Vào nội dung chính
ĐIỂM TUẦN BÁO

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam : Tín hiệu răn đe cho Trung Quốc

The Economist nhận định « Tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội là tín hiệu gởi tới Trung Quốc », do Hoa Kỳ và Việt Nam có chung lợi ích trong việc ngăn chận tham vọng trên biển của Bắc Kinh.

Ảnh tư liệu chụp ngày 07/07/2015 : Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly cùng với tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc chiêu đãi tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washington.
Ảnh tư liệu chụp ngày 07/07/2015 : Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly cùng với tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc chiêu đãi tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washington. AP - Manuel Balce Ceneta
Quảng cáo

Chuyến công du quan trọng nhất từ hơn 20 năm : Mỹ quyết chống Trung

Bỏ qua một cuộc hội thảo của ASEAN ở Jakarka, ngay sau hội nghị G20 tại New Delhi, ông Joe Biden có chuyến viếng thăm Việt Nam cấp nhà nước vào ngày 10/09. Ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ năm đặt chân lên đất của kẻ thù xưa. Tuy vậy, chuyến công du của Biden chắc chắn là quan trọng nhất kể từ chuyến thăm của Bill Clinton năm 2000 sau khi tái lập quan hệ ngoại giao, đoạn tuyệt với một quá khứ đẫm máu và cay đắng.

Từ đó đến nay, mối liên hệ giữa đại cường đứng đầu thế giới tự do và chế độ cộng sản thứ nhì thế giới đang cai trị gần 100 triệu người, ngày càng cải thiện. Điều này được thấy rõ qua việc Hoa Kỳ được thăng hạng trong hệ thống quan hệ được xây dựng một cách cẩn trọng giữa Việt Nam và các nước. Từ một thập niên, đó là « đối tác toàn diện ». Khi ông Biden gặp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chừng như nước Mỹ được hưởng một sự nâng cấp hiếm hoi lên « đối tác chiến lược toàn diện » - một sự phục hồi cho cả hai bên.

Các nhà đấu tranh tố cáo ông Biden xích lại gần một chế độ tệ hại về nhân quyền, nhưng ông đã quyết tâm chống lại ảnh hưởng Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chuyến đi là một phần của chiến lược trong đó các sáng kiến an ninh đan chéo tạo ra một mạng lưới bao quanh Trung Quốc.

Việt Nam hưởng lợi về đầu tư và quốc phòng với « friendshoring »

Mối lo ngại an ninh lớn nhất của Hà Nội là Bắc Kinh xâm lấn Biển Đông, quấy nhiễu các tàu đánh cá và tàu khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Hoa Kỳ đã bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam năm 2016, từ đó đã bán cho hai tàu tuần duyên. Những sáng kiến quốc phòng khác có thể được đưa ra trong chuyến thăm này. Sau khi tăng cường quan hệ quân sự với Philippines, nước Mỹ muốn thách thức Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trên Biển Đông.

Đối với Mỹ, an ninh kinh tế - vẫn với Trung Quốc trong tầm ngắm - cũng là mục tiêu của Hà Nội. Các nhà hoạch định Mỹ coi « giảm thiểu rủi ro » là chìa khóa của chính sách đối ngoại. Có nghĩa, định hình lại chuỗi cung ứng và thương mại để đưa sản xuất từ Hoa lục sang những nước thân thiện, cùng với việc cắt rời Trung Quốc khỏi đầu tư và bí quyết công nghệ cao, kể cả tin học lượng tử, trí thông minh nhân tạo và chip tân tiến. Việt Nam với cơ sở kỹ nghệ đang phát triển, lực lượng lao động trẻ năng động là ứng cử viên hàng đầu cho mô hình « friendshoring ». Đầu tư Mỹ nhiều hơn cũng làm tăng trọng lượng cho cam kết trong khu vực.

Về phần Việt Nam còn nhiều thứ phải nâng tầm. Quốc gia này đã trở thành cột trụ trong chuỗi sản xuất toàn cầu, và nước Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Như chuyên gia Lê Hồng Hiệp ở Singapore đã nhấn mạnh, Mỹ được coi là nguồn đầu tư chất lượng cao. Intel, nhà sản xuất chip điện tử quan trọng, đã đầu tư trên 1,5 tỉ đô la vào Việt Nam. Hoa Kỳ cũng có nhiều công nghệ xanh, rất cần thiết cho một nước với mục tiêu tham vọng về khí hậu, muốn tránh xa những kỹ nghệ thâm dụng nhân công và tài nguyên.

Cam kết quốc phòng mạnh mẽ hơn với Mỹ không chỉ hữu dụng ở Biển Đông, mà còn giúp Việt Nam không lệ thuộc vào vũ khí Nga. Chất lượng đã đáng ngờ, những vũ khí này càng hiếm hoi từ khi Nga xâm lăng Ukraina. Việt Nam muốn được giúp đỡ để xây dựng kỹ nghệ vũ khí của riêng mình.

Tức tối, Bắc Kinh chỉ có thể dùng bài cũ là quấy nhiễu

Tất nhiên là Trung Quốc không vui, lên án việc ông Biden tăng cường quan hệ với Việt Nam là thêm một bằng chứng cho « tư duy chiến tranh lạnh ». Hoa Kỳ lại còn được tham gia một nhóm ưu tiên gồm Trung Quốc, láng giềng quan trọng phương bắc và Nga, nước từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh. Nhưng ông Trọng và các đồng chí của ông nhận định rằng Trung Quốc sẽ không làm gì hơn ngoài việc quấy rối. Việt Nam đã có cả ngàn năm kinh nghiệm đối phó với người láng giềng đôi khi thù nghịch.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ra sức trấn an Trung Quốc về chuyến thăm của Biden. Họ biết Việt Nam có giá trị như thế nào đối với Bắc Kinh : ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và trong đó Việt Nam lớn nhất. Ông Hiệp nói rằng nếu Trung Quốc bày tỏ bất bình bằng việc gây rối trên Biển Đông nhiều hơn, thì chẳng có gì mới. Theo The Economist, Hà Nội sẽ không bao giờ đứng hẳn về phía Mỹ, mà chỉ là một sự tính toán để khéo léo giữ thăng bằng với Trung Quốc. Thà cố đi theo con đường trung dung trong lúc này, còn hơn là đợi đến khi quan hệ giữa hai đại cường sụp đổ một cách nguy hiểm.

Trung Quốc, quả bom nổ chậm của thế giới

Về người khổng lồ châu Á, L'Obs đặt câu hỏi « Trung Quốc, quả bom nổ chậm ? ». Sau hai thập niên tăng trưởng với tốc độ 10 % một năm, nay sẽ chỉ còn khoảng 2-3 %, và xu hướng này khó thể đảo ngược.  Một báo cáo mới đây của cơ quan tư vấn Asterès giải thích, sự chuyển đổi lịch sử của kinh tế Trung Quốc đã hầu như kết thúc - từ mô hình nông nghiệp đã được đô thị hóa, chủ yếu dựa vào sự phát triển nhanh chóng của kỹ nghệ và dịch vụ. Lãnh thổ rộng lớn - đến nay đã chiếm hơn phân nửa số tiêu thụ xi măng của thế giới - không còn cần những món đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng và nhà ở, từ 20 năm qua đã tạo ra tăng trưởng.

Địa ốc vốn là động cơ của nền kinh tế nay trở thành gót chân Achille ; Evergrande nợ 300 tỉ euro, Country Garden nợ 180 tỉ euro, đe dọa ngành ngân hàng. Mặt khác, chính sách một con trước đây làm cho dân số lao động giảm sút lâu dài. Tiêu dùng nội địa ít ỏi vì thiếu vắng phúc lợi xã hội, người dân tiết kiệm 35 % thu nhập (ở Pháp là 16 %). Xuất khẩu giảm, và sau bài học Covid, nhiều nước chuyển dịch sản xuất khỏi Hoa lục, trầm trọng hơn nữa là xung đột Mỹ-Trung khiến Washington siết đầu tư về công nghệ cao.

Thời hoàng kim đã qua và không trở lại

Tương tự, trả lời phỏng vấn của L'Express, kinh tế gia Anh George Magnus nhận định « Dưới thời Tập Cận Bình, con bò sữa Trung Quốc đã bị vắt kiệt », mô hình tăng trưởng của nước này đã đạt đến điểm tới hạn. Trước đây cũng đã có những cuộc khủng hoảng nho nhỏ, nhưng thời đó Bắc Kinh chưa đối địch chiến lược với Hoa Kỳ.

Mô hình tăng trưởng Trung Quốc dựa trên tỉ lệ đầu tư cao, hơn hẳn những nước châu Á khác. Hậu quả là dư thừa cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà cửa. Nợ của Trung Quốc lên đến 320 % GDP, và lại tập trung nơi chính quyền địa phương và công ty quốc doanh kém hiệu quả. Thanh niên tốt nghiệp đại học thất nghiệp rất nhiều, và đang có phong trào « thảng bình » (tang ping), « bại lạn » (bailan), buông xuôi không làm gì cả.

Tác giả cho biết không có những bằng chứng cho thấy những nước lớn theo chế độ độc tài có thể trở nên giàu mạnh. Trung Quốc có các thương hiệu Alibaba, Tencent, BYD, Huawei…nhưng nước này phải đối mặt với những vấn đề lớn về kinh tế vĩ mô, chừng như đã leo đến đỉnh và giờ đây xuống dốc không phanh. Mác-Lênin không phải là giải pháp. Thực ra ngay từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình tập trung cho quân đội, đảng, chống tham nhũng mà ít quan tâm đến kinh tế. Nhiều người lo ngại một Trung Quốc yếu đi sẽ xoay sang thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa, hung hăng với Đài Loan hay trên Biển Đông để đánh lạc hướng dư luận, nhưng một Trung Quốc hùng mạnh cũng hành động tương tự. Giáo sư Magnus khuyên : hãy cảnh giác.

Sự ngạo mạn cộng sản kéo Trung Quốc thụt lùi

Courrier International trích dịch tờ Liên hợp Tảo báo (Lianhe Zaobao) có trụ sở ở Singapore nhấn mạnh, « Sẽ không ra khỏi được khủng hoảng nếu không có dân chủ ». Những dấu hiệu kinh tế suy tàn liên tục bộc lộ, lý do là ban lãnh đạo đảng cộng sản ngạo mạn, chỉ tin vào chính mình. Ba động cơ của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều thảm hại. Một câu chuyện tiếu lâm đang lan truyền : ba động cơ này đã được thay thế bằng Tổng cục Thống kê, Tuyên huấn và Tân Hoa Xã !

Tờ báo nhắc lại, Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc cất cánh khi chấp nhận coi là quốc gia đang phát triển, ủng hộ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa thị trường cho hàng Trung Quốc…Các công ty Mỹ ồ ạt đầu tư vào Hoa lục, chuyển giao những công nghệ tân tiến.  Nhưng nay Tập Cận Bình đề cao tư tưởng Mác-Lê, lấy lý do an ninh để đe dọa, cản trở kinh tế thị trường dựa trên Nhà nước pháp quyền khiến doanh nhân và du khách ngoại quốc e ngại.

Việc thành lập các chi bộ đảng cộng sản tại các công ty tư nhân kể cả nước ngoài làm doanh nghiệp không còn độc lập tuy vi phạm luật công ty và luật về quyền sở hữu. Các đơn vị tư nhân lo sợ bị buộc trở thành « công tư hợp doanh » một lần nữa. Những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán bỗng chốc lao đao chỉ vì một quyết định của chính quyền. Sau những năm « ngoại giao chiến lang », quan hệ Mỹ-Trung xuống đến mức thấp nhất kể từ chuyến thăm của tổng thống Nixon năm 1972, với châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada cũng không hơn gì.

Con đường tơ lụa mới lãng phí tiền của người đóng thuế Trung Quốc mà không mang lại những đồng minh mới. Đặc biệt việc xích lại gần với Nga và đàn áp Hồng Kông, đe dọa Đài Loan khiến phương Tây hiểu rằng không nên để lệ thuộc vào Bắc Kinh. Tác giả cho rằng phương thuốc cho Trung Quốc không khó tìm : cải cách hệ thống chính trị. Phổ thông đầu phiếu, độc lập tư pháp, tự do ngôn luận và báo chí là cách duy nhất để bảo đảm phát triển kinh tế nhanh chóng và chất lượng.

Chiếc ghế trống của Tập Cận Bình ở G20

Trên bình diện địa chính trị, L'Obs quan tâm đến « Chiếc ghế bỏtrống của Tập Cận Bình »: sự vắng mặt của một nhà lãnh đạo đôi khi cũng nói lên nhiều điều như sự hiện diện. Đó là trường hợp của ông Tập, khi quyết định không đến dự G20 ở New Delhi diễn ra trong hai ngày 09 và 10/09. Có nhiều cách giải thích. Trước hết, Trung Quốc không muốn giúp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có được thành công ngoại giao với tư cách nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh này. Thứ hai, Bắc Kinh cho rằng một cuộc gặp Tập Cận Bình-Joe Biden là quá sớm, trong bối cảnh hiện nay. Lý do thứ ba mang nhiều ý nghĩa hơn : không muốn coi G20 là nơi đối thoại về những vấn đề quan trọng của hành tinh.

Trước sự tê liệt của Liên Hiệp Quốc khi một thành viên thường trực lại là kẻ xâm lăng gây ra một cuộc chiến quy mô, G20 trở thành nơi đối thoại duy nhất của những nước lớn. Sự vắng mặt của Tập Cận Bình càng đáng chú ý khi thượng đỉnh BRICS vừa kết thúc, việc kết nạp sáu thành viên mới làm tăng thêm sức nặng kinh tế và dân số cho khối này. Rõ ràng là Bắc Kinh thúc đẩy để mở rộng một khối mà mình thống trị, đồng thời giảm sự hiện diện tại G20, một cơ cấu thăng bằng hơn, và chiếc ghế trống của Tập Cận Bình không dự báo điều gì hay ho.

Ukraina khai trường dưới bom đạn, Nga thay sách dạy sử

Cuộc chiến ở Ukraina tiếp tục được các tuần báo đề cập. Đặc phái viên L'Express tại làng Sytnyaky thuộc quận Bucha ngoại ô Kiev tả lại « Một mùa khai trường dưới bom đạn ».Trên 3.000 ngôi trường ở Ukraina đã bị chiến tranh phá hủy, ít nhất 4 triệu trẻ em bị ảnh hưởng, khiến Unicef báo động về một thế hệ đánh mất. Năm ngoái, đa số học sinh theo học từ xa qua Zoom, nhưng năm nay, ưu tiên dành cho việc trở lại trường lớp dù nguy hiểm.

Tại Kiev, trẻ em nhập học sau khi công binh đã gỡ mìn và báo động bom chấm dứt. Ở Kharkiv gần biên giới Nga, các em phải học trong métro vì những hỏa tiễn S-300 bay đến chỉ trong vòng 40 giây, không đủ thời gian tìm chỗ trú ẩn. Còn tại làng Sytnayky, học sinh học dưới hầm còn vương mùi sơn. Sáng sớm 01/09, các em trong trang phục truyền thống Ukraina bắt đầu buổi học sau khi chào cờ và mặc niệm một cựu học sinh đã tử trận ở Donbass.

Trong khi đó tại Nga, Courrier International cho biết « Tuyên truyền của Nhà nước đã được đưa vào sách giáo khoa ». Mùa khai giảng năm nay, bộ Giáo Dục Nga áp đặt bộ sách lịch sử được viết lại theo điện Kremlin, chủ yếu nhằm biện minh cho cuộc xâm lăng Ukraina. Cùng ngày 01/09, học sinh lớp 11 và 12 ở Nga được phát bộ sách mới, viết lại hoàn toàn thời kỳ từ thập niên 70 đến 2000, và thêm chương mới về « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina. Theo đó, sự sụp đổ của Liên Xô là do tỉ phú Mỹ George Soros, Ukraina mang « tư tưởng ly khai ». Kiev « đàn áp » dân Donbass và « phải ra tay trước để bảo vệ an ninh cho Nga » là hai « mục tiêu chính » của việc đưa quân sang Ukraina.

Tình báo quân đội Mỹ lạc quan về cuộc phản công của Kiev

Sau ba tháng tiến rất chậm, cuộc phản công của Kiev đã có được đà tiến. Tại làng Robotyne ở miền nam, lực lượng Ukraina lần đầu tiên xuyên thủng được phòng tuyến đầu tiên của Nga, và nay tấn công vào tuyến phòng thủ thứ nhì. Ông Trent Maul, giám đốc phân tích của Defense Intelligence Agency (DIA), cơ quan tình báo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với The Economist, cảnh báo rằng quân Nga được tăng viện mạnh nhất ở phòng tuyến thứ ba.

Những tuần lễ gần đây, một số quan chức Mỹ chỉ trích chiến lược quân sự của Ukraina, nhất là quyết định triển khai những đơn vị thiện chiến xung quanh Bakhmut thay vì trục then chốt ở miền nam, có người cho rằng Kiev khó thể tiến xa. Ông Maul lạc quan hơn, lưu ý rằng Serguei Surovikin, tướng Nga đã xây dựng các phòng tuyến trên và Yevgeny Prigozhin, thủ lãnh lính đánh thuê Wagner đã giành được một số thắng lợi cho phía Nga trong năm qua, đều đã bị loại khỏi vòng chiến. Surovikin bị cách chức còn Prigozhin chết trong một tai nạn máy bay bí ẩn. Theo ông, những chiến thắng mới đây của Ukraina là « rất ý nghĩa », có hy vọng phá vỡ được số phòng tuyến còn lại từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên tình trạng thiếu đạn dược và thời tiết xấu đi làm cho nhiệm vụ của họ rất khó khăn.

Tội ác và trừng phạt

Chiến tranh không chỉ ngoài mặt trận. Dưới tựa đề « Tội ác và hình phạt », dựa theo tên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Dostoievsky, The Economist nói về chương trình ám sát của đặc vụ Ukraina.Trong 18 tháng chiến tranh, đã có vài chục kẻ phản bội bị nhắm đến tại những vùng đất bị chiếm đóng và cả trên đất Nga, những người này bị trừ khử bằng nhiều cách như bắn hạ, gài chất nổ và đôi khi bị hạ độc.

Kiev luôn kín tiếng, nhưng ít ai nghi ngờ về dấu ấn của tình báo Ukraina.  Một số vụ có vai trò tác động tâm lý : tăng cái giá phải trả cho tội ác chiến tranh và nâng cao tinh thần người dân. Chẳng hạn trường hợp Stanislav Rzhitsky, cựu chỉ huy tàu ngầm bị nghi là đã bắn các hỏa tiễn sát hại 38 người Ukraina ở Vinnytsia tháng 7/2022, một năm sau đã bị bắn chết khi đang chạy jogging trong một công viên ở Krasnodar (Nga).

Hệ quả khi « lằn ranh đỏ » của Obama chỉ để dọa suông 

Ngược dòng quá khứ, giáo sư địa chính trị Frédéric Encel quay về với 10 năm trước với nhận định trên L’Express « Sự lùi bước của Obama trước Assad : Kỷ niệm đáng buồn ». Theo ông, Ukraina đang gánh chịu hậu quả về quyết định này của cựu tổng thống Mỹ.

Từ 2011, Bachar Al Assad liên tục dùng khí độc tấn công vào khu dân cư, nhiều cuộc điều tra quốc tế đã thu thập được vô số bằng chứng cụ thể. Cuối 2012, Barack Obama đã cao giọng cảnh cáo nhà độc tài Syria về « lằn ranh đỏ » : Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu tiếp tục giết dân bằng cách dã man này. Nhưng tháng Tư và nhất là tháng Tám 2013 nhưng vụ sử dụng chất độc thần kinh đánh vào thường dân vẫn diễn ra.

Quân đội Pháp đã chuẩn bị lên đường cùng với lực lượng Mỹ, nhưng vào phút chót, Obama cho Paris « leo cây ». Trong hồi ký, cựu tổng thống Mỹ lấy cớ không muốn sa lầy và thêm quân nhân chết trận, tuy nhiên đó là ngụy biện, vì vài hỏa tiễn bắn đi từ các chiến hạm không thể làm mất mạng các GI. Chưa kể làm ảnh hưởng nặng nề đến lòng tin của đồng minh. Putin đã lợi dụng để chiếm được vị thế ở Syria, sáp nhập Crimée, chiếm một phần Donbass…và có thể cho rằng giờ đây hàng triệu người Ukraina phải trả giá cho sai lầm trầm trọng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.