Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Chuyên gia : Những ai yêu nước Nga nên mong Putin thua sớm

Báo Le Monde đăng bài phỏng vấn nhà sử học Mỹ Timothy Snyder. Ông cho rằng chỉ có chiến thắng của Kiev mới dẫn đến hòa bình ở Ukraina. Phương Tây cần phải ủng hộ Kiev mạnh mẽ hơn để chống lại cuộc xâm lăng của Nga, mà ông đánh giá là « diệt chủng ».

Tù binh Nga được phía Ukraina trao trả. Ảnh cắt từ video do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 10/04/2023.
Tù binh Nga được phía Ukraina trao trả. Ảnh cắt từ video do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 10/04/2023. via REUTERS - RUSSIAN DEFENCE MINISTRY
Quảng cáo

Hôm nay các báo nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ duy nhất tờ Le Figaro xuất bản, và Le Monde ra từ cuối tuần trước. Thời sự nổi bật nhất là chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Pháp, Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, và chiến sự Ukraina.

Tổng thống Pháp rời đi, Trung Quốc diễu võ giương oai ngay với Đài Loan

Đặc phái viên Le Figaro ghi nhận « Macron vừa rời khỏi Trung Quốc, Bắc Kinh liền gây áp lực lên Đài Loan ». Chuyên cơ của tổng thống Pháp vừa cất cánh khỏi Quảng Đông, lực lượng Đài Loan đã phát hiện được 11 chiến hạm và 70 chiến đấu cơ Trung Quốc vây quanh vùng biển. Đội ngũ hùng hậu này nhằm « nghiêm khắc cảnh cáo » Đài Bắc về việc tổng thống Thái Anh Văn gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy ở California, bảy tháng sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi.

Hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi qua eo biển Ba Sĩ tuần này, cũng như cuộc tập trận xung quanh Đài Loan đến ngày 20/04, có mục đích khẳng định khả năng phong tỏa đảo quốc, cắt đứt khỏi các đồng minh. Một thông điệp răn đe cho cử tri Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Tuy nhiên quy mô hành động của Trung Quốc lần này tương đối thấp hơn so với lần bà Pelosi đến Đài Bắc. Theo các nhà quan sát, chủ yếu để biểu thị quyết tâm của Bắc Kinh hơn là leo thang.

Cuộc gặp giữa bà Thái và ông McCarthy phủ bóng lên chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp kể từ sau đại dịch. Emmanuel Macron quyết định không đề cập đến chủ đề nhạy cảm này, tập trung vào hồ sơ Ukraina, và nhấn mạnh đến « sự tự chủ chiến lược của châu Âu ». Ông nối gót tướng De Gaulle, đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1964, bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Điện Élysée tái khẳng định chủ trương « chỉ có một nước Trung Hoa ». Trong bài phỏng vấn đăng trên trang web Les Échos, tổng thống Pháp cho rằng « điều tệ hại nhất là nghĩ rằng châu Âu phải theo đuôi, thích ứng với nhịp độ của Mỹ và phản ứng quá trớn của Trung Quốc » trong vấn đề Đài Loan.

Điều an ủi cho Macron sau « cuộc đối thoại giữa những người điếc »

Ngược lại chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen công khai tuyên bố sự ổn định ở eo biển Đài Loan là « tối quan trọng », cảnh cáo mọi mưu toan thay đổi nguyên trạng. Sự im lặng của Pháp cũng tương phản với xu thế ủng hộ Đài Loan đang tăng lên nơi các nước châu Âu, kể cả Đức - bộ trưởng Giáo Dục Bettina Stark-Watzinger lần đầu sau nhiều thập niên đã đến thăm đảo quốc.

Bắc Kinh đợi hai vị quốc khách đi khỏi mới chính thức cho tập trận, vì vẫn mong tranh thủ được châu Âu để làm đối trọng với Mỹ. Tập Cận Bình đã hậu đãi Emmanuel Macron, thân mật mời đến dùng trà tại nhà cũ của người cha ở Quảng Đông, nhưng những nỗ lực của tổng thống Pháp nhằm thúc giục Bắc Kinh gây áp lực lên Matxcơva chỉ nhận được những lời đáp mơ hồ. Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, đó là cuộc đối thoại giữa những người điếc, Tập Cận Bình nói rằng cuộc chiến tranh ở Ukraina « không liên quan đến chúng tôi ».

Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh nhận xét : « Macron chỉ tự huyễn hoặc. Ông ấy tin rằng Trung Quốc khác với Nga, nhưng thực ra liên kết đôi bên là sâu sắc, và chỉ mới bắt đầu ». Điều an ủi cho tổng thống Pháp là chiếm được cảm tình của người dân Trung Quốc, như sinh viên trường đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Đông đã đón tiếp Emmanuel Macron như một ngôi sao, ông được khen « đẹp trai, phát biểu lôi cuốn ».

Vẫn chưa muốn thấy mặt thật của toàn trị Bắc Kinh

Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Nicolas Baverez nhận định, « Gáo nước lạnh của Tập Cận Bình dành cho Emmanuel Macron nhắc nhở vài sự thực đơn giản ». Từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Macron năm 2018, thế giới đã chuyển sang một kỷ nguyên mới với đại dịch và cuộc xâm lăng Ukraina. Một cuộc đối đầu quy mô đã mở ra giữa các đế quốc độc tài và nước dân chủ, toàn cầu hóa bị vỡ thành nhiều khối.

Chuyến đi của Macron đã thất bại, chẳng những ông Tập thẳng thừng từ chối can thiệp vào Ukraina mà còn cho tập trận gần Đài Loan. Ông Emmanuel Macron không hề rút ra bài học từ việc đối thoại với Vladimir Putin, không muốn nhìn thấy bộ mặt thật của toàn trị. Tự coi mình là cường quốc cân bằng trong khi các đế chế độc tài luôn muốn tiêu diệt dân chủ, là một ảo tưởng nguy hiểm. Bà Ursula von der Leyen đã cảnh cáo là thái độ của Bắc Kinh về cuộc chiến ở Ukraina ảnh hưởng đến mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Tiếc thay Macron lại tìm kiếm những hợp đồng dài hạn, sẽ chỉ giúp chiếm đoạt công nghệ của Pháp và gia tăng lệ thuộc vào hàng Trung Quốc. Ngoại giao Pháp cần có chính sách rõ ràng : phản đối Matxcơva leo thang nguyên tử, quân Nga phải rút khỏi Ukraina, Bắc Kinh ngưng hỗ trợ cuộc chiến của Nga, trao đổi thương mại công bằng. Cũng theo Baverez, tiếng nói của một quốc gia không thể có trọng lượng nếu kinh tế không mạnh mẽ, không giải quyết được những vấn đề của chính mình.

Nga ra sức đào hào đắp lũy ở Crimée

Trên chiến trường Ukraina, Le Monde ghi nhận quân Nga tăng cường phòng thủ không chỉ trên tiền tuyến mà cả ở Crimée với các chiến hào, bãi mìn, cọc nhọn...chứng tỏ Matxcơva đang lo sợ phía Kiev tấn công trong những tuần lễ tới.Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của IFRI cho rằng khả năng xuyên thủng phòng tuyến quân Nga là yếu tố quyết định cho giai đoạn sắp tới của cuộc chiến.

Hiện nay đa số những trục đường bộ và đường sắt chính tại các vùng bị Nga chiếm đóng đều được bảo vệ bằng hào sâu, mìn chống tăng. Hàng mấy chục ngàn khối tam giác nhọn bằng sắt và bê-tông gọi là « răng rồng » mọc lên khắp nơi. Ban đầu chỉ tập trung ở bờ sông Dniepr và Donbass, nay hình ảnh vệ tinh hôm 03/04 được Washington Post đăng tải cho thấy các phòng tuyến kiên cố còn được dựng lên ở dọc bờ biển Crimée để chống đổ bộ.

Xuyên thủng được phòng tuyến : Yếu tố quyết định

Matxcơva quyết định gia tăng phòng thủ sau khi Ukraina phản công thần tốc ở Kharkiv, tái chiếm 3.000 kilomet vuông. Nếu không có chướng ngại thiên nhiên là sông Oskil, lực lượng Kiev còn có thể tiến xa hơn. Chuyên gia Thibault Fouillet của FRS giải thích, Nga lao vào một cuộc chiến tranh tiêu hao. Một số tỏ ra nghi ngờ về chất lượng bố phòng : quân đội Nga giao cho các công ty xây dựng tư nhân, trong khi phải có kỹ thuật đặc biệt về quân sự. Hơn nữa binh lính trấn giữ giao thông hào phải có kinh nghiệm và bình tĩnh. Trước đạn pháo và chiến xa, một người lính ít được huấn luyện và trang bị sẽ phải chạy vắt giò lên cổ.

Tuy nhiên phía Ukraina cần phải có được đầy đủ phương tiện để đột phá. Hoa Kỳ đã cung cấp 14 xe thiết giáp bắc cầu dã chiến (AVLB), Đức hứa chi viện 2 xe bọc thép phá mìn Wisent 1 và 4 xe ủi đất hạng nặng Dachs cùng với khoảng 20 cầu phao ; nhưng chưa thể đủ. Các đồng minh châu Âu không thể làm hơn, vì ngoài Hoa Kỳ và Israel, các phương tiện loại này không nhiều. Pháp có thiết giáp chuyên phá mìn chống tăng gọi là SDPMAC, lý tưởng để xuyên thủng các phòng tuyến, nhưng lục quân chỉ có 11 chiếc. Phương Tây chạy đua với thời gian để huấn luyện quân đội Ukraina. Le Figaro cho biết từ một năm qua, khoảng 30.000 quân nhân đã được đào tạo.

Thua cuộc chiến thuộc địa cuối cùng sẽ tốt hơn cho Nga

Cũng liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Monde phỏng vấn nhà sử học người Mỹ Timothy Snyder chuyên về lịch sử Trung Âu và Đông Âu. Snyder cho rằng chỉ có chiến thắng của Kiev mới dẫn đến hòa bình, phương Tây cần phải ủng hộ Kiev mạnh mẽ hơn để chống lại cuộc xâm lăng của Nga mà ông đánh giá là « diệt chủng ».

Theo nhà sử học, Đệ nhị Thế chiến là một cuộc chiến tranh thuộc địa của Đức đã thất bại, tiếp theo là những cuộc chiến thuộc địa khác của Hà Lan, Pháp…cũng đều thất bại. Châu Âu ngày nay là một châu Âu hậu thuộc địa, thế nhưng Nga vẫn tiếp tục chủ trương đế quốc. Nga xử sự với Ukraina như thuộc địa của mình. Thế nên Matxcơva phải thất bại trong cuộc chiến tranh này : để có thể trở nên tốt đẹp hơn, một nước cần phải thua cuộc chiến thuộc địa cuối cùng. Những ai yêu mến nước Nga nên mong cho Kremlin bại trận càng sớm càng tốt.

Timothy Snyder cho là Matxcơva đã phạm tất cả các loại tội phạm ở Ukraina, kể cả việc cưỡng bức trẻ em sang Nga, đã được mô tả trong Công ước dự phòng và trấn áp tội diệt chủng năm 1948. Người ta thường nghĩ rằng diệt chủng có nghĩa là tất cả mọi người đều bị giết chết cho đến người cuối cùng, nhưng thật ra tội này dựa trên ý đồ tiêu diệt một dân tộc, một cộng đồng. Khó khăn là ở chỗ khó thể chứng minh về ý định.

Tội diệt chủng được Kremlin bình thường hóa

Thế nhưng Nga thay vì che giấu ý đồ, lại bình thường hóa, nói rõ là sẽ sát hại một số lượng người Ukraina đủ để những người còn lại phải khuất phục Nga. Hầu như mỗi ngày truyền hình nhà nước Nga đều có những tuyên bố mang tính diệt chủng. Bản thân khái niệm « phi Ukraina hóa » đã hàm chứa mưu đồ này. Cựu tổng thống Dimitri Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia thường xuyên đăng những đe dọa diệt chủng trên Telegram. Chính tổng thống Vladimir Putin khi chối bỏ sự hiện hữu của dân tộc Ukraina cũng cho thấy ý định trên, nói chung là tràn ngập bằng chứng.

Tự Nga đã chọn lựa kẻ thù là Ukraina, và nay bản sắc Nga được cho là dựa trên cơ sở phải hủy diệt nước láng giềng. Trong khi đó Kiev rất cởi mở với văn hóa Nga, cho đến tận ngày 24/02/2022, tức khi bị xâm lăng. Có hẳn một nền báo chí bằng tiếng Nga, ngôn ngữ này được sử dụng trên truyền hình cũng như ngoài đường phố. Một đất nước thực sự song ngữ, cả tổng thống Volodymyr Zelensky cũng là người gốc Do Thái nói tiếng Nga.

Cuộc kháng chiến vệ quốc của Ukraina giúp thế giới an toàn hơn

Ông Snyder nhận thấy giờ đây cả hai bên đều không muốn một nền hòa bình thông qua đàm phán mà đều quyết tâm đi đến chiến thắng. Phương cách duy nhất để kết thúc chiến tranh là Nga không còn khả năng chiến đấu. Theo ông, có hai kịch bản. Thứ nhất, Putin tuyên bố Nga đã thắng, rằng NATO chuẩn bị xâm lăng nước Nga thông qua Ukraina nhưng nhờ tài chỉ huy của mình, đã chận lại được. Thứ hai là ai đó ở Nga lật đổ Putin. Trong cả hai trường hợp, bộ máy tuyên truyền sẽ bỗng chốc không còn nói về Ukraina nữa, nước Nga là như thế.

Nguy cơ chiến tranh lan rộng chỉ có thể diễn ra nếu phương Tây để yên cho Matxcơva chiến thắng. Theo nhà sử học, người Ukraina đang cứu vãn hệ thống quốc tế hiện nay, cuộc kháng chiến vệ quốc của họ giúp thế giới an toàn hơn so với cách đây một năm, vì ba lý do. Cuộc xâm lăng khiến Bắc Kinh phải đắn đo khi muốn chiếm Đài Loan, quân đội Nga không còn đủ sức đe dọa NATO, và khiến một cuộc chiến tranh nguyên tử khó xảy ra hơn vì Kiev không sợ hãi trước săng-ta này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.