Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Đại học Bắc Kinh giải thích về vụ sa thải giáo sư Hạ Nghiệp Lương

Mất chức vì « dậy dở và bị học trò kiện ». Đại học nối tiếng Bắc Kinh đã giải thích như trên về vụ sa thải một chuyên gia kinh tế dám chỉ trích chế độ. Giáo sư kinh tế Hạ Nghiệp Lương từng công khai kêu gọi chính quyền dân chủ hóa đất nước.

Giáo sư kinh tế Hạ Nghiệp Lương
Giáo sư kinh tế Hạ Nghiệp Lương DR
Quảng cáo

Trước sự phản đối dữ dội từ phía các dân cư mạng Trung Quốc và của cộng đồng quốc tế, đại học Bắc Kinh ngày 19/10/2013 phải lên tiếng giải thích vụ sa thải giáo sư Hạ Nghiệp Lương. Thông cáo của đại học Bắc Kinh khẳng định giáo sư « Hạ Nghiệp Lương trong nhiều năm liền bị chấm điểm ở mức thấp nhất của trường » và từ năm 2006 tới nay, đã có tới 340 đơn kiện chuyên gia kinh tế này.

Đại học Bắc Kinh cho biết thêm là vào tháng 10/2012 các thành viên trong trường đã họp lại và biểu quyết về việc sa thải giáo sư họ Hạ. Tuy nhiên, trường đã để cho ông này thêm thời gian một năm với hy vọng ông sẽ tự « cải thiện » trình độ của mình.

Trả lời hãng thông tấn Pháp, giáo sư Hạ Nghiệp Lương khẳng định ông bị mất chức vì dám công khai biểu lộ những quan điểm chính trị của mình. Giáo sư Hạ là một trong những người từng ủng hộ Hiến chương 08. Hàng trăm nhân sĩ trí thức và các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc đã ký tên ủng hộ văn bản kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, từ bỏ chế độ độc đảng để thực sự xây dựng một chế độ dân chủ và một Nhà nước pháp quyền.

Dân cư mạng Trung Quốc trên mạng xã hội Vi Bác nghi ngờ về giải thích được trường đại học Bắc Kinh đưa ra.

Một người bình luận, « cho dù đôi khi ông Hạ đưa ra những ý kiến mạnh mẽ, nhưng ông là một vị giáo sư giỏi ». Một ý kiến khác trên mạng Vi Bác thì cho rằng, chỉ có « giáo sư Hạ Nghiệp Lương mới đủ can đảm để làm cột sống cho nhân dân Trung Quốc, trong lúc đó những kẻ khác chỉ biết lo bảo vệ cho bản thân họ mà thôi ».

AFP nhắc lại kể từ khi một ban lãnh đạo mới lên cầm quyền tại Trung Quốc, Bắc Kinh càng siết chặt chính sách kiểm soát đối với những nhà bất đồng chính kiến và gia tăng các biện pháp kiểm duyệt internet. Tại quốc gia này, không hề có dấu hiệu « cởi trói » trong lĩnh vực chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.