Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG - LUẬT AN NINH

Luật an ninh quốc gia Hồng Kông: Công cụ đe dọa những ai chống Bắc Kinh

Ngày 30/06/2020, Trung Quốc đã thông qua Luật An Ninh Quốc Gia áp đặt lên Hồng Kông. Một trong những điểm gây tranh cãi trong luật này là Điều 38, đã mở rộng thẩm quyền của Tư Pháp Trung Quốc ra mọi nơi và nhắm vào bất kỳ ai trên thế giới.

Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ một người biểu tình chống luật An Ninh Quốc Gia ngày 01/07/2020.
Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ một người biểu tình chống luật An Ninh Quốc Gia ngày 01/07/2020. REUTERS - TYRONE SIU
Quảng cáo

Trong bài phân tích ngày 16/07 mang tựa đề: “Luật An Ninh Quốc Gia tại Hồng Kông có áp dụng cho mọi người trên thế giới hay không?”, nhật báo Pháp Le Figaro đã nêu bật tính chất quá đáng của thẩm quyền ngoài lãnh thổ ghi trong đạo luật của Trung Quốc, mà theo nhiều nhà quan sát, còn nhằm mục tiêu hù dọa những ai dám chống lại Bắc Kinh.

Nhìn chung, Luật An Ninh Quốc Gia mà Trung Quốc ban hành cho Hồng Kông quy định rằng các hoạt động “ly khai”, “lật đổ chính quyền”, “khủng bố” và “thông đồng với các thế lực nước ngoài” là những tội hình sự mà án tù có thể lên đến tù chung thân.

Vấn đề đặt ra là Điều 38 của đạo luật này còn quy đinh thêm là đạo luật cũng “áp dụng cho mọi vi phạm chống Hồng Kông, xẩy ra ngoài đặc khu, do những người không thường trú tại Hồng Kông thực hiện”.

Nói cách khác, điều khoản đó đã mở rộng hiệu lực đạo luật An Ninh Quốc Gia Hồng Kông ra ngoài lãnh thổ và áp dụng cho cả cư dân của bất kỳ nước nào trên thế giới.

Một thẩm quyền ngoài lãnh thổ thái quá !

Ngay sau khi nội dung chi tiết của đạo luật An Ninh Quốc Gia Hồng Kông được công bố, giới phân tích đã nêu bật tính chất thái quá của thẩm quyền “ngoài lãnh thổ” ghi trong đạo luật này.

Ngôn từ của Điều 38 rất rõ ràng: Văn bản có hiệu lực ngoài lãnh thổ, bao trùm cả những người không phải là cư dân Hồng Kông, ngay cả khi “hành vi phạm tội” được thực hiện bên ngoài Hồng Kông.

Giáo sư Daniel C. Clarke, chuyên gia về Luật Trung Quốc tại Đại Học George Washington nhận định: “Tôi thấy không có lý do gì để nghĩ rằng (điều 38) không có nghĩa như những gì được ghi, khẳng định một thẩm quyền ngoài lãnh thổ được áp dụng mọi người trên hành tinh này”.

Đối với giáo sư Clarke, chưa bao giờ một đạo luật của Trung Quốc lại đi quá xa như vậy, thậm chí còn đi xa hơn cả luật lệ hiện hành tại Trung Quốc, vốn khẳng định rằng “hành vi của một người nước ngoài ở ngoại quốc chỉ có thể được coi là tội phạm theo luật pháp Trung Quốc nếu tội đó bị trừng phạt bằng một án tù ít nhất là ba năm ở Trung Quốc, và hành vi đó cũng bị xem là một tội ác ở quốc gia nơi xẩy ra”.

Khó có khả năng dẫn độ người nước ngoài "phạm tội" về Hồng Kông

Trong thực tế, câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là liệu Trung Quốc có thể thực thi được điều khoản ngoài lãnh thổ đó hay không? Trên vấn đề này, Hồng Kông có thể viện đến những thỏa thuận dẫn độ đã ký với nhiều quốc gia, để đưa người “phạm tội” ở nước khác về đặc khu để xét xử.

Trên giấy tờ, khả năng đó có thật vì hiện nay, Hồng Kông có thỏa thuận dẫn độ với khoảng 20 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada và Úc. Tuy nhiên, kịch bản đó khó có thể xẩy ra vì rất khó mà các nước trên lại cho Hồng Kông dẫn độ công dân của họ.

Theo chuyên gia về Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS), các nước phương Tây chắc chắn sẽ tìm cách hạn chế khả năng Hồng Kông dùng hiệp định dẫn độ. Ngay từ đầu Tháng 7, Canada và Úc đã đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông, một động thái được Anh Quốc tiếp nối vào hôm qua, 20/07.

Ngoài ra, việc dẫn độ cũng sẽ vấp phải những giới hạn pháp lý do chính luật dẫn độ đặt ra. Trả lời tạp chí Mỹ Fortune, luật sư người Mỹ Andrew Partner thuộc công ty luật Haldanes có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng dù phạm tội theo luật an ninh quốc gia Hồng Kông, cư dân một quốc gia đã ký kết thỏa thuận dẫn độ “không nhất thiết” sẽ bị dẫn độ qua Hồng Kông, dựa trên quy định theo đó việc dẫn độ “chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp hành vi đó cũng bị coi là tội ở nước sở tại”, tức là nước có ký kết thỏa thuận với Hồng Kông.

Đe dọa những ai dám phê phán Trung Quốc

Ngoài việc dẫn độ, còn có một khả năng thứ hai, là người nước ngoài “phạm tội” bị bắt giữ khi đến hay quá cảnh Hồng Kông hoặc Hoa Lục.

Đối với chuyên gia Bondaz, đây là điều đáng quan ngại thực sự, vì chủ yếu liên quan đến các nhà nghiên cứu Mỹ hay châu Âu làm việc về Trung Quốc. Hù dọa giới này chính là mục tiêu mà Bắc Kinh tìm kiếm với đạo luật An Ninh Quốc Gia Hồng Kông. Trung Quốc muốn răn đe các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các nhà hoạt động chính trị, các hiệp hội, với hy vọng rằng những người này sẽ tự kiểm duyệt để tránh bị Bắc Kinh phiền hà.

Chính phủ Trung Quốc cũng từng hàm ý công nhận ý đồ kể trên khi thừa nhận rằng: “Đối với một nhóm thiểu số nhỏ đe dọa an ninh quốc gia, luật này sẽ là một thanh kiếm treo trên đầu họ”. Có điều là thanh kiếm không chỉ lơ lửng trên đầu của các nhà hoạt động chính trị dày dạn nhất, mà đe dọa tất cả những ai có liên can với Trung Quốc vì công việc của mình.

Áp đặt quan điểm của Trung Quốc trên toàn thế giới

Đối với giới quan sát, tính chất ngoài lãnh thổ ghi trong luật An Ninh Quốc Gia Hồng Kông nằm trong số công cụ pháp lý mà Bắc Kinh đang tạo ra để áp đặt quan điểm của Trung Quốc trên thế giới.

Theo chuyên gia Bondaz, Bắc Kinh đã hoàn toàn hiểu được là, để giành thế thống trị trên trường quốc tế, họ phải áp đặt được quan điểm của mình: “Bịt miệng các đối thủ chính trị - kể cả những ai ở nước ngoài - chưa đủ, mà cần khống chế cả những phát ngôn về Trung Quốc”.

Năm ngoái, khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, Bắc Kinh đã thấy rằng cần phải khống chế chặt chẽ hơn cách tường thuật sự kiện. Kể từ lúc đó, các đại sứ quán Trung Quốc bắt đầu lớn tiếng tuyên truyền cho chính sách của Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc, kể cả ở các nước phương Tây cũng vậy. Trung Quốc hy vọng là kho vũ khí luật pháp mới của họ, trong đó có đạo luật An Ninh Hồng Kông, sẽ thúc đẩy những người phê phán Bắc Kinh tự kiểm duyệt.

Sau cùng, phải thừa nhận rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất áp đặt thẩm quyền tư pháp ngoài lãnh thổ. Hoa Kỳ là nước đi đầu trong việc áp dụng điều này từ năm 1945 đến nay, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, dựa trên sức mạnh của đồng đô la hoặc công nghệ Mỹ. Khi dùng Gmail chẳng hạn, khách hàng lập tức bị luật pháp Hoa Kỳ chi phối.

Thế nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ có một khác biệt đáng kể. Theo ông Bondaz: “Tính chất ngoài lãnh thổ của luật pháp Mỹ chủ yếu liên quan đến các vụ khủng bố hoặc trốn thuế… Điều đó khác xa một đạo luật tấn công vào quyền tự do ngôn luận. Trung Quốc đã thấy rõ rằng tính hiệu lực ngoài lãnh thổ của luật quốc gia là đặc trưng của các cường quốc, vì vậy mà họ đã muốn có được điều đó”.

Chuyên gia Pháp kết luận: “Luật An Ninh Quốc Gia Hồng Kông phản ánh sự cạnh tranh có hệ thống giữa Bắc Kinh và Washington, giữa hai hệ thống chính trị độc đoán và dân chủ – điều mà ta không thể đánh đồng với nhau”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.