Vào nội dung chính
ANH - NHẬT - HẢI QUÂN

Hàng không mẫu hạm Anh có chuyến thăm "lịch sử" căn cứ hải quân Nhật Bản

Ngày 04/09/2021, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải Quân Hoàng Gia Anh lần đầu tiên ghé thăm Nhật Bản sau một thập niên.

Hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth ngoài khơi Bồ Đào Nha trong một cuộc diễn tập của NATO, ngày 27/05/2021.
Hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth ngoài khơi Bồ Đào Nha trong một cuộc diễn tập của NATO, ngày 27/05/2021. AP - Ana Brigida
Quảng cáo

Trang mạng Stars and Stripes dẫn lời đại úy Simon Staley, tùy viên quốc phòng tại Nhật Bản, cho rằng sự xuất hiện của chiếc Queen Elizabeth là một « sự kiện lịch sử ». Bởi vì, đây là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm một nước khác cập cảng căn cứ hải quân Yokosuda, nơi trú đóng của Hạm Đội 7 thuộc Hải Quân Mỹ. Theo đại úy Simon Staley, « chuyến thăm này giúp tăng cường các mối quan hệ giữa Mỹ và Anh Quốc trên toàn cầu với tư cách là những đồng minh tốt nhất ».

Đại sứ Anh Quốc ở Nhật Bản, bà Julia Longbottom, đánh giá, chuyến thăm Nhật Bản của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thể hiện « sự tin cậy trong mối quan hệ chặt chẽ và ngày càng sâu sắc giữa hai nước Anh - Nhật », là một sự cam kết của Vương Quốc Anh « ủng hộ hòa bình và ổn định cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (…) ».

Nhật Bản là chặng dừng thứ hai của chiếc HMS Queen Elizabeth trong lần triển khai đầu tiên này, dự kiến kéo dài trong vòng 8 tháng, đi qua 40 nước. Trong vòng bốn ngày thăm Yokosuda, hải quân Anh sẽ tiến hành các bài tập huấn luyện với không quân và hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Những đợt thao diễn này có thể sử dụng cả những chiến đấu cơ F-35B Lightning II của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên hàng không mẫu hạm Anh.

Ngày 09/09, HMS Queen Elizabeth sẽ rời căn cứ Yokosuda để tham gia tập trận chung với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan và Canada nhằm thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa các nước tham gia.

Trang mạng FR24 News lưu ý, chuyến thăm này của HMS Queen Elizabeth diễn ra đúng vào lúc Bắc Kinh ban hành một bộ luật hàng hải mới, đòi hỏi các nước phải khai báo khi đi vào những vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự nhận có chủ quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.