Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - KHỦNG HOẢNG

Miến Điện : Áp lực gia tăng đối với chính quyền quân sự

Chính quyền quân sự Miến Điện đang chịu áp lực ngày càng lớn từ trong nước và của cộng động quốc tế. Các cuộc biểu tình vẫn rầm rộ và Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tiếp diễn tại Mandalay, Miến Điện, ngày 13/02/2021.
Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tiếp diễn tại Mandalay, Miến Điện, ngày 13/02/2021. AP
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, phong trào phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi tiếp diễn, với các cuộc biểu tình bắt đầu ngay từ sáng sớm hôm nay, 13/02/2021 và đến chiều đã tập hợp hàng chục ngàn người.

Tối ngày 12/02, nhiều ủy ban « cảnh giác công dân » đã hình thành một cách tự phát ở khắp nơi, để giám sát những người sống chung quanh mỗi khi nhà chức trách tiến hành chiến dịch bắt bớ các nhà đối lập.

Từ Rangoon, thông tín viên Carol Isoux tường trình :

« Hôm thứ Bảy này, họ vẫn còn tập hợp trên đường phố Rangoon và nhiều thành phố khác của Miến Điện đúng vào sinh nhật của tướng Aung San, vị anh hùng của nền độc lập Miến Điện và là cha của lãnh đạo chính phủ đang bị cầm tù Aung San Suu Kyi. Ngày này cũng được chọn là Ngày của Cha (phụ thân tiết) ở Miến Điện.

Tuy trong những ngày qua không còn các vụ bạo hành của cảnh sát trong những cuộc biểu tình ban ngày, quân đội vẫn duy trì áp lực qua các vụ bắt bớ những nhà hoạt động, theo lời một giáo viên trẻ ở Rangun. Anh nói :

« Các vụ bắt giữ phi pháp trong những vụ bố ráp ban đêm vẫn diễn ra mỗi tối. Trong khi đó, phe quân sự dự tính cho thông qua một luật về an ninh mạng, mang tính chất vi phạm nhân quyền, để có thể bỏ tù những người sử dụng các mạng xã hội. Nhưng phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn mạnh hơn trong những ngày này. Giới trẻ đã tìm ra những phương thức đầy sáng tạo để bày tỏ quan điểm của họ ».

Những video clip lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy các binh lính đến nhà những công dân vô danh để bắt giữ họ, thường đó là những nhân viên y tế đã phát động phong trào tổng đình công nhằm làm chính quyền quân sự thất bại. Các tổ chức phi chính phủ của Miến Điện đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào các tướng lãnh. »

Vào hôm qua, trong một phiên họp đặc biệt, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận, kể từ sau cuộc đảo chính, hơn 350 lãnh đạo chính trị, đại diện Nhà nước, thành viên của xã hội dân sự, bao gồm phóng viên, nhà sư và sinh viên, đã bị bắt giam. Ngoài việc lên án bạo lực đối với những người biểu tình, Hội đồng Nhân quyền còn thông qua một nghị quyết kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.