Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

NATO : Công thức nào cho Ukraina sau 15 năm chờ đợi trong « luyện ngục » ?

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva khai mạc hôm nay 11/07/2023 là sự kiện được các báo Pháp đặt lên hàng đầu. Les Echos nhấn mạnh « Một hội nghị thượng đỉnh mang tính quyết định cho Ukraina ». Le Figaro chạy tựa trang nhất « NATO : Tại Vilnius, các đồng minh chìa tay cho Ukraina ». La Croix đưa tít « NATO trước nguy cơ một cuộc chiến tranh kéo dài », Le Monde nhận định « NATO tìm một công thức thích hợp cho Ukraina ».

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cùng với phu nhân Olena Zelenska, và tổng thống Litva Gitanas Nauseda trong lễ trao tặng một lá quốc kỳ Ukraina từ tiền tuyến, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) ngày 11/07/2023.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cùng với phu nhân Olena Zelenska, và tổng thống Litva Gitanas Nauseda trong lễ trao tặng một lá quốc kỳ Ukraina từ tiền tuyến, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) ngày 11/07/2023. REUTERS - KACPER PEMPEL
Quảng cáo

33.000 lá cờ Ukraina tại thượng đỉnh Vilnius

Le Monde mô tả, trong một tuần lễ, Vilnius trở thành thủ đô được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới. Hơn một chục nước thành viên gởi đến khoảng 1.000 binh sĩ và mấy chục loại vũ khí, từ hệ thống chống hỏa tiễn Patriot, đại bác Caesar, thiết bị giám sát, lực lượng đặc nhiệm để giữ an ninh cho hai ngày hội nghị.

Les Echos nói thêm, chưa bao giờ Vilnius tổ chức một sự kiện tầm cỡ như vậy. Thủ đô Litva chỉ cách Belarus có 35 kilomet, nơi Vladimir Putin đe dọa bố trí vũ khí nguyên tử chiến thuật. Ở trên không, có các chiến đấu cơ Rafale của Pháp, phi cơ thám sát AWACS và các phương tiện chống drone.

Để chào mừng hội nghị có sự hiện diện của 31 nhà lãnh đạo các nước NATO cộng thêm Thụy Điển là 32, cùng với bốn đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand) và tổng thống Volodymyr Zelensky, người dân quốc gia Baltic này đã chuẩn bị 33.000 lá cờ Ukraina để trang hoàng Vilnius.

Thụy Điển chuẩn bị vào NATO : Thông điệp mạnh mẽ cho Nga

Cập nhật tình hình, Libération nhận thấy việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhập để Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương là một thông điệp mạnh mẽ gởi đến Nga. Sau một tuần lễ với hàng loạt cuộc điện đàm và hội họp với nhiều đối tác khác nhau, Recep Tayyip Erdogan rốt cuộc tối qua loan báo sẽ chuyển hồ sơ cho Quốc Hội phê chuẩn, có nghĩa là không còn ngăn chận việc kết nạp Thụy Điển. Hành động ngoạn mục chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc, giúp củng cố sức mạnh của Liên minh.

Đất nước Bắc Âu 10 triệu dân sở hữu một kỹ nghệ quốc phòng năng động, một quân đội chuyên nghiệp 50.000 người, sẽ góp phần biến biển Baltic thành ao nhà của NATO, gây khó khăn cho hoạt động của hải quân Nga. Từ Vilnius, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết « rất vui mừng », khẳng định ông chỉ cam kết song phương rằng sẽ tích cực ủng hộ việc tái lập thương lượng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), cải tiến thỏa thuận thuế quan với châu Âu và việc cấp visa Thụy Điển.

Để thời gian không là đồng minh của Putin…

La Croix cho rằng thách thức chủ yếu của NATO là giành được chiến thắng về thời gian trong « trắc nghiệm quyết tâm » về chiến tranh Ukraina, giữa các nước phương Tây và Nga.Bởi vì Vladimir Putin đặt cược vào sự chán nản của công chúng các quốc gia dân chủ, khả năng chiến thắng của phe Cộng Hòa vốn chủ trương không can thiệp ở Hoa Kỳ, và một số khuôn mặt thân Nga có thể lên nắm quyền tại một số nước châu Âu như Pháp. Trong bài diễn văn tại Bratislava hôm 31/05, tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh cần ủng hộ dài lâu Ukraina trong cuộc chiến cường độ cao và trung bình.

Nhà phân tích Andrew Michta nhận định, vấn đề là thuyết phục được các nhà lãnh đạo và cử tri các nước châu Âu ở xa sườn phía đông là an ninh của họ cũng bị nguy hiểm, nên phải tiếp tục tái vũ trang trong ít nhất một thập niên. Một châu lục thịnh vượng có 600 triệu dân cần lo được phần cốt lõi năng lực răn đe quy ước của NATO, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ về nguyên tử.

Nửa vời là thất bại

Theo Le Figaro, từ khi Vladimir Putin ra lệnh xâm lăng Ukraina, bàn cờ địa chính trị châu Âu đã hoàn toàn bị đảo lộn. Nạn nhân từ hơn 500 ngày qua đã chống chọi được với cỗ máy nghiền của Nga, với các loại vũ khí và cố vấn của phương Tây. Dù NATO thận trọng không muốn bị coi là « đồng tham chiến », nhưng ai đứng về bên nào cũng đã rõ. Tờ báo cho rằng cần bảo đảm trách nhiệm lịch sử thay vì núp phía sau những tuyên bố nhập nhằng.

Tại Vilnius, đã đến lúc 31 quốc gia thành viên chọn lựa một sự cam kết lâu dài, đưa ra thông điệp tương trợ với Kiev và chống lại chủ nghĩa đế quốc của Putin. Đứng trước Nga, cách tốt nhất để thất bại là không chịu đi đến cùng. Ukraina đã có được vé vào cửa NATO, chính Putin đã tạo ra tình trạng mà ông ta muốn tránh né. Cựu phó tổng thư ký NATO Camille Grand trên Le Monde nhắc nhở, cho đến năm 2014, từ thăm dò này đến thăm dò khác, đa số dân Ukraina không muốn vào NATO, nhưng giờ đây tỉ lệ ủng hộ gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương lên đến 91 % !

Kiev chưa phải thành viên, NATO bảo đảm an ninh cách nào ?

Trong bài « NATO, bảo đảm an ninh nào cho Ukraina ? », Le Figaro nêu ra vài công thức. Chẳng hạn phòng vệ « con nhím » như cách Mỹ hỗ trợ Israel, cần nhiều tỉ đô là viện trợ hàng năm ; hay giúp bảo vệ Hàn Quốc, với sự hiện diện quân sự thường trực dọc theo đường biên ngưng bắn. Châu Âu liệu đã sẵn sàng hay chưa ? Nhưng cần tương đối hóa ví dụ Israel : Nhà nước Do Thái sở hữu vũ khí nguyên tử, trong một khu vực mà Israel độc quyền loại vũ khí này. Còn Ukraina ngược lại, nằm sát một cường quốc nguyên tử hung hăng. Tương tự, ông Camille Grand cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel là hết sức đặc thù, không thể so sánh.

Đối với dân biểu Benjamin Haddad, cần trao cho người Ukraina phương tiện để tái chiếm lãnh thổ, giúp cuộc phản công thắng lợi. Phương Tây quá trễ tràng trong việc viện trợ phi cơ, xe tăng. Les Echos cho biết trong khi chờ đợi trở nên thành viên NATO, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp thương thảo về « những bảo đảm an ninh mới » cho Kiev. Đó là tìm ra một kế hoạch yểm trợ quân sự lâu dài, nhất là về vũ khí, để thoát khỏi cảnh liên tục chậm trễ so với nhu cầu chiến trường Ukraina. Từ việc bàn bạc từng vụ một về cấp đạn dược, thiết giáp…chuyển sang cam kết quân viện trong nhiều năm (thiết bị, tình báo, huấn luyện).

Cũng theo ông Haddad, chiến thắng không chỉ là giành lại đất đai, mà còn là sự bảo đảm một Ukraina tự do, dân chủ, cắm rễ vào châu Âu. Đó là điều mà Putin muốn tránh. Như vậy việc hội nhập Ukraina vào Liên Hiệp Châu Âu và NATO mang tính quyết định, giúp tăng cường ổn định về địa chính trị vào lúc Nga và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng với phương Tây bằng tiền bạc hay bóp méo thông tin. Chuyên gia Camille Grand nói thêm, sự ổn định này không chỉ tốt đẹp cho Ukraina và châu Âu, mà cả cho người Nga.

Ukraina, 15 năm chờ đợi trong « luyện ngục »

Bài xã luận của Les Echos nhận định, đối với các láng giềng của Nga, không có gì tệ hại hơn là phải kiên nhẫn ngồi mãi ngoài sảnh chờ. Có thể nói đây là chỗ của người chết đợi ngày phán xử : không có được sự bảo đảm bênh vực của các đồng minh, nhưng lại thường xuyên bị Putin trút giận. Vị trí lửng lơ này Ukraina đã phải chịu đựng từ hơn 15 năm qua. Từ khi các nước lãnh đạo NATO nói rằng Kiev có thể tham gia dù sớm hay muộn, nhưng không hề cụ thể hóa. Le Monde nhắc lại câu nói mỉa mai : « Cửa đã mở, nhưng không được mời vào nhà ».

Nếu có một ưu tiên trong thượng đỉnh Vilnius, thì đó phải là cam kết đưa Ukraina ra khỏi lò lửa luyện ngục : đất nước này đã phải chịu đựng việc Crimée bị sáp nhập năm 2014 và một cuộc chiến tranh cường độ cao từ 18 tháng qua. Tất nhiên không thể kết nạp Ukraina vào NATO trước khi chiến tranh kết thúc, vì sẽ đổ dầu vào lửa. Nhưng điều cốt yếu là các nhà lãnh đạo phương Tây vạch hẳn ra một con đường với những điều kiện cụ thể, rõ ràng đối với cả Kiev lẫn Matxcơva. Tất cả những biện pháp nửa vời chỉ có lợi cho Vladimir Putin. Hoa Kỳ và Đức khó lay chuyển nhất, vì Ukraina còn lâu mới đạt được những đòi hỏi về chống tham nhũng, chất lượng tình báo và quân đội theo tiêu chuẩn NATO.

Ngoài triển vọng gia nhập, NATO muốn mang lại cho Ukraina những bảo đảm mới về an ninh. Nhưng Kiev đã từng khốn đốn với những lời hứa kiểu này. Cách đây khoảng 30 năm, Ukraina đã chấp nhận giao lại tất cả những vũ khí nguyên tử Liên Xô, đứng thứ ba thế giới vào thời đó, để đổi lấy sự bảo vệ của Mỹ, Anh và Nga. Một sự bảo đảm tỏ ra rỗng tuếch vào năm 2014.

NATO từng chứng tỏ là một tổ chức sống động và cởi mở, đã tiếp nhận năm quốc gia mới trong 15 năm qua. Giờ đây cần phải chứng minh là vẫn giữ được tính thực dụng và tầm nhìn lịch sử. Với những ai phản đối là không thể cho một nước đang có chiến tranh gia nhập, nên nhớ lại thời điểm quan trọng khi NATO chấp nhận kết nạp Cộng hòa Liên bang Đức, tức Tây Đức ; trong khi Cộng hòa Dân chủ Đức vẫn hiện diện tuy không được công nhận. Đó là năm 1955, ở đỉnh điểm căng thẳng giữa hai khối cộng sản và phương Tây. Berlin, lâu nay liên tục làm khó dễ vì sợ leo thang với Nga, tốt nhất nên nhớ lại điều này.

Dân Armenia từ cảm tình đến bất mãn với người Nga di tản

Tại vùng Kavkaz, Le Figaro nhận thấy cư dân địa phương không ưa những người Nga chạy sang Armenia trốn lệnh động viên, làm giá nhà đất tăng vọt. Tháng 9/2022, hàng ngàn người Nga tràn ngập Armenia để tránh bị bắt lính đưa sang Ukraina. Những người có tiền thì mua nhà, số khác đi mướn với giá rất cao đối với người dân tại chỗ nhưng với họ thì bình thường, gây ra một trận động đất trên thị trường địa ốc. Giá thuê nhà tăng gấp đôi thậm chí gấp ba.

Parandzem Vartanyan, nữ y tá 36 tuổi là một trong những nạn nhân. Bà cho biết tiền mướn nhà từ 220 euro một tháng nay tăng lên 550 euro, gia đình phải dọn đi nơi khác, nhưng tình trạng vẫn không khá hơn mà lương thì không tăng. Sau ba lần dọn nhà, bây giờ họ thuê một ga-ra cũ ở ngoại ô. Nóng như lò lửa vào mùa hè, lạnh như băng vào mùa đông, và khi trời mưa thì ngập lụt. « Người Nga nhất là chuyên viên thảo chương có thể trả tiền thuê như ở Matxcơva hay Berlin, với họ không có gì thay đổi, và chủ nhà Armenia cũng hưởng lợi. Nhưng chúng tôi không còn có thể sống đàng hoàng như xưa nữa ».

Dù ban đầu người dân Armenia đối xử tử tế hơn với các công dân Nga chạy sang, so với Gruzia - đất nước bị Matxcơva chiếm mất 20 % lãnh thổ từ 2008. Tuy nhiên ngày lại ngày, giới bình dân và trung lưu càng tỏ ra ác cảm với người Nga hơn. Taron, một người dân Erevan nói, đi đâu họ cũng nói tiếng Nga cứ như là ai cũng song ngữ, đôi khi tỏ ra hách dịch. Chính quyền Armenia dần dà đứng xa khỏi Matxcơva, tuyên bố không ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraina. Một số người Nga có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã khoe giấy thường trú hoặc xin nhập quốc tịch : họ sực nhớ ra một người thân gốc Armenia, kết hôn, mở tiệm…

Chưa hề thử lửa sau thất bại trước Việt Nam, Trung Quốc khó phiêu lưu với Đài Loan

Nhìn sang châu Á, trên trang Ý kiến của Le Monde, chuyên gia Jean-François Di Meglio của Asia Centre cho rằng tuy không thể làm ngơ trước mối nguy hiểm ở Biển Đông, nhưng cũng không nên quá cảm tính. Dù diễu võ dương oai trước Đài Loan, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào cuộc phiêu lưu.

Sự kiện hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan hôm 27/05, một lần nữa làm dấy lên lo ngại. Trung Quốc tiếp tục gây áp lực, như hôm 08/06 điều 37 chiến đấu cơ bay vào « vùng nhận diện phòng không » của Đài Loan, một lần nữa vi phạm đường trung tuyến được hai bên mặc nhiên công nhận. Tuy nhiên tác giả nhận thấy dù hải quân Trung Quốc phát triển rất ấn tượng về cả số lượng lẫn chất lượng, nhưng chưa bao giờ giành được chiến thắng, ít nhất là từ 1949.

Năm đó, quân đội Trung Quốc, tất nhiên rất khác với hiện nay, thất bại trong việc đổ bộ lên đảo Kim Môn của Đài Loan. Đến năm 1979, quân Trung Quốc đã bị Việt Nam tặng cho một cái tát nhục nhã, khi định « dạy cho Việt Nam một bài học ». Bắc Kinh không thể huy động một hay nhiều hàng không mẫu hạm vì chưa nắm vững kỹ năng, thay vào đó có thể dùng hỏa tiễn siêu thanh. Nhưng muốn chiếm Đài Loan, phải triển khai lực lượng đổ bộ hết sức hùng hậu, còn phong tỏa đòi hỏi hậu cần phải rất chu đáo. Di Meglio cho rằng mối lo lớn nhất là sự thờ ơ của châu Âu, thiếu vắng những động thái mang tính răn đe trước tham vọng Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.