Vào nội dung chính
VĂN HOÁ

Chia ly - bộ phim Iran được khán giả Pháp đón nhận nồng nhiệt

Mùa hè này điện ảnh Pháp xôn xao bởi một bộ phim Iran, vừa đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin tháng Hai 2011. Được khởi chiếu cách đây 13 tuần, phim "Jodaeiye Nader az Simin" (sự chia tay của Nader với Simin), tên trong phiên bản tiếng Pháp “Une séparation” (tạm dịch là Chia ly), cho đến nay đã thu hút gần 1 triệu khán giả.

Simin (do nữ diễn viên Leila Hatami thủ vai), Nader (Peyman Moadi)
Simin (do nữ diễn viên Leila Hatami thủ vai), Nader (Peyman Moadi) Reuters
Quảng cáo

Sức hút đặc biệt của bộ phim được công chiếu tại 70 nước này, đối với khán giả Pháp có phần ngược lại với phản ứng của công chúng nhiều nước Châu Âu khác, như Đức chỉ có 100.000 lượt người xem.

Chia ly” của đạo diễn Iran Asghar Farhadi kể lại một câu chuyện đời thường. Simin, một giáo viên tiếng Anh muốn chia tay với chồng (Nader) để đi ra nước ngoài. Trước khi vợ ra đi, Nader quyết định tìm một phụ nữ giúp việc chăm sóc cha mình, bị mắc căn bệnh mất trí nhớ. Nader không biết rằng người phụ nữ được thuê đang mang thai và chồng của người đó có tâm lý đặc biệt bất ổn. Gia đình cặp vợ chồng Simin - Nader vốn đang trên bờ tan vỡ đã hoàn toàn thay đổi, khi người phụ nữ nhận chăm sóc cho cha của Nader bị sẩy thai. Vốn là hai người quen biết sơ sơ, Nader và chồng của người phụ nữ bị sẩy thai đột ngột trở thành địch thủ. Toàn bộ cuộc sống của hai cặp vợ chồng cùng với hai cô con gái của hai gia đình bị đảo lộn …

Tại sao bộ phim rất đời thường này lại hấp dẫn các khán giả Pháp đến như thế ?

Trước khi đưa ra một giải thích về điều này, chúng ta biết rằng, Iran - nơi diễn ra các biến cố trong bộ phim "Chia ly" - sống dưới một chế độ độc tài. Quyền lực tôn giáo và chính trị độc đoán tại quốc gia này có xu hướng ngăn cản mọi sáng tạo, đặc biệt những gì dính dáng đến các vấn đề chính trị xã hội lớn, với một hệ thống kiểm duyệt khắc nghiệt. "Chia ly", là một trong những bộ phim cách tân hết sức hiếm hoi của Iran được phép thực hiện và được trình chiếu ngay trong nước. Để làm được điều này, đạo diễn Asghar Farhadi đã tránh đụng chạm trực tiếp đến những vấn đề chính trị, có khả năng bị giới kiểm duyệt quy kết, chụp mũ.

Theo Le Monde, điểm độc đáo của "Chia ly", là thông qua sự chia tay của một cặp vợ chồng, bộ phim đã lột tả sự phân ly của bộ phận khá giả trong xã hội với tầng lớp dân nghèo, sự mâu thuẫn cao độ giữa truyền thống tôn giáo giáo điều cam chịu, tin tưởng vào những điều huyễn hoặc, với các phẩm tính của một xã hội hiện đại hướng đến tự do, công bằng và sự chân thực, đang được tìm kiếm và khẳng định ở mỗi con người ...

Trong “Chia ly”, không có sự đối lập tuyệt đối giữa cái ác và cái thiện, giữa một bên nắm giữ lẽ phải và bên kia, sự sai trái. Những tình huống trong phim biến đổi không ngừng, cùng với tâm lý nhân vật cũng không ngừng chuyển hóa. Bộ phim đã khai thác rất nhiều góc nhìn khác nhau khiến cho một sự kiện có vẻ như không có gì đáng nói đã trở thành tâm điểm của những cật vấn nội tâm về cách hành xử của con người với nhau.

Bộ phim khép lại với cảnh cô bé gái, con của Simin và Nader, đứng trước tòa. Viên thẩm phán chờ đợi cô bé sẽ đưa ra quyết định đi với mẹ hay ở lại với bố. Tuy nhiên, bộ phim đã kết thúc mà không có kết cục. Người xem không biết cô bé quyết định gì. Chỉ có điều chắc chắn là, sau những biến cố vừa trải qua, em đã không còn tin vào bố mẹ. Giờ đây, tự em phải định đoạt lấy cho mình một cách nhìn.

Có người yêu phim đưa ra một bình luận : “Chia ly không phải là một bộ phim, Chia ly chính là đời sống”, cuộc sống tranh đấu hàng ngày của hàng triệu người Iran.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.