Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Hàn Quốc có thể kiện Nhật xả nước nhiễm xạ ra biển

Ngoại trưởng Hàn Quốc hôm qua 14/04/2021 cho biết Seoul đã chia sẻ mối lo ngại với Mỹ về việc chính phủ Nhật Bản hôm 13/04, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, quyết định cho xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.

Dân Hàn Quốc biểu tình trước sứ quán Nhật tại Seoul phản đối việc xả nước phóng xạ Fukushima ra biển, Seoul, ngày 13/04/2021.
Dân Hàn Quốc biểu tình trước sứ quán Nhật tại Seoul phản đối việc xả nước phóng xạ Fukushima ra biển, Seoul, ngày 13/04/2021. © Jung Yeon-je / AFP
Quảng cáo

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc đang tính đến khả năng kiện Nhật Bản. Vì nước này chỉ mới được khử xạ một phần và vẫn còn chứa chất phóng xạ tritium. Nhưng theo nhà chức trách Nhật Bản, phóng xạ tritium không quá nguy hiểm nên việc xả toàn bộ lượng nước này ra biển là vô hại đối với sức khỏe con người và môi trường. 

Thông báo của ngoại trưởng Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh hôm nay thủ tướng Nhật Yoshihide Suga bay sang Mỹ để gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Đây là chuyến công du Mỹ đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga kể từ khi ông Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ.  

Phản ứng của người dân trong nước

Còn ngay tại Nhật Bản, quyết định của chính phủ khiến nhiều ngư dân trong vùng lo lắng. Theo họ, tác động kinh tế của quyết định này có thể sẽ rất nghiêm trọng. Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval gửi về bài phóng sự :

« Các ngư dân ở vùng Fukushima chỉ trích quyết định (của chính phủ). Đó là trường hợp của một người là lãnh đạo hợp tác xã, ông lo sợ sẽ xảy ra điều tồi tệ nhất : “Những vụ xả thải ra biển thế này sẽ như phát súng ân huệ nhắm vào nghề của chúng tôi. Liệu sẽ còn có ai muốn mua cá của chúng tôi khi lượng phóng xạ tritium này bị đổ ra biển? Cá sẽ không còn bán được nữa : mọi người tiêu dùng đều sẽ cảnh giác. Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh tại các khu nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ gặp khó khăn. Liệu có còn du khách nào dám đến và tắm trong một vùng biển có nước chỉ mới được khử xạ một phần ? Tôi cầu mong để mọi chuyện sẽ không đến nỗi như vậy".

Liệu người tiêu dùng có dám chấp nhận rủi ro để ăn món cá bơn hay cá thu có chất phóng xạ tritium ? Có thể họ sẽ do dự, kể cả đối với những người có tinh thần tương thân tương ái nhất như hai người dân Tokyo này, những người đang ở trước quầy cá trong một siêu thị. Một người chia sẻ : “Kể từ năm 2011, mẹ tôi và tôi dứt khoát mua cá đánh bắt từ Fukushima để giúp đỡ tất cả những ngư dân trong vùng, những người thực sự tuyệt vời”. Người còn lại nói : “Sau tất cả những gì họ đã phải trải qua, cần hỗ trợ họ, nhất là vì trong 10 năm sau thảm họa, cuộc sống của họ vẫn không hề dễ dàng chút nào”.

Chỉ có 18% trong số những người được thăm dò ý kiến ​​tán thành quyết định của chính phủ Nhật. Và cứ 10 người thì có 7 người nói rằng sau những lần xả nước như vậy ra biển, họ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định mua cá đánh bắt từ Fukushima. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.