Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Tham nhũng và sức mạnh tiềm tàng phá hủy Ukraina, nhất là vào thời hậu chiến

Báo Le Monde hôm nay đặc biệt quan tâm đến thời sự Pháp, dàn trải qua nhiều chủ đề, từ việc các nghiệp đoàn và chính phủ gây sức ép đối với Quốc hội Pháp về hồ sơ cải tổ chế độ hưu trí, lĩnh vực hạt nhân, những thay đổi trong luật định của Pháp về năng lượng tái tạo, quy định về quyền phá thai ghi trong Hiến pháp, cải cách văn hóa trong các cơ quan tình báo Pháp, kinh tế Pháp tăng trưởng chậm nhưng tránh được suy thoái …

Một máy bay không người lái mang quốc kỳ Ukraina bay trên bầu trời Kiev, ngày 24/08/2022.
Một máy bay không người lái mang quốc kỳ Ukraina bay trên bầu trời Kiev, ngày 24/08/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Quảng cáo

Về thời sự quốc tế, ngoài chủ đề về nỗi khổ của người Kurdistan tại Iran, Nhà nước Do Thái Israel, Le Monde có bài thời luận đáng chú ý về nạn tham nhũng ở Ukraina. Trong bài viết « Tham nhũng, một cuộc chiến khác tại Ukraina », cây bút thời luận Julien Bouissou lưu ý là tại Ukraina, hiện giờ tham nhũng ít được nói đến hơn là tên lửa Nga, thế nhưng nạn tham nhũng cũng có sức mạnh tiềm tàng phá hủy quốc gia này.

Những vụ cách chức các quan chức và lãnh đạo chính trị Ukraina liên quan đến vụ biển thủ công quỹ của bộ Quốc Phòng nhắc lại rằng ngay trong thời chiến, tham nhũng cũng là một mối đe dọa cần được nhìn nhận nghiêm túc. Le Monde dẫn lời nhà sáng lập một tổ chức phi chính phủ chuyên về chống tham nhũng tại Ukraina, theo đó tham những làm xói mòn lòng tin của các đồng minh của Kiev và gây chia rẽ trong nước, trong khi lòng tin chính là điều quý giá nhất mà Ukraina đang có. Nếu không được tin tưởng thì chắc chắn Kiev không thể được tài trợ và viện trợ quân sự. Ngay trong nước, lòng tin cũng là chất kết dính cho tình đoàn kết. Cũng chính vì thế mà Nga đã luôn sử dụng thứ vũ khí hối lộ để chia rẽ và làm mất tính chính đáng của Nhà nước Ukraina.

Cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraina là một đòi hỏi chính trị lớn từ sau Cách mạng Maidan 2014, với sự ra đời của nền tảng số Prozorro về quản lý minh bạch thị trường công, và sự thành lập một cơ quan chống tham nhũng, giúp Ukraina từ thứ hạng 26 năm 2012 vươn lên thứ hạng 32/100 nước vào năm 2021, theo xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế. Tuy nhiên, theo Le Monde, Kiev vẫn còn nhiều việc cần làm để chống nạn tham nhũng, bởi Ukraina vẫn là nước tham nhũng thứ 122 trên thế giới (trên tổng số 180 nước được xếp hạng).

Điểm tích cực được Le Monde ghi nhận là dưới sức ép của phương Tây, nhất là Liên Âu, liên quan đến việc cấp tài trợ và xét hồ sơ gia nhập Liên Hiệp, cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraina càng được tăng tốc kể từ khi chiến tranh nổ ra cách nay gần 1 năm. Hoa Kỳ cũng hoan nghênh các quyết định nhanh chóng và thiết yếu của Kiev để chống tham nhũng, thế nhưng Le Monde lưu ý thời chiến không phải giai đoạn nguy cơ tham nhũng cao nhất, mà là vào thời hậu chiến, khi hàng trăm tỉ đô la được chuyển đến Ukraina để phục vụ công cuộc tái thiết đất nước này.

Miến Điện : Với bất cứ hành vi nào phản đối quân đội, cuộc sống sẽ biến thành địa ngục

Nhìn sang châu Á, các báo Pháp đều hướng sự chú ý đến Miến Điện, vì hôm nay 01/02/2023 là tròn 2 năm ngày quân đội Miến Điện đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kiy.

Trong bài viết « Người dân Miến Điện vẫn sống trong nỗi sợ hãi » thường trực, thông tín viên báo La Croix tại Đông Á cho biết, các đoàn xe quân đội vẫn tuần tra đều đặn trên các tuyến phố của thành phố Rangoon, các tháp canh ở những ngã tư được xây bằng gạch thay vì gỗ như cách nay 2 năm. Thế nhưng, tội phạm, trộm cắp và các vụ tấn công nhắm vào người dân Miến Điện và người ngoại quốc đã tăng bùng nổ. Theo một nhà ngoại giao châu Âu sống nhiều năm tại Rangoon, mức độ mất an ninh chưa bao giờ cao đến như vậy.

Tình trạng đói nghèo cùng cực liên quan đến 15 triệu trên tổng số dân 53 triệu người của Miến Điện. Hơn 1 triệu người phải trú tại các trại cho người tản cư. Mỗi tháng có 30.000-40.000 người Miến Điện bỏ trốn sang các nước láng giềng. Để đối phó, tập đoàn quân sự Miến Điện ngừng việc cấp hộ chiếu cho người dân. Trong năm 2022, lạm phát lên đến 30-40%, nhưng giá cả vẫn không ngừng tăng. Riêng với báo giới, đã có 4 nhà báo Miến Điện bị sát hại, ít nhất 130 nhà báo bị bắt giữ và bỏ tù.

Đối với nhiều người Miến Điện, cuộc bầu cử được hứa hẹn sẽ diễn ra vào cuối năm nay bị coi là một trò hề dân chủ. Hai năm sau vụ đảo chính, chưa có dấu cho thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng Miến Điện. Trong khi tình hình chính trị, kinh tế và nhân quyền tiếp tục xuống cấp, tập đoàn quân sự cầm quyền phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ trên khắp đất nước. Thế nhưng, một nhà tranh đấu than thở là bất cứ một người nào phản đối tập đoàn quân sự ở Miến Điện đều sẽ có cuộc sống như ở địa ngục. Cảnh sát và quân đội thường xuyên kiểm tra, xác định danh tính và điện thoại của mọi người.

Tương tự, thông tín viên Juliette Verlin của báo Libération từ Rangoon cũng cho biết tai mắt của quân đội ở khắp mọi nơi, người dân phải tìm cách tránh để không bị tập đoàn quân sư xem là « một nhà cách mạng ».

Bước đại thụt lùi kinh tế và dân chủ

Le Figaro cho biết theo dự kiến Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia hôm nay tuyên bố rầm rộ về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp để bình thường hóa sự kìm kẹp của chính quyền quân sự. Đây được xem là một mánh khóe hợp pháp để các tướng lĩnh duy trì quyền lực.

Sonny Swe, người sáng lập trang Frontier Myanmar nhận định Miến Điện là « cửa sổ » nhìn ra Ấn Độ Dương cho Trung Quốc, giàu nguyên vật liệu, nhưng lại đang có « bước đại thụt lùi », phá vỡ đà phát triển kinh tế và đà chuyển đổi dân chủ, đẩy lớp trẻ vào cảnh sống lưu vong, hoặc phải tham gia chiến đấu. Bất chấp tất cả, chế độ quân sự cầm quyền vẫn phớt lờ những lời chỉ trích, đóng mọi cánh cửa mở ra đối thoại.

Và cái giả phải trả là Tatmadaw ngày càng bị quốc tế cô lập, trừ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Matxcơva, Bắc Kinh và New Delhi vẫn đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của họ ở quốc gia nằm ở vị trí then chốt giữa Ấn Độ Dương và dãy Himalaya.

Biến đổi khí hậu : Người giàu gây họa, người nghèo gánh hậu quả

Về hồ sơ khí hậu, Le Monde có bài « Trái đất nóng dần lên và tình trạng đói nghèo : Hai cuộc khủng hoảng cần giải quyết đồng thời ».

Theo một báo cáo Viện nghiên cứu về bất bình đẳng thế giới, trực thuộc Đại học Kinh tế Paris và Đại học California ở Berkeley, công bố hôm thứ Ba 31/01/2023, hơn 1% dân số giàu nhất thế giới thải ra môi trường nhiều carbon hơn so với 50% dân nghèo nhất. 10% dân số giàu nhất phát thải ra gần 50% lượng khí thải toàn cầu. Việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu do những người giàu nhất gây ra, nhưng người nghèo lại chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ nạn biến đổi khí hậu. Tóm lại, khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về bất bình đẳng. Nhưng sự bất bình đẳng không chỉ là giữa các nước mà còn ngay tại mỗi nước.

Theo một trong các tác giả của bản báo cáo, bất bình đẳng khí hậu là một cuộc khủng hoảng 3 trong 1 : bất bình đẳng về phát thải, bất bình đẳng về những mất mát, thiệt hại do tình trạng Trái đất bị hâm nóng, và bất bình đẳng trong khả năng hành động. Điều đáng lưu ý là hiện nay giới nhà giàu trên thế giới mới có rất ít đóng góp vào giải quyết khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng khí hậu thêm nghiêm trọng phần nhiều cũng là do giới nhà giàu. Do vậy, xem lại hệ thống thuế khóa thế giới, nhất là tăng thuế đánh vào những người giàu nhất vừa cho phép tăng cường cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vừa tăng cường chống nghèo đói.

Cải tổ hưu trí : Chính quyền Pháp đối mặt với bức tường phản kháng

Trở lại với thời sự nước Pháp, chủ đề được báo chí quan tâm nhất là ngày bãi công, biểu tình 31/01 chống kế hoạch của chính quyền Macron về cải tổ chế độ hưu trí.  

Le Figaro cho biết mặc dù tỉ lệ đình công trong giới công chức, tại tập đoàn đường sắt Pháp SNCF và trong ngành giáo dục giảm so vớingày đình công đầu tiên 19/01, nhưng số người xuống đường biểu tình tại các thành phố lại đông hơn so với 12 hôm trước. Chính vì thế, các nghiệp đoàn càng có động lực tiếp tục, thậm chí đẩy mạnh phong trào đấu tranh. Tối hôm qua, giới nghiệp đoàn lại phát động hai ngày hành động mới (07 và 11/02), với mục tiêu là nhân rộng phong trào phản kháng. Trong khi chính phủ vẫn tỏ ra cứng rắn, quyết tâm tiến hành cải tổ chế độ hưu trí, Le Figaro nhận định Hạ Viện Pháp đang chịu áp lực do phong trào biểu tình hôm qua được xem là thành công, là « 1 trong những cuộc biểu tình lớn nhất từng được tổ chức trong vòng 15 năm qua » tại Pháp, theo lời Laurent Berger, tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT.

Hố sâu ngăn cách tổng thống và người dân

Nhìn sang Libération, báo thiên tả đặt câu hỏi trên trang nhất « Cải tổ hưu trí : Không thể thương lượng ? » và nhận định phong trào phản kháng gia tăng mạnh, tương quan lực lượng khiến công cuộc cải tổ của chính phủ Pháp trở nên phức tạp hơn.

Trong bài xã luận có tiêu đề « Hố ngăn cách », Libération nhắc lại trong bối cảnh thủ tướng Pháp đã từng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng việc lùi tuổi về hưu từ 62 thành 64 là « không thể thương lượng được nữa », còn bộ trưởng Nội Vụ mỉa mai về một xã hội « không lao động » « không nỗ lực » đồng thời chỉ trích cánh tả đang tìm cách đẩy đất nước vào cảnh lộn xộn, người dân Pháp tham gia đông đảo phong trào biểu tình, kể cả ở những thị trấn nhỏ, để bày tỏ nỗi tức giận.

Theo Le Libération, đó là nỗi giận trước một dự án cải tổ mà họ coi là bất công, trước sự bướng bỉnh của vị tổng thống từng hứa sẽ tiến hành cải tổ hưu trí, bất kể cái giá phải trả về chính trị và xã hội. Đó là nỗi giận dữ trước một chính phủ tạo tạo ấn tượng rằng chỉ mình họ là có lý và hiểu biết còn dân chúng thì không có khả năng hiểu chuyện.

Do về ngắn hạn và trung hạn, tổng thống Macron không còn phải đối mặt với kỳ bầu cử quan trọng nào, trừ bầu cử Nghị Viện châu Âu 2024, nên Emmanuel Macron nghĩ rằng ông có thể thoải mái thực hiện cải tổ. Thế nhưng, Libération cảnh báo hố sâu ngăn cách giữa tổng thống Pháp và phần còn lại của đất nước đang không ngừng gia tăng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.