Vào nội dung chính
SỨC KHOẺ

Biết thuốc lá độc hại : Bỏ hay theo ?

Một cậu bé Indonesia 5 tuổi cai thuốc lá một cách đau khổ trong khi đó một phụ nữ Trung Quốc thảnh thơi lãnh tiền thuê hút 30 điếu mỗi ngày. Chiếc bẫy của nicotine dể vào nhưng rất khó ra.

REUTERS
REUTERS
Quảng cáo

Dân Á châu tiêu thụ thuốc lá đứng đầu thế giới nhờ Trung Quốc. Với hơn 350 triệu người, chiếm một phần ba dân nghiện nicotine trên toàn thế giới. Theo một kết quả nghiên cứu của đại học Johns Hopkins , Baltimore, Hoa Kỳ, hơn 85% trẻ con Trung Quốc phân biệt được một hiệu thuốc lá.

Sự kiện người dân Trung Quốc « mê » nhả khói đã được các hãng thuốc lá khai thác triệt để gia tăng thị phần. Hoàn Cầu Thời Báo, phản ánh các quan điểm cực đoan của Trung Quốc, cho biết công ty Tobacco ở Hắc Long Giang biết khai thác một khả năng thiên phú của người phụ nữ là « khẩu vị và khứu giác tinh tế » để từ đó pha ướp thuốc lá với nhiều hương vị khác nhau, đáp ứng được sở thích của số đông người nhất .

Như hàng trăm người phụ nữ khác làm nghề « nếm thuốc lá » ở Trung Quốc, bà Lý Tuệ là một trong những « nhân viên » của hãng thuốc lá nổi tiếng ở Hắc Long Giang. Người phụ nữ trẻ này được thuê hút 30 điếu thuốc mỗi ngày với đồng lương rất cao so với mức sống tại Trung Quốc : hơn 800 đô la mỗi tháng. Mỗi sáng, bà vào « văn phòng », hít từng ngụm khói, giữ thật lâu trong phổi, trong miệng, « phân tích » từng mùi từng vị của khói thuốc, cái nào « ngon » cái nào « khó chịu ».

Công việc rất giản dị nhưng phải tuân thủ một điều kiện là không trang điểm và sử dụng nước hoa để tránh mùi hương mỹ phẩm pha trộn với khói thuốc lá. Bà Lý Tuệ « nhả khói » giỏi đến mức được chính quyền thành phố tặng danh hiệu « công nhân tiên tiến ».

Bình luận về thông tin này, báo South China Morning Post ở Hồng Kông mỉa mai: Hắc Long Giang là vùng đầy ô nhiễm. Dưới lớp khói mù, có những ngày phải đóng cửa phi trường, trường học, đình chỉ giao thông. Nếu so sánh với nồng độ hạt tử ô nhiễm trong không khí cao gắp 40 lần so với mức báo động của Tổ chức Y tế Thế giới thì ô nhiểm do dân nghiền thuốc lá ở Hắc Long Giang gây ra chỉ là hạt muối bỏ biển. Theo chính quyền địa phương thì thủ phạm gây ô nhiễm là các lò sưởi bằng than đá ( !).

Không rõ lời tố cáo này có bay đến tận thủ đô Ba Lan, nơi đang diễn ra hai hội nghị quốc tế với hai chủ đề mâu thuẫn nhau : hội nghị về biến đổi khí hậu và cảnh báo nạn ô nhiễm do hiệu ứng nhà kính do Liên Hiệp Quốc triệu tập. Cách đó không xa, giới doanh nghiệp than đá quốc tế tổ chức hội nghị về than đá và khí hậu .

Trong khi đó, tại Indonesia, câu chuyện em bé 18 tháng hút mỗi ngày 2 gói thuốc lá đã gây chấn động công luận quốc tế và quốc nội cách nay ba năm. Cậu bé Ardi Rizal năm nay được 5 tuổi. Được chính phủ Indonesia đài thọ, Ardi Rizal theo một chương trình « cai thuốc ». Vấn đề là từ khi bỏ nicotine , cậu bé đâm ra nghiện đồ ăn ngọt : Mỗi ngày thế hai gói thuốc lá bằng ba hộp sữa đặt có đường và nhiều loại bánh ngọt.

Do ăn uống thiếu quân bình, quá nhiều glucide, cậu bé 5 tuổi này lên cân nhanh chóng. Chưa rõ các chuyên gia dinh dưỡng Indonesia đang theo dõi sức khỏe Ardi Rizal có tìm ra giải pháp nào chưa nhưng rõ ràng là đóm lửa thuốc lá tuy nhỏ nhưng khả năng thiêu đốt không nhỏ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.