Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Chiến tranh Ukraina : Trẻ em gặp nguy hiểm do cuộc tháo chạy khỏi đất nước

Các nhật báo Pháp hôm nay 30/03/2022 đặc biệt chú ý đến cuộc đàm phán Nga-Ukraina được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trẻ em Ukraina tại một điểm tập trung sau khi được đưa ra khỏi Mariupol, ở Zaporizhzhia, Ukraina, ngày 22/03/2022.
Trẻ em Ukraina tại một điểm tập trung sau khi được đưa ra khỏi Mariupol, ở Zaporizhzhia, Ukraina, ngày 22/03/2022. REUTERS - STRINGER
Quảng cáo

Trang nhất nhật báo thiên tả Libération chạy tựa « Ảo giác hay hy vọng » khi nói về cuộc đàm phán này. Tờ báo nhấn mạnh về việc liệu Ukraina có áp dụng quy chế trung lập hay không ? 

Việc Kiev từ bỏ ý định gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm dấy lên sự hoài nghi của một số chuyên gia, những người đặc biệt nhớ lại việc Matxcơva không tuân thủ thỏa thuận Budapest năm 1994, vốn có điều khoản bảo đảm an ninh cho Ukraina. 

Khi bắt đầu vòng đàm phán thứ năm, mỗi bên đã để rò rỉ một số tín hiệu xuống thang. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu nói về việc « giải phóng » Donbass chứ không còn là « phi quốc xã hóa ». Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba thì cho rằng có thể đạt được các điều kiện cho một « lệnh ngừng bắn ổn định ». Cuối cùng, đề xuất về một « sự trung lập » của Ukraina đã được đưa ra thảo luận như tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất vào cuối tuần qua. 

Một Ukraina « trung lập » sẽ như thế nào ? 

Việc Ukraina từ bỏ ý định gia nhập NATO là nền tảng cho sự trung lập mà Nga yêu cầu. Trước khi chiến tranh nổ ra, Matxcơva đã yêu cầu NATO từ chối mọi đề nghị gia nhập khối của Ukraina. Vào giữa tháng 3, Zelensky thừa nhận rằng đất nước của ông không thể gia nhập tổ chức quân sự nữa. « Tôi rất vui vì người dân của chúng tôi đang bắt đầu hiểu điều đó và chúng ta chỉ có thể dựa vào chính bản thân. Hôm qua, các nhà đàm phán Ukraina còn đi xa hơn khi đề xuất Ukraina không nên có bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào. Các cuộc tập trận vẫn có thể được tổ chức với quân đội các nước khác, với những điều kiện nhất định. » 

Nhưng nhà phân tích chính trị Maria Zolkina viết trên Twitter rằng nếu trung lập, Ukraina sẽ rơi vào tình thế tồi tệ hơn hiện nay khi mất cơ hội tự vệ, vì việc nhập vũ khí sẽ bị dừng lại trong thời bình. Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc viện Thomas More cũng có đồng quan điểm khi cho rằng quy chế trung lập là điều đáng lo ngại đối với Ukraina. 

Để tự bảo vệ mình, Kiev yêu cầu « có được bảo đảm an ninh tuyệt đối », giống với những gì được quy định trong điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trong trường hợp bị tấn công, « những nước đỡ đầu » Ukraina sẽ có 3 ngày để cố gắng chấm dứt xung đột thông qua con đường ngoại giao và sau đó phải viện trợ quân sự và thậm chí có thể « đóng cửa không phận ». Các nhà đàm phán Ukraina đã đưa ra một danh sách các quốc gia mà họ muốn trở thành những nước đỡ đầu bao gồm bốn thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Hoa Kỳ, Pháp, và Trung Quốc) cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ba Lan và Israel. Điều cần thiết là những quốc gia nói trên phải chấp nhận vai trò này. 

Để có hiệu lực, « sự trung lập » này sẽ phải được thông qua bằng trưng cầu dân ý, một bước thiết yếu để sửa đổi Hiến pháp đề cập đến nguyện vọng gia nhập NATO lúc này. Kiev trước đó đã cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra cho đến khi binh sĩ Nga rời khỏi lãnh thổ. Ngược lại, Matxcơva không có ý định rút khỏi nước này cho đến khi quy chế trung lập của Ukraine được bảo đảm. 

Quay trở lại vấn đề trung lập, đầu tháng này, điện Kremlin đề nghị Kiev lấy cảm hứng từ các mô hình trung lập của Áo hoặc Thụy Điển để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, kể từ cuộc xâm lược Ukraina của Nga, vai trò của các quốc gia châu Âu được coi là trung lập cũng gần như không còn. Từng là vùng đệm giữa Liên Xô và phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã gửi vũ khí cho Ukraina và đang nghiêm túc xem xét việc gia nhập NATO. Các cuộc thăm dò dư luận ở nước này ghi nhận sự ủng hộ tăng đột biến đối với việc gia nhập Liên Minh. Nếu Phần Lan thực sự đi đến quyết định này, thì nhiều khả năng Helsinki sẽ kéo theo người hàng xóm Thụy Điển của mình vào theo sau. 

Vai trò của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 

Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì nhấn mạnh về vai trò của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. 

Tổng thống Erdogan, trước khi đáp máy bay sang thăm chính thức Uzbekistan, đã dành thời gian để chào đón các nhà đàm phán Nga và Ukraina lần đầu tiên gặp nhau tại eo biển Bosphorus, trong khuôn viên văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Trước ống kính, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nói chuyện với các phái đoàn bằng giọng điệu của một « huấn luyện viên ». « Tôi nghĩ là chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà các kết quả cụ thể cần phải đạt được từ các cuộc đàm phán. Cả thế giới đang mong chờ tin vui từ quý vị ». 

Sau bốn tiếng thảo luận, phái đoàn hai nước đã thực sự có một vài « tin vui » để thông báo. Trưởng phái đoàn Nga, Vladimir Medinski, đã bảo đảm rằng các đề xuất của Ukraina sẽ được « nghiên cứu sớm nhất có thể » và trình lên tổng thống Vladimir Putin. Một dấu hiệu khác từ phía Nga cho thấy là các cuộc đàm phán đang tiến triển khi thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nga, Alexander Fomin, tuyên bố rằng Matxcơva sẽ « giảm triệt để hoạt động quân sự ở hướng Kiev và Chernihiv » ở phía bắc Ukraina. Về phần mình, Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng về những « tiến bộ » nói trên. 

Trẻ em gặp nguy hiểm do cuộc tháo chạy 

Báo Le Monde dành trang nhất cho chủ đề này. 

Đối mặt với làn sóng sơ tán, đôi khi trẻ vị thành niên không có người đi kèm, đặc biệt là ở Ba Lan, một số tổ chức quốc tế lo ngại, nêu ra rủi ro về nạn buôn người, gia đình bị ly tán hoặc mất tích. 

Từ Krakow lái xe một giờ về phía nam, đi qua những con đường quanh co leo lên những ngọn núi. Ở đó, trong một khu nghỉ, thể thao mùa đông, khoảng ba mươi trẻ em từ một trại trẻ mồ côi tư nhân ở vùng Lviv, miền tây Ukraina đã được đưa đến vào đầu tháng Ba. 

Wendy Lynn Farrell 39 tuổi là một thành viên tích cực của một cộng đồng Baptist ở Springfield, Missouri, cho biết là những đứa trẻ này từ 2 đến 17 tuổi đã phải rời xa cha mẹ của mình do cuộc chiến Nga-Ukraina. 

Một số tổ chức quốc tế đã liên tục lo ngại về điều này. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào ngày 24/02, mà theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) là nguyên nhân chính gây ra một trong những vụ di dời trẻ em có quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trẻ em chiếm khoảng một nửa trong số gần 3,9 triệu người tị nạn. 

Tasha Gill, cán bộ phụ trách Bảo vệ Trẻ em trong Khủng hoảng Nhân đạo tại UNICEF cho biết : « Chúng tôi rất lo lắng. Mối quan tâm đặc biệt liên quan đến nguy cơ gia đình bị ly tán và mất tích ». 

Ba Lan, nơi phần lớn người tị nạn đến đã quyết định tiếp nhận trẻ em không có người đi kèm. Tuy nhiên, « quyết định này được đưa ra khoảng mười ngày sau khi chiến tranh bắt đầu và nhiều người trước đó đã vượt biên », Tasha Gill nhấn mạnh. 

Trước ngày 24 tháng 2, « khoảng 170.000 trẻ em đã được giao cho các cơ sở giáo dục ở Ukraina, với một phần ba trong số trẻ em này bị khuyết tật », Emilio Puccio, tổng thư ký phụ trách về quyền của trẻ em của Nghị Viện Châu Âu, cho biết. « Một số trẻ vị thành niên này đã được sơ tán khỏi đất nước, nhưng việc này không được thực hiện một cách có hệ thống », ông Puccio nói thêm. Phần lớn những đứa trẻ này không được đăng ký trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học. Do vậy có nguy cơ mất tích cao. 

Cao ủy châu Âu về Nội Vụ Ylva Johansson hôm 23/3 bày tỏ lo ngại về « nguy cơ lớn » của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, sau khi cơ quan cảnh sát châu Âu Europol đưa ra một tuyên bố nói rằng nhóm tội phạm có thể dùng các chiêu bài lừa lọc như hứa hẹn đưa đón, cấp nhà ở miễn phí, tìm việc làm hoặc các hình thức hỗ trợ tức thì khác để bắt cóc các nạn nhân. 

Ai sẽ được lợi khi các công ty Pháp rời Nga ? 

Nhật báo công giáo La Croix có bài viết về chủ đề này. 

Trước Quốc Hội Pháp, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cáo buộc Leroy Merlin và Auchan là các « nhà tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga ». Hai tập đoàn Pháp này nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ đối với các nhân viên làm việc ở Nga. Philippe Zimmermann, giám đốc điều hành của Leroy Merlin, đã ước tính trên tờ La Voix du Nord rằng việc đóng cửa cửa hàng sẽ « được coi là một vụ phá sản được lên kế hoạch trước, làm phát sinh các khoản trưng thu », và đây « sẽ là một món quà của công ty cho chế độ Nga ». 

Nếu chính phủ Ukraina kiên quyết yêu cầu các tập đoàn lớn nước ngoài rời khỏi Nga, thì đó chủ yếu là vì lý do chính trị. Đó là một cách cho thấy Nga bị coi là quốc gia xâm lược và nước này phải chịu trách nhiệm về thảm họa nhân đạo này. Và nếu các công ty này tuân thủ, thì chủ yếu là để bảo toàn danh tiếng của mình. Và Ukraina sẽ được hưởng lợi từ việc này, bởi các công ty nước ngoài đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế Nga. Họ cung cấp các công nghệ và phụ tùng thay thế cần thiết cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng, và do đó có thể được sử dụng trong bối cảnh xung đột. Ngoài ra, các công ty nước ngoài chiếm 7% việc làm. Và cần lưu ý rằng mức lương mà các công ty nước ngoài trả cao gấp đôi mức lương trung bình. 

Nếu tất cả các công ty này rời khỏi Nga ngay lập tức, điều này sẽ làm GDP của Nga giảm từ 10 đến 15% trong vòng hai năm. Nhưng đây chỉ là lý thuyết vì trên thực tế, một số tập đoàn rút lui nhưng đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục trả lương nhân viên của mình. Ví dụ như tập đoàn ăn nhanh McDonald's, trả lương cho toàn bộ 60.000 nhân viên của mình ở Nga. Đó là cách để công ty này tạo cho mình một đường lùi và quay trở lại làm ăn ở Nga nếu chiến tranh không kéo dài quá lâu. Vì vậy, nhiều tập đoàn chỉ nói đến việc tạm ngưng hoạt động thay vì rời khỏi Nga vĩnh viễn. 

Nhưng trong mọi trường hợp, người ta dự đoán rằng GDP của Nga có thể giảm 20% vào năm 2022. Và gần một phần ba sự sụt giảm này là kết quả của các lệnh trừng phạt phương Tây. Phần còn lại là chi phí trực tiếp cho chiến tranh, buộc nhà nước Nga phải nỗ lực tài chính đáng kể vào thời điểm hoạt động giảm sút, khi thuế được thu ít hơn và khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Do đó, việc các công ty nước ngoài đóng cửa là một phần của « hiệu ứng quả cầu tuyết », chứng kiến sự co lại của toàn bộ nền kinh tế, cùng với sự trì trệ trong thương mại, đầu tư và sản xuất. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.