Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Ukraina : Nở rộ những cuộc lạc quyên giúp người lính nơi tiền tuyến

Theo Le Monde ngày 17/07/2023, có đến 88 % người Ukraina đã tặng tiền cho quân đội, từ những thanh niên thành thị cho đến cụ già ở nông thôn, dù bị giảm thu nhập vì chiến tranh. Các cuộc lạc quyên tự phát hay có tổ chức trên mạng xã hội đã thu được hơn 1 tỉ euro gởi ra tiền tuyến.

Ảnh tư liệu: Một thiện nguyện viên Ukraina tại Pháp quyên góp tiền cho các nạn nhân chiến cuộc sau khi Nga xâm lược Ukraina, trước nhà thờ Saints Volodymyr, Paris, Pháp, ngày 27/02/2022.
Ảnh tư liệu: Một thiện nguyện viên Ukraina tại Pháp quyên góp tiền cho các nạn nhân chiến cuộc sau khi Nga xâm lược Ukraina, trước nhà thờ Saints Volodymyr, Paris, Pháp, ngày 27/02/2022. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Tập kích cầu Kertch, Kiev « vỗ mặt » Putin lần thứ hai

Cập nhật sự kiện cầu Kertch, biểu tượng cho vụ sáp nhập bán đảo Crimée lại bị tấn công, Le Monde cho rằng vụ nổ mới này khiến tuyên bố tình hình « bình thường » của Kremlin trở nên khó tin. Có ít nhất hai người thiệt mạng trong vụ tập kích đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai 17/10, đó là hai du khách trong số đông đảo khách Nga vẫn đến Crimée nghỉ hè.

Cây cầu đường bộ bị ngưng lưu thông sẽ gây trắc trở cho việc tiếp tế quân Nga ở Ukraina. Những hình ảnh khách du lịch bị kẹt trên cây cầu - từng được Vladimir Putin đích thân khánh thành năm 2018 - lan tràn trên các mạng xã hội Nga, còn là một cái tát cho Kremlin. Tờ báo nhắc lại, sau vụ nổ đầu tiên tháng 10/2022, Putin đã ra lệnh tăng cường an ninh nơi cầu Kertch và lái xe đi qua chiếc cầu này sau khi đã sửa chữa xong.

Ukraina : Nở rộ những cuộc lạc quyên giúp quân đội

Tại Ukraina, Le Monde cho biết từ khi bị xâm lăng, việc người dân đóng góp để giúp quân đội đã gần như trở thành phản xạ, mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi quyên góp. Anton Hrushetskyi, giám đốc Viện Quốc tế Xã hội học Kiev (KIIS) giải thích : « Mọi người đều có người quen ngoài mặt trận, thế nên tất cả đều đóng góp, đó là một cách kháng chiến ». 

Theo một điều tra của KIIS công bố vào đầu năm, có đến 88 % người Ukraina đã tặng tiền cho quân đội. Những người đóng góp trong và ngoài nước rất đa dạng, từ những thanh niên thành thạo công nghệ ở Kiev cho đến những bà cụ sống tại nông thôn. Ngay cả trẻ em cũng góp phần bằng cách vẽ tranh bán hay lạc quyên ở các trạm xăng. Số tiền đóng góp từ vài đồng hryvnia (1 euro bằng 41 hryvnia) cho đến vài ngàn euro. Có kỹ sư chọn cách chuyển tự động hàng tháng 800 euro, tương đương 20 % lương.

Thu nhập giảm vì chiến tranh, dân vẫn đóng góp cả tỉ euro

Nhưng chiến tranh càng kéo dài thì nguồn lực dần cạn : trên 64 % người Ukraina bị giảm thu nhập vì chiến tranh, 29 % bị mất việc. Tuy vậy số tiền lạc quyên được cũng rất lớn, nhờ hàng trăm ngàn người vận động. Chỉ riêng ngân hàng thông dụng nhất là Monobank mỗi ngày nhận được gần 10.000 khoản đóng góp ; tổng cộng từ đầu cuộc xâm lăng đã chuyển cho quân đội 23 tỉ hryvnia (557 triệu euro). Ngân hàng không lấy một đồng huê hồng nào, đó cũng là một cách đóng góp cho kháng chiến. Song song với những nỗ lực cá nhân, nền tảng chính thức United24 cùng với hai quỹ từ thiện tư nhân Come Back Alive và Fondation Prytula cũng đã thu được trên 674 triệu euro.

Mỗi khi diễn ra tội ác chiến tranh, người dân lại tới tấp ủng hộ tiền bạc. Một người nói : « Mua một xe hơi cũ giá 6.000 euro hay một drone giá 3.000 euro để rồi hai tuần sau biến thành tro bụi, có vẻ thật là điên rồ nhưng lại tiết kiệm được nhân mạng ». Hiện các drone dân sự được tìm mua nhiều nhất thông qua internet. Bên cạnh đó là nước uống tăng lực, cà phê, giày thể thao, tất cả những gì tiện lợi cho người lính. Những món quà này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống, mà còn nâng cao tinh thần của các quân nhân trên tuyến đầu.

Các tổ chức quyên góp đều công bố minh bạch, trên mạng xã hội không thể đếm xuể những tấm ảnh lính chiến giơ cao các thiết bị mới nhận được. Từ khi đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, tham nhũng bị coi là tội ác, gây phẫn nộ vì « người ta tự nhủ với số tiền ấy sẽ cứu được nhiều sinh mạng ».

Tài phiệt Nga bị phương Tây cấm cửa vì Putin

Liên quan đến nước Nga, trong loạt bài về các tài phiệt, La Croix đăng bài đầu tiên mang tựa đề « Và bỗng dưng cánh cửa phương Tây đóng lại trước các tỉ phú Nga ». Bị trừng phạt sau khi Putin xâm lăng Ukraina, tài sản họ bị đóng băng, và giờ đây ra nước ngoài có nghĩa là sang Dubai. Đó là những cái tên như Roman Abramovitch, Vagit Alekperov, Oleg Deripaska, Vladimir Potanine, Piotr Aven, Mikhail Fridman. Chẳng hạn cuộc sống mới của Roman Abramovitch - chủ các nhà máy thép đã mua lại câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Luân Đôn - nay ở vùng Vịnh và Israel, ngoài hai du thuyền đậu tại một cảng Thổ Nhĩ Kỳ.

Họ nổi lên trong thập niên 90, sở hữu những mảng lớn của kỹ nghệ xô-viết nhờ tư nhân hóa bừa bãi. Khi Vladimir Putin lên nắm quyền năm 1999, họ được phép giữ khối tài sản bất minh, đổi lại là lòng trung thành. Nhưng hai mươi bốn năm sau, là hồi kết của một thời kỳ, hoàng hôn của chế độ. Tối 24/02/2022, khoảng 40 doanh nhân giàu nhất nước được mời đến Kremlin. Putin vừa loan báo tấn công Ukraina vào buổi sáng, và yêu cầu họ hợp tác với chính quyền. Những hình ảnh cuộc họp được công bố, tài phiệt giờ đây bị cột chặt với Putin.

Bàng hoàng khi bị trừng phạt

Trên 1.500 người Nga nhanh chóng bị phương Tây cho vào danh sách đen. Số tài sản của tài phiệt Nga bị đóng băng ở châu Âu lên đến 31,4 tỉ euro. Trên lý thuyết, sở hữu chủ vẫn có thể sống trong nhà mình, nhưng không được bán, cho mướn hay thế chấp. Hơn 140 hồ sơ khiếu nại đã được gởi đến tòa án Liên Hiệp Châu Âu ở Luxembourg.

Chẳng hạn Mikhail Fridman, thuộc thế hệ tài phiệt Nga đầu tiên, người giàu thứ 138 thế giới đã lập ra ngân hàng Alfa, đầu tư vào dầu lửa và điện thoại. Bị trừng phạt, các thẻ tín dụng của ông bỗng đồng loạt ngưng hoạt động. Fridman nói với Bloomberg, ông ta vô cùng bàng hoàng. « Nếu EU tin rằng tôi có thể lại gần Putin và nói nên ngưng chiến, thì họ đã lầm. Khoảng cách giữa ông ấy và tôi cũng giống như Trái Đất với vũ trụ ». Tuy vậy, một con gái của Putin lãnh đạo một chương trình từ thiện do Alfa Bank tài trợ, con rể của ngoại trưởng từng là một giám đốc của ngân hàng này.

Mọi toan tính tránh né trừng phạt đều có thể khiến tài sản bị tịch biên thay vì chỉ phong tỏa, số tiền thu được chuyển cho Ukraina. Chẳng hạn chiếc du thuyền sang trọng Amore Vero dài 86 mét của Igor Sechin, chủ tập đoàn dầu khí Rosneft rất thân thiết với Putin, đêm 02/03/2022 toan ra khơi đã bị hải quan Pháp bắt giữ. Ở Pháp có khoảng 20 trường hợp tương tự.

Chiến tranh tiêu hao và ẩn số nước Mỹ

Nhìn chung, Libération trong bài xã luận lo lắng về « Những bất định của chiến tranh », còn tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro đặt vấn đề « Nước Mỹ quay lại, cho đến chừng nào ? »

Libération nêu ra lời nhận xét được cho là của tổng thống Zelensky : « Các đồng minh giúp đỡ Ukraina, nhưng chúng ta không sống trong cùng điều kiện. Ưu tiên của chúng tôi là phải sống sót ». Ukraina cho rằng lẽ ra họ phải có được chiến đấu cơ từ nhiều tháng trước. Tranh thủ sự chậm chạp của phương Tây, quân Nga xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố ba lớp dài theo chiến tuyến, khiến cuộc phản công vấp phải nhiều khó khăn.

Cuộc chiến không chỉ giữa hai nước Nga và Ukraina, mà đã nhanh chóng trở nên toàn cầu về kinh tế và chiến lược. Giới quân sự Mỹ cảnh báo, bầu cử tổng thống tháng 11/2024 một phần dựa vào công luận mà sự ủng hộ đang dần dà sút giảm, và ở Tây Âu cũng vậy. Thế nên Vladimir Putin trông cậy vào một cuộc chiến tiêu hao. Chiến tranh loại này có thể kết thúc bằng một trận thắng ngoạn mục, hoặc buộc phải ngồi vào bàn đàm phán như ở Triều Tiên.

Le Figaro cho rằng điểm yếu của NATO là sự lệ thuộc ngày càng nhiều vào Hoa Kỳ : với ngân sách 860 tỉ đô la, Mỹ chiếm 68 % chi quân sự của Liên minh, bảo đảm ưu thế công nghệ và định ra chiến lược. Nhưng tất cả là nhờ chính quyền Biden, chủ trương này có thể bị lung lay sau bầu cử. Trước các đế quốc toàn trị đang trông đợi sự bất ổn của các nền dân chủ, hơn bao giờ hết cần kiên nhẫn và nhất quán về chiến lược.

Đức « không còn ngây thơ trước Trung Quốc »

Trên bình diện địa chính trị, Les Echos và Le Monde cùng chú ý đến việc Đức có chiến lược cứng rắn hơn trước Trung Quốc. Chính quyền Đức vừa thông qua một tài liệu 64 trang, với mục tiêu giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh tuy không cắt đứt với đối tác thương mại chủ chốt này. Theo ngoại trưởng Annalena Baerbock, văn bản này là « chiếc la bàn » về mối quan hệ, « Chúng ta thực tế, nhưng không ngây thơ ». Tài liệu tố cáo Trung Quốc « cố tình dùng sức mạnh kinh tế để phục vụ các mục tiêu chính trị ». Berlin « quan ngại » trước việc Bắc Kinh « gây ảnh hưởng đến trật tự quốc tế có lợi cho hệ thống độc đảng của mình », vi phạm nhân quyền, « đàn áp trong nước và hung hăng với bên ngoài ».

Những vấn đề này lâu nay vẫn gây tranh luận tại Đức, nhất là sau tiết lộ về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, căng thẳng với Đài Loan và mới đây là việc Trung Quốc ủng hộ Nga sau khi xâm lăng Ukraina. Vấn nạn gián điệp cũng được cảnh báo trong tài liệu công bố thứ Năm tuần trước. Trong nội bộ liên minh cầm quyền, quan hệ với Bắc Kinh gây chia rẽ : đảng Xanh của bà Annalena Baerbock và bộ trưởng kinh tế Robert Habeck cứng rắn với Trung Quốc hơn là đảng SPD của thủ tướng Olaf Scholz. Le Monde cho rằng đây là dấu hiệu « thức tỉnh » về địa chính trị của Berlin, ít nhất là quyết tâm chấm dứt việc để logic thương mại dẫn dắt mối quan hệ quốc tế của các nhà lãnh đạo.

Henry Kamm, cây bút hết lòng đấu tranh cho thuyền nhân Việt

Về khía cạnh lịch sử có liên quan đến Việt Nam, Le Monde tưởng niệm nhà báo Henry Kamm của New York Times, đã qua đời ở Paris cách đây hơn một tuần ở tuổi 98. Ông từng được trao giải thưởng danh giá Pulitzer năm 1978 nhờ những bài phóng sự về thuyền nhân Việt.

Năm 15 tuổi, Henry Kamm đã phải cùng mẹ chạy trốn Đức quốc xã. Nhập quốc tịch Mỹ năm 1943, ông vào quân đội và tham gia giải phóng Bỉ, Pháp, sau đó trở về học đại học và vào làm nhân viên văn phòng tòa soạn New York Times. Dần dà trở thành một cây bút tên tuổi, Henry Kamm được bổ nhiệm làm trưởng văn phòng tờ báo tại Tokyo năm 1977, lúc bắt đầu bi kịch thuyền nhân, những người Việt chạy trốn chế độ cộng sản trên những chiếc tàu mong manh. Trước thái độ thờ ơ hay thù địch của các nước láng giềng, họ lang thang trên biển hết cảng này đến cảng khác mà không được cho vào bờ.

Nhà báo Kamm nằm trong số những người đầu tiên cảm nhận được thảm kịch. Không nghe lời cấp trên, ông sang Đông Nam Á cùng với người phiên dịch là một phụ nữ Việt gặp ở Tokyo, sau này trở thành bạn đời của ông. Những bài phóng sự xúc động của Henry Kamm đã mở mắt cho nhiều người ở Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á khác về thảm họa, qua lời kể của hàng trăm « boat people ». Những con người đi tìm tự do, chịu đựng đói khát và nguy cơ mất mạng trên biển nhưng bị thế giới quay lưng, khiến ông nhớ lại thái độ của các chính phủ châu Âu đối với người tị nạn Do Thái trong quá khứ.

Trước đó vào năm 1969, ông cũng là người đầu tiên theo đuổi cùng với nhà báo điều tra Seymour Hersh về vụ Mỹ Lai. Henry Kamm cho xuất bản cuốn « Dragon Ascending : Vietnam and the Vietnamese » (Con rồng thăng thiên : Việt Nam và người Việt) năm 1996. Le Monde nhận thấy tuy chiến tranh Việt Nam được đưa tin rộng rãi vào thời đó, nhưng ít có nhà báo nào thực sự thương cảm sâu sắc cho đất nước bị tàn phá này như ông. Cây bút bình luận nổi tiếng Nicholas Kristof của New York Times viết : « Henry Kamm đã đưa báo chí nhân văn lên đến tuyệt đỉnh ».

Câu chuyện Jane Birkin và mẫu túi xách đắt tiền nhất thế giới

Quá tải khách du lịch, người dân Pháp ngao ngán trước các hành động cực đoan của những người đấu tranh sinh thái, mùa hè nghẹt thở của một hành tinh đang nóng lên, nữ nghệ sĩ nổi tiếng của thập niên 70 Jane Birkin qua đời, là những chủ đề được báo chí Pháp đưa lên trang nhất hôm nay 17/07/2023.

Libération đăng ảnh Jane Birkin, chạy tựa « Không còn Jane », và dành sáu trang báo khổ lớn cho nữ ca sĩ kiêm diễn viên người Anh đã chọn nước Pháp làm quê hương thứ hai. La Croix vẽ nên chân dung « Thần tượng của thập niên 70 », Les Echos điểm lại nửa thế kỷ Jane Birkin, hoạt động trong ngành điện ảnh, Le Figaro trong bài xã luận gọi bà là « Lady đối đầu » đại diện cho một thời kỳ tươi đẹp đã qua.

Đặc biệt có lẽ ai cũng biết về chiếc túi xách Birkin nổi tiếng thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới của thương hiệu hàng xa xỉ Hermès, được những người mê thời trang giành giựt với cái giá đắt như vàng (mới đây một trang web "vintage" Pháp vừa bán một chiếc giá 160.000 euro). Mẫu túi này do giám đốc Hermès, Jean-Louis Dumas cho ra đời năm 1984, do đi cùng chuyến bay Paris-Luân Đôn và nghe cô ca sĩ thần tượng than thở không tìm được chiếc túi lý tưởng.

Le Figaro nhắc đến giai thoại trong một cuộc trình diễn ở Hoa Kỳ vài năm sau, một khách mời hỏi tên : « Birkin ? Giống như tên chiếc túi xách phải không ? ». Nữ nghệ sĩ trả lời : « Vâng đúng vậy, may thay không phải chiếc túi sẽ hát đêm nay ». Theo Libération, năm 2015 Jane Birkin yêu cầu không dùng tên mình nữa, để phản đối việc ngược đãi những con cá sấu trong một trang trại ở Texas. Hermès bèn gia tăng kiểm soát và trả tiền bản quyền để cô ca sĩ tiếp tục cho phép sử dụng tên, số tiền này Jane Birkin mang tặng cho các tổ chức từ thiện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.