Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - TRUNG QUỐC - ĐẦU TƯ

Báo Nhật: Miến Điện thời Aung San Suu Kyi tìm cách thoát "bẫy nợ" Trung Quốc

Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự Miến Điện đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của Trung Quốc. Báo Nhật Nikkei Asia hôm nay, 07/02/2021, có bài đưa ra thông tin đáng chú ý : « Nợ Trung Quốc của Miến Điện sụt giảm 26% trong thời gian Aung San Suu Kyi nắm quyền ». 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) gặp tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing (P) trong chuyến công du Naypyitaw, Miến Điện, ngày 12/01/2021.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) gặp tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing (P) trong chuyến công du Naypyitaw, Miến Điện, ngày 12/01/2021. © AP
Quảng cáo

Nikkei Asia dẫn số liệu của Ngân Hàng Thế giới, theo đó, nợ Trung Quốc của Miến Điện vào cuối năm 2019 chỉ còn 3,34 tỉ đô la, thấp hơn 26% so với cuối năm 2015, tức trước khi đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ lên nắm quyền. Nikkei Asia so sánh đà sụt giảm về nợ nần với Trung Quốc của Miến Điện với tình hình ngược lại ở hai nước láng giềng Đông Nam Á. Trong cùng khoảng thời gian này, nợ của Lào tăng vọt 72%, nợ của Cam Bốt tăng 34%.

Riêng về nợ nước ngoài của Miến Điện nói chung, tỉ lệ nợ Trung Quốc trên tổng số nợ chung, từ 45% tụt xuống còn 30% trong thời gian 4 năm cầm quyền của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ. Chính phủ Aung San Suu Kyi rất lo ngại rơi vào « bẫy nợ » của Trung Quốc, bởi sẽ có nguy cơ buộc Miến Điện phải nhượng một số cơ sở hạ tầng chiến lược cho Bắc Kinh.

Một ví dụ tiêu biểu của việc điều chỉnh chiến lược của Miến Điện là dự án xây cảng ở Kyaukpyu, bên bờ Ấn Độ Dương. Cảng này cho phép đưa dầu lửa và khí đốt từ biển vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông qua hai đường ống dài 870 km. Với tuyến cung ứng nhiên liệu này, Trung Quốc sẽ không bị phụ thuộc vào tuyến đường qua eo biển Malacca. Dự án ban đầu có trị giá tới 7,2 tỉ đô la, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 1,3 tỉ đô la vào lúc thỏa thuận được ký kết năm 2018. Chính phủ Miến Điện đã yêu cầu thay đổi nhiều nội dung của dự án.

Tuy nhiên, nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế không dễ dàng. Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn, chiếm 30% tổng trao đổi thương mại của Miến Điện. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Miến Điện dễ thấy, đa số xe buýt lưu hành ở Rangoon được sản xuất tại Trung Quốc là một ví dụ. Trung Quốc xem khối ASEAN là khu vực quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới, đầy tham vọng, có tên gọi chính thức là « Một Vành Đai, Một Con Đường ». Tổng đầu tư của Trung Quốc vào khối ASEAN trong dự án này là hơn 300 tỉ đô la, riêng tại Miến Điện là hơn 20 tỉ.

Cuộc khủng hoảng người Rohingya, bị quân đội Miến Điện truy bức, khiến cho nỗ lực thoát phụ thuộc vào Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn với chính phủ dân sự, bởi Miến Điện bị quốc tế lên án, các nhà đầu tư phương Tây xa lánh. Cuộc đảo chính vừa qua có thể dẫn đến các trừng phạt quốc tế mới. Trong trường hợp đó, giới quân sự Miến Điện sẽ tìm đến sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Về phần mình, cho đến nay, về mặt chính thức, Trung Quốc không lên án đảo chính, không can thiệp, và chọn thái độ chờ đợi. Một nguồn tin từ nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc cho Nikkei Asia biết « cách thức xử lý vấn đề Miến Điện cũng còn phụ thuộc vào phía Mỹ ».

***

Bài viết của Nikkei được đăng tải sau khi Tokyo cảnh báo là việc phương Tây trừng phạt nghiêm khắc cuộc đảo chính của giới quân sự Miến Điện có nguy cơ sẽ đẩy Miến Điện vào vòng tay Trung Quốc (bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Yasuhide Nakayama trả lời Reuters ngày 02/02/2021). 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.