Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Ukraina : Trẻ em Kherson bị đưa sang Crimée, nỗi đau không thể nào quên !

Một tuần trước khi quân Nga rút khỏi Kherson ngày 11/11/2022, nhiều học sinh được đề nghị sang Crimée nghỉ mát với những hứa hẹn hấp dẫn. Vài ngày sau, phụ huynh đứng trước ngõ cụt vì các em không thể quay lại. Trong khi đó theo luật Nga, trẻ em có thể bị đem cho làm con nuôi nếu trong 6 tháng cha mẹ không sống cùng. Những trẻ Ukraina được cứu thoát cho biết bị ngược đãi và buộc làm những việc nặng nhọc.

Cô bé Zlata 6 tuổi và chú chó của mình trước cánh cổng một căn nhà lỗ chỗ miểng bom ở Kherson, Ukraina, ngày 07/12/2022.
Cô bé Zlata 6 tuổi và chú chó của mình trước cánh cổng một căn nhà lỗ chỗ miểng bom ở Kherson, Ukraina, ngày 07/12/2022. REUTERS - STAFF
Quảng cáo

Trang nhất các báo hôm nay chủ yếu là những vấn đề trong nước. Le Figaro cho biết tổng thống Macron nhấn mạnh những ưu thế của nước Pháp để thu hút đầu tư. La Croix  Libération có cùng mối quan tâm : Trường tư, làm thế nào tạo điều kiện cho mọi học sinh không phân biệt giàu nghèo. Les Echos nói về « Nợ nần, chi tiêu, nỗi lo chệch hướng », còn Le Monde chạy tựa « Nhà ở : Những nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng sâu sắc ».

Liên tục công kích, ông chủ Wagner muốn gì ?

Liên quan đến Ukraina, La Croix đặt vấn đề « Liệu Evgueni Prigojine đang thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của tổng thống Putin ? ». Ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner những ngày gần đây liên tục đả kích các lãnh đạo quân đội Nga.

Theo bà Anna Colin Lebedev, đại học Paris-Nanterre, Prigojine đã tỏ ra thù địch với giới chỉ huy quân sự Nga từ những ngày đầu, nhưng gần đây những chỉ trích của ông ta càng công khai hơn và phổ biến rộng hơn. Kremlin vẫn tỏ ra kềm chế, chỉ những tiến bộ của Wagner mới được nói đến trên truyền hình. Khó thể rút ra kết luận về việc tự do phát ngôn này, tuy nhiên cho đến nay Vladimir Putin vẫn chưa vội hợp thức hóa Wagner. Tổ chức này vẫn ngoài vòng pháp luật.

Prigojine muốn xây dựng tầm vóc của một chính khách, dựa vào cách nói chuyện thẳng thắn tuy thô bạo, nhất là khi ông ta chê trách quân đội chính quy. Chiến lược này có thể mang lại kết quả trong bối cảnh « chiến dịch quân sự đặc biệt » đang sa lầy. Mục tiêu là tìm một chỗ đứng trong hệ thống chính trị hiện nay, hoặc trong thời kỳ hậu Putin. Cách đây một năm rưỡi, Prigojine vẫn chối là người đứng đầu Wagner, thậm chí còn kiện một nhà báo đã khẳng định điều này về tội vu khống, và ông ta đã thắng ! Nhưng nay Prigojine ra công khai vì thấy rằng có lợi.

« Họa vô đơn chí » cho Prigojine

Còn theo nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya, Evgueni Prigojine tin rằng ông ta phục vụ Putin hiệu quả hơn phía chính quy. Không chắc Putin cũng nghĩ như vậy, và cách mà Prigojine thể hiện cũng khó thể chấp nhận. Nhưng ông chủ Wagner vẫn chưa vượt lằn ranh đỏ, có nghĩa là không chỉ trích trực tiếp Putin và chiến lược Ukraina. Prigojine như một người con ngỗ nghịch trong gia đình cần phải sống chung.

Evgueni Prigojine đôi khi được mô tả như một chính khách đầy tính toán, nhưng thực tế đơn giản hơn : ông ta đang trải qua địa ngục. Mỗi ngày Wagner mất đi rất nhiều lính, nên có thể hiểu được sự phẫn nộ của ông. Prigojine hứa với Putin sẽ chiếm được Bakhmut trước ngày 09/05 nhưng đã thất bại, và bây giờ chẳng biết xoay sở ra sao. Hoặc ở lại và tiếp tục mất thêm nhiều lính, hoặc rút khỏi thành phố này và bị coi là kẻ phản bội.

Tại Paris, Hạ Viện vừa nhất trí thông qua một nghị quyết đòi hỏi Pháp và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đưa Wagner vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy không mang tính ràng buộc, nhưng theo Le Monde, nghị quyết này mở đường cho những biện pháp trừng phạt rộng rãi hơn. Về mặt pháp lý, Wagner không hiện hữu, mà hoạt động thông qua một cấu trúc phức tạp xuyên quốc gia, sử dụng những công ty bình phong đặt tại các thiên đường thuế. Với đánh giá « khủng bố », một số nước có thể tiến hành thủ tục chống lại những người cầm đầu Wagner, tuy không dễ tìm được bằng chứng.

Ukraina : Trẻ em Kherson bị ngược đãi khi bị cưỡng bức sang Nga

Cũng về Ukraina, đặc phái viên Le Figaro thuật lại câu chuyện của những trẻ em Kherson bị đưa sang Nga và vùng chiếm đóng, về nỗi khốn khổ trong các « trại hè » mà các em phải trải qua. Một tuần trước khi quân Nga rút khỏi Kherson ngày 11/11/2022, có những giáo viên đề nghị cho học sinh sang Crimée nghỉ mát mười ngày, hứa hẹn nào đi biển, nào tắm hơi…Phụ huynh có người vui thích, người thì nghi ngại, nhưng rồi đoàn xe cũng ra đi. Báo cáo của Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE) cho biết trước đó những người nằm vùng đã gởi con sang Crimée làm « chim mồi » và quay về với những chuyện kể toàn một màu hồng.

Vài ngày sau, các bậc cha mẹ đứng trước ngõ cụt vì các em không thể quay lại Kherson, các ngả đường đã bị phong tỏa trước đà tiến của quân đội Ukraina. Tuần này sang tuần nọ, thời hạn « sáu tháng » làm nhiều người khủng hoảng. Theo điều 130 luật gia đình của Nga, trẻ em có thể được cho làm con nuôi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, nếu trong vòng 6 tháng họ không ở cùng con hoặc không nuôi dạy con.

Viện Kiểm sát Ukraina ước tính khoảng 16.000 trẻ em rơi vào tình cảnh này, một số đã được hồi hương nhờ cha mẹ cất công sang tận Nga đưa về, số còn lại không biết ra sao. Chẳng hạn trường hợp cô bé Anastasia 12 tuổi đã khóc lóc qua điện thoại trước nguy cơ bị đưa vào viện mồ côi hay làm con nuôi một gia đình Nga, khiến bà ngoại là Svetlana phải làm một chuyến phiêu lưu 15 ngày vòng vèo từ Kiev sang Belarus, Nga rồi Crimée. Hiệp hội Save Ukraine giải cứu được 96 em trong bối cảnh hỗn loạn. Việc bị tước đoạt khỏi gia đình gây dấu ấn đau thương không thể nào quên cho đứa trẻ và cho thân nhân.

Những trẻ em được cứu thoát cho biết « bị đối xử như những con chó con, cho ăn uống qua loa, buộc làm những việc nặng nhọc quá sức », bị phân biệt đối xử so với những đứa trẻ ở « nước Cộng hòa » tự xưng Donbass. Tại trại Luchisty có gần 300 em, một bé trai đã cả gan hô to : « Vinh quang cho Ukraina, vinh quang cho những người anh hùng ! ». « Kẻ nổi dậy » đã bị buộc đứng ra đọc bản kiểm điểm trước toàn thể. Có em mặc áo thun mang màu cờ tổ quốc đã bị trừng phạt. Nhưng vào ngày đầu năm mới, trại cho phát bài diễn văn của Vladimir Putin, nhiều thiếu niên Kherson vẫn rời gian phòng ra ngoài sân hô lên « Vinh quang cho Ukraina ! »

Lập tòa án đặc biệt cho Putin ?

Trên trang Ý kiến, tác giả Charles Jaigu bình luận về cuốn sách « Có nên xét xử Putin hay không ? » của Mathilde Philip-Gay. Tác giả này cho rằng cần lập một tòa án đặc biệt để xét xử Vladimir Putin và những người thân tín vì « tội xâm lăng », bởi vì đó là nguyên nhân dẫn đến các tội khác (tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, tội diệt chủng), và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) chưa có thói quen xử lý loại tội danh này.

Ý tưởng được luật sư song tịch Anh-Pháp Philippe Sands đưa ra vào đầu cuộc xâm lăng, được nhiều luật gia và chính khách ủng hộ, trong đó có cựu thủ tướng Anh Gordon Brown. Philip-Gay nêu ra tác động của tòa án Nuremberg : « Khi các viên chức quốc xã cao cấp hồi năm 1944 biết rằng sẽ không bị hành quyết, nhưng sẽ được một tòa án quốc tế xét xử, họ bắt đầu hợp tác ». Có điều đó là do thất bại thấy trước của Đức quốc xã.

Tấn công tin học từ Nga giảm bớt

Chiến tranh trên mạng cũng là vũ khí quan trọng của những cuộc tấn công quy ước, tuy nhiên không có cùng quy luật với những trận đánh trên chiến địa. Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, tướng Oleksander Potii của Ukraina nhấn mạnh : « Chúng ta cần chung sức đáp trả những vụ tấn công mạng của Nga ».Đó là vì thế giới mạng là không gian chung, nhưng Nga hành động như một Nhà nước khủng bố: 85 % các vụ tấn công tin học nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, chỉ 15 % vào các mục tiêu quân sự. Những cuộc tấn công mạng thường diễn ra trước các trận đánh và những thời điểm mang tính biểu tượng về chính trị, nhưng nhìn chung gần đây đã giảm đi. Công nghệ cao cần nguồn lực cũng như nhân sự, và chừng như trừng phạt của phương Tây đã có tác động.

Phóng viên tử thương gần Bakhmut, Pháp điều tra tội ác chiến tranh

Chiến trường Ukraina nguy hiểm không chỉ với những người lính mà cả với các nhà báo trên thực địa. Sự kiện phóng viên ghi hình của AFP, Arman Soldin tử thương ở miền đông Ukraina gây nhiều xúc động. Le Figaro, Le Monde, Libération đều có bài viết về người đồng nghiệp đáng mến và rất yêu nghề, bức ảnh nhà báo trẻ có nụ cười hiền lành với chú mèo con trên vai chiếm lĩnh các trang mạng. Tổng thống Pháp, Nhà Trắng, bộ Quốc Phòng Ukraina gởi lời phân ưu, Thượng Viện Pháp dành một phút mặc niệm, Viện Kiểm sát chống khủng bố (PNAT) mở điều tra về tội ác chiến tranh và chuẩn bị gởi một ê-kíp đến hiện trường.

Armin Soldin ngã xuống ở tuổi 32 tại Tchassiv Iar, vì một quả rốc-kết Grad của Nga. Là ngõ vào Bakhmut, điểm nóng chiến tranh từ nhiều tháng qua được mệnh danh là « cối xay thịt », thường xuyên bị oanh kích dữ dội. Không có điểm nào là an toàn, Armin Soldin hiểu điều đó, nhưng anh vẫn tận tụy với nghề nghiệp, luôn xông xáo. Sinh tại Sarajevo thuộc Bosnia, mẹ anh đã đưa con sang Pháp tị nạn từ lúc nhỏ, nhưng nay Armin Soldin lại xung phong sang Ukraina đưa tin ngay từ đầu cuộc xâm lăng dù người mẹ hết sức lo lắng.

Những trận đánh ở Bakhmut vô cùng ác liệt, Nga dùng đủ loại bom, hỏa tiễn, các phóng viên chiến trường dù cảnh giác nhưng « năm ăn, năm thua ». Đồng nghiệp kể lại anh tâm sự muốn ở bên những người bị áp bức để có thể đưa tin trung thực. Đã có ít nhất 10 nhà báo tử nạn trước Armin Soldin. Brent Renaud, cựu phóng viên New York Times là phóng viên ngoại quốc đầu tiên thiệt mạng ở Irpin, ngoại ô Kiev. Cũng như Arman, Frédéric Leclerc-Imhoff, nhà báo của kênh truyền hình Pháp BFMTV, cũng 32 tuổi khi bị tử thương ở miền đông, gần Severodonetsk. - thành phố bị quân Nga chiếm, chỉ cách Tchassiv Iar vài cây số.

Cuộc xâm lăng Ukraina làm châu Âu hậu cộng sản thay đổi hẳn

Trên bình diện châu Âu, Le Monde nhận định « Chiến tranh Ukraina đã xáo lại ván bài trong châu Âu hậu cộng sản, nơi Nga thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa ». Là thành viên duy nhất phản đối viện trợ quân sự cho Kiev, Hungary của Viktor Orban có thể bớt cô lập hơn nếu Slovakia thay đổi chính phủ trong cuộc bầu cử tháng Chín.

Trong Liên hiệp châu Âu (EU), Viktor Orban ý thức được chỗ đứng của mình và những giới hạn của nó, ông không ảo tưởng. Hungary chỉ có chưa đến 10 triệu dân, và không thuộc khu vực đồng euro. Khi nói về Đức, Pháp hay những đối tác châu Âu khác, ông ta dùng chữ « the Big Guys » (những ông lớn). Orban thích thú với quyền phủ quyết để phá rối « Big Guys », nhưng không dám vượt qua một số lằn ranh đỏ. Ông ta bỏ phiếu thông qua việc trừng phạt Nga dù không muốn. Không ưa EU, nhưng Orban không ra khỏi Liên hiệp.

Cầm quyền từ 13 năm qua, thủ tướng Hungary chủ trương « dân chủ phi tự do » là một loại cừu đen trong đàn, mà châu Âu tìm cách hạn chế những thiệt hại. Sau vụ Brexit, nay nước Nga của Vladimir Putin đang đổ dầu vào lửa. Cuộc xâm lăng Ukraina đã phá vỡ cặp Ba Lan-Hungary hình thành từ 2015, khai tử nhóm Visegrad mà hai nước này vẫn sánh vai cùng với Cộng hòa Sec và Slovakia để chống lại Tây Âu. Nhất là các hệ quả của cuộc chiến - lạm phát, giá năng lượng tăng, tranh cãi về quân viện - làm yếu đi các lực lượng chính trị ôn hòa ; chẳng hạn ở Bulgari.

Nạn nhân sắp tới có thể là Slovakia : chính khách dân tộc chủ nghĩa Robert Fico, một bản sao của Viktor Orban, đang hy vọng thắng thế trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Trong khi đó chính phủ Bratislava lâu nay rất tích cực trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina, thậm chí còn tặng 16 phi cơ tiêm kích MiG-29. Dư luận trong nước phản đối, với sự xúi giục của Fico và ảnh hưởng tuyên truyền ráo riết của Nga. Châu Âu đã lơi lỏng trước những sai lạc của Hungary trong thời gian quá dài, Angela Merkel và đảng của bà từng bênh vực đảng Fidesz của Orban tại Nghị Viện Châu Âu phải chịu trách nhiệm nặng nề. Tuy vậy, Ủy Ban Châu Âu vẫn còn một đòn bẩy trước Budapest, có thể phong tỏa hàng tỉ euro tài trợ nếu Nhà nước pháp quyền không được tái lập.

Trung Quốc : Không ca ngợi chính quyền có nghĩa là « phản động »

Nhìn sang châu Á, trả lời phỏng vấn Le Figaro, nhà báo Pháp gốc Hoa Zhulin Zhang nhấn mạnh : « Với Tập Cận Bình, đây là kỷ nguyên mà mọi người buộc phải nhất trí ». Tác giả cuốn « Xã hội giám sát ‘Made in China’ » cho biết ban đầu ông định đặt tựa là « Xã hội an ninh nhất thế giới », vì Nhân dân Nhật báo đăng ba bài liên tiếp ca ngợi Trung Quốc là nơi an toàn nhất, ám chỉ phương Tây mất an ninh.

Trong khi đó kiểm duyệt ngày càng siết chặt, người dân Hoa lục không dám nói thật những suy nghĩ ngay cả với bạn bè và người thân, kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. Một nhà nghiên cứu tổng kết : Trước đây nếu chỉ trích chính quyền trung ương sẽ bị coi là chống Trung Quốc, còn bây giờ nếu không ca ngợi Bắc Kinh có nghĩa là phản động. Lãnh đạo họ Tập không dung thứ đối lập, và như vậy xã hội Trung Quốc không thể là xã hội lành mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.