thể cảm nhận hết được như những ai có mặt trên sân, bởi vì máy quay phim chỉ có thể tập trung vào một góc quay. Trong khi chương trình ca nhạc sẽ không có riêng một sân khấu nào cả mà cùng lúc sẽ diễn ra khắp mọi nơi, với mỗi khán giả trên sân đều là một thành viên tham gia cùng với 4.100 diễn viên chính.

Các đội tuyển cũng không diễu hành mà cùng lúc đổ vào sân không theo thứ tự, sẽ khiến khung cảnh càng thêm náo nhiệt. Đỉnh cao sẽ là vũ điệu samba trong chương trình trao cờ Olympic từ Luân Đôn sang Rio de Janeiro, thành phố của Brazil đăng cai tổ chức Thế vận hội 2016.

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Luân Đôn

Sau 8 kỳ tham dự Olympic mùa hè, thể thao Việt Nam mới chỉ dành được 2 huy chương bạc, một của Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo tại Sydney 2000 và một của Hoàng Anh Tuấn ở nội dung cử tạ tại Bắc Kinh 2008. Tại Olympic Luân Đôn 2012, đoàn Việt Nam có mười tám vận động viên tham dự thi đấu ở 11 nội dung.

Đến Luân Đôn với số lượng đông nhất từ trước đến nay bằng vé chính thức, thể thao Việt Nam vẫn le lói hy vọng sẽ có được ít nhất một tấm huy chương. Tuy nhiên sân chơi Olympic vẫn còn quá sức với các vận động viên Việt Nam. Có thể họ đã thi đấu hết mình, vượt lên chính bản thân nhưng trình độ vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với các đối thủ tại đấu trường Olympic.

Hầu hết các vận động viên của Việt Nam đều bị loại ngay từ ngày thi đấu đầu tiên. Việc thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Luân Đôn không có gì là bất ngờ, nhưng nó cũng để lại những băn khoăn suy nghĩ cho những ai tâm huyết với thể thao Việt Nam.

Thể thao Chủ nhật phỏng vấn phóng viên thể thao Huy Tường tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi niềm hy vọng huy chương cuối cùng của thể thao Việt Nam là võ sĩ taekwondo Chu Hoàng Diệu Linh bị thất bại ngay trận đầu tiên ngày hôm qua, khi đối mặt với hạt giống số 6 người Đức Fromm Helena. 

04:43

Phóng viên thể thao Huy Tưởng - TPCHM

Anh Vũ

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.