Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

World Cup nữ 2023 : Người hâm mộ Pháp đặt nhiều kỳ vọng vào đội nhà

Sự kiện các nữ tuyển thủ Pháp lọt vào tứ kết Cúp bóng đá thế giới 2023 và đối đầu với chủ nhà Úc là chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 11/08/2023.

Các nữ cầu thủ Pháp ăn mừng bàn thắng ghi vào lưới đội Brazil trong khuôn khổ bảng F, tại Brisbane, Úc, ngày 29/07/2023.
Các nữ cầu thủ Pháp ăn mừng bàn thắng ghi vào lưới đội Brazil trong khuôn khổ bảng F, tại Brisbane, Úc, ngày 29/07/2023. AP - Aisha Schulz
Quảng cáo

Tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về một đội tuyển Pháp đang có phong độ rất ổn định. Đội tuyển « Áo Lam » đã lọt vào tứ kết Cúp bóng đá thế giới và họ sẽ đối đầu với đội tuyển Úc để giành vé vào bán kết. Trận đấu này sẽ không dễ dàng chút nào khi các nữ tuyển thủ Úc chơi trên sân nhà, và được cả một quốc gia cổ động. Nhật báo thiên tả nhận định rằng bất luận kết quả trận đấu ngày mai có thế nào đi nữa, thì sự hào hứng mà giải đấu lần này mang lại, cả ở Pháp lẫn Úc, cho mọi người thấy rằng thế giới bóng đá đang có một sự thay đổi lớn : cuối cùng các cầu thủ nữ đã được coi như những vận động viên ưu tú, và các giải đấu mà họ tham gia cũng được coi là những giải đấu lớn. Họ đã đi một chặng đường rất dài, và giờ đây, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để họ được « tôn trọng » như những cầu thủ nam.

Về phần đội tuyển Pháp, Libération cho rằng dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hervé Renard, các nữ tuyển thủ đã làm mọi người quên đi những ký ức tồi tệ dưới thời cựu huấn luyện viên Corinne Diacre, đồng thời ông Renard đã xây dựng một tập thể đoàn kết được dẫn dắt bởi bộ đôi đáng gờm Wendie Renard và Eugénie Le Sommer. Kết quả là các cầu thủ « Áo Lam » đã kết thúc vòng bảng với lượng khán giả truyền hình cao kỷ lục ở đất nước hình lục lăng. Đây là bằng chứng cho thấy bóng đá đỉnh cao không còn là đặc quyền của nam giới khi môn thể thao này từ trước đến nay vẫn luôn bị coi là « trọng nam khinh nữ ». Trước những trận đấu còn lại của đội tuyển Pháp, Libération nhấn mạnh rằng những cơ hội để được ăn mừng tập thể kiểu này có quá ít, do vậy, mọi người không nên bỏ lỡ chúng.

Tương quan lực lượng của hai đội tuyển

Tờ Le Figaro cũng có bài viết quan tâm đến tương quan lực lượng của hai đội tuyển trước giờ bóng lăn. Một kỳ World Cup với những trận đấu và kết quả khó lường, trước khi các nữ tuyển thủ Pháp khẳng định mình sau chiến thắng thuyết phục với tỷ số 4-0 trước Maroc tại Adelaide hôm 08/08.

Nhật báo thiên hữu nhận định trận Pháp-Úc diễn ra vào ngày mai 12/08 tại Brisbane hứa hẹn sẽ là một trận cầu đỉnh cao. Từ đầu giải đấu, các cổ động viên Úc đã tỏ ra hết sức náo nhiệt mỗi khi các nữ tuyển thủ của họ ra sân, ngoài ra, cả hai đội đều đang có cơ hội đi vào lịch sử. Đối với chủ nhà giải đấu, đây đơn giản là cơ hội để lần đầu tiên lọt vào trận bán kết một kỳ World Cup.

Còn đội tuyển Pháp thì đã từng lọt vào bán kết cách đây 12 năm, đang muốn xoa dịu nỗi thất vọng sau thất bại tại vòng tứ kết World Cup cách đây 4 năm, được tổ chức trên sân nhà. Huấn luyện viên Renard phát biểu : « Làm chủ nhà World Cup là con dao hai lưỡi, chúng ta đã trải qua điều đó vào năm 2019 với thất bại trước Hoa Kỳ (2-1). Chúng ta phải khiến Úc chịu áp lực tương tự. » Đây cũng là cơ hội để Pháp « phục thù » sau khi các cầu thủ « Áo Lam » đã để thua các cô gái Úc 1-0 ở trận giao hữu diễn ra hôm 14/07 vừa qua.

Eugénie Le Sommer, tiền đạo ngôi sao của Pháp nhận định rằng việc đối mặt với Úc trước World Cup là một lợi thế, bởi mọi người « đã biết điều gì sẽ xảy ra ». Về phần đội tuyển Úc, Le Figaro tỏ ra lo ngại trước sự trở lại của Sam Kerr, người đã không thi đấu ở vòng bảng do bị chấn thương ở bắp chân từ trước. Kerr hiện đang được đánh giá là tiền đạo xuất sắc nhất thế giới.

Tuy nhiên, tiền đạo Pháp Vicki Becho tỏ ra lạc quan khi bày tỏ khao khát mang lại cho nước nhà chiếc cúp vô địch và gắn ngôi sao đầu tiên lên ngực áo.

Quân đội Ukraina kháng cự kiên cường ở Bakhmut

Về chiến tranh Ukraina, nhật báo Le Monde dành trang nhất nói về việc các binh sĩ Ukraina tiếp tục kháng cự ở Bakhmut. Thành phố bị tập đoàn lính bán quân sự Wagner chinh phục trước mùa hè và đã được quân đội chính quy của Nga tiếp quản. Quân đội Ukraina đang cố gắng giành lại lãnh thổ bằng mọi giá, nhưng họ phải đối mặt với những kẻ thù « sừng sỏ ».

Hàng ngày, đơn vị pháo binh cơ động Ukraina mà Serhiy Gnezdilov tham gia được huy động để bắn rocket vào lực lượng Nga đóng ở phía bắc thị trấn Bakhmut. « Đôi khi chúng tôi được huy động đến năm lần trong một ngày », người lính 23 tuổi thuộc lữ đoàn cơ giới cho biết.

Một tiếng rưỡi trước đó, vào rạng sáng ngày 23/07, anh và những người lính khác đã lên đường trên một chiếc xe bán tải, phía sau có gắn một khẩu súng chống tăng. Các binh sĩ này có nhiệm vụ tiến sát phòng tuyến của kẻ thù, với cự ly chưa đầy 2 km, để bắn rocket. Đây là một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, vì các cuộc oanh tạc của Nga rất dữ dội.

Serhiy Gnezdilov giải thích : « Mục đích của chúng tôi là “quấy rối và làm mệt mỏi” quân địch. Chúng tôi đang chuẩn bị cho trận đánh lớn. » Anh tự tin rằng quân đội Ukraina sẽ giành lại được thành phố do Wagner chiếm được vào ngày 20/05, sau 10 tháng chiến đấu ác liệt. Trên thực tế, kể từ đầu tháng 5, các lực lượng Ukraina đã tấn công và giành lại được những phần lãnh thổ ở sườn phía bắc và phía nam của Bakhmut.

Cụ thể, Le Monde thuật lại rằng vào rạng sáng ngày 06/05, Andryi Bloschinsky, một chỉ huy trưởng của lữ đoàn xung kích 3 và các binh sĩ của anh đã chọc thủng các vị trí của quân Nga được triển khai ở sườn phía nam của Bakhmut bằng những đợt nã pháo, đi kèm với chiến thuật một nhóm tiến về phía trước, trong khi nhóm thứ hai lùi lại phía sau để yểm trợ. 

Tám tiếng sau khi phát động cuộc tấn công, các binh sĩ của lữ đoàn 3 đã lập được kỳ tích tiến thêm 2,7 km. Andryi phấn khởi cho biết rằng chỉ mất nửa ngày để « Ukraina lấy lại phần lãnh thổ mà Wagner đã mất hàng tháng mới chiếm được ».

Tổng thống Brazil nỗ lực vì môi trường

Về vấn đề môi trường, tờ Le Monde dành bài xã luận chú ý đến việc tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva quay trở lại lãnh đạo Brazil là một tin vui đối với vùng Amazon. Cuộc họp của tám quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (OTCA) tổ chức hôm 08-09/08 tại Belem đánh dấu sự trở lại của Brazil về tham vọng đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại tình trạng hâm nóng trái đất và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong 50 năm, nạn phá rừng đã gây ra sự biến mất của 17% diện tích rừng Amazon, 60% trong số đó là ở Brazil. Nhậm chức cách đây 7 tháng, tổng thống Lula đã giảm nạn phá rừng, gia tăng nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Với việc tái kích hoạt OTCA để thúc đẩy ý tưởng về trách nhiệm chung của các quốc gia Mỹ Latinh, bằng cách liên kết nhiều quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Pháp thông qua Guyane, hai nước Congo và Indonesia, đi kèm với các nhà tài trợ là Đức và Na Uy, tổng thống Brazil đã thực sự khơi mào một chiến dịch có tầm cỡ trong việc huy động các quốc gia và những tổ chức phi chính phủ, điều chưa từng xảy ra kể từ hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Rio năm 1992.

Phải thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh Belem chỉ đưa ra một tuyên bố liệt kê các phương pháp hành động mà chưa có bất kỳ cam kết cụ thể nào. Các quốc gia vẫn chưa thực sự tìm được tiếng nói chung, ví dụ như vẫn còn những bất đồng rõ rệt trong lĩnh vực dầu mỏ giữa tổng thống Lula và đồng nhiệm Colombia, Gustavo Petro.

Bên cạnh thông điệp đáng khích lệ của các quốc gia trong khu vực về việc bảo tồn rừng Amazon, nhân cuộc họp ở Belem, tổng thống Lula cũng đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Liên Hiệp Châu Âu (EU), đang muốn cho thêm một điều khoản có thể gây ảnh hưởng đến môi trường trong hiệp định thương mại tự do với Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur), đang chờ phê chuẩn. Tổng thống Brazil đã tới Paris vào tháng 6 hội đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và tố cáo trách nhiệm về môi trường của các nước công nghiệp cũ, nhấn mạnh với châu Âu rằng ông không cần họ để giải quyết những vấn đề môi trường.

Le Monde nhận định rằng tổng thống Lula dường như tập trung vào vấn đề môi trường với mục đích khiến mọi người quên đi thất bại ngoại giao trong nỗ lực hòa giải ở Ukraina, nhưng việc ông tích cực muốn đóng vai trò một nhà lãnh đạo đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh thông qua một chính sách khu vực mới để bảo tồn Amazon, hiển nhiên là một điều rất đáng hoan nghênh.

Ecuador bàng hoàng trước vụ ám sát một ứng viên tổng thống

Vẫn tại Nam Mỹ, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết chú ý đến vụ ám sát ứng viên tổng thống Ecuador Fernando Villavicencio. Ông bị hạ sát khi rời khỏi cuộc mít tinh vận động tranh cử hôm 09/08.

Những bức ảnh do báo chí Ecuador công bố cho thấy rõ cảm xúc của mọi người vào tối hôm kia. Bức ảnh đầu tiên cho thấy Fernando Villavicencio tươi cười và phấn khởi, đứng giữa một đám đông vẫy lá cờ ba màu và thần ưng, biểu tượng của Ecuador. Bức ảnh tiếp theo, được chụp vài phút sau vụ ám sát ứng cử viên 59 tuổi, cho thấy một đám đông hoảng loạn.

Tổng cộng có chín người bị thương, bao gồm hai sĩ quan cảnh sát và một ứng cử viên cho chức nghị sĩ, trong cuộc đấu súng sau đó giữa lực lượng an ninh và những kẻ tấn công. Một người bị bắn hạ và sáu người đã bị cảnh sát bắt giữ ở phía nam thủ đô Quito.

Ngay sau khi cái chết của ông Villavicencio được công bố, một số ứng viên tổng thống đã thông báo tạm hoãn chiến dịch tranh cử tổng thống để chia buồn với gia đình ông và bày tỏ mong muốn đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Tổng thống Guillermo Lasso đã cam kết rằng « thủ phạm của tội ác này sẽ bị trừng phạt ».

Tổng thống Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 60 ngày, nhưng cuộc bầu cử tổng thống vẫn sẽ diễn ra như dự kiến vào ngày 20/08 tới đây. Từ nhiều năm qua, Ecuador đã phải đối mặt với làn sóng bạo lực liên quan đến nạn buôn bán ma túy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.