Vào nội dung chính
THƯỢNG ĐỈNH ĐÔNG Á

Thượng đỉnh Đông Á không ra được thông cáo chung do Mỹ - Nga bất đồng

Chủ Nhật 13/11/2022, hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh Cam Bốt đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung , chủ yếu do Hoa Kỳ và Nga bất đồng về ngôn từ trong bản tuyên bố.  

Toàn cảnh  hội nghị  Đông Á tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 13/11/2022.
Toàn cảnh hội nghị Đông Á tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 13/11/2022. AP - Vincent Thian
Quảng cáo

Thượng đỉnh Đông Á hàng năm quy tụ lãnh đạo của 18 nước, gồm 10 thành viên ASEAN và 8 đối tác đối thoại. Tham gia thượng đỉnh Đông Á năm nay đặc biệt có tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol … Đại diện cho Nga là ngoại trưởng Sergei Lavrov. 

Khai mạc cuộc họp, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen nhận định sự phát triển xã hội và đời sống của người dân trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn do các căng thẳng quốc tế gần đây, nhưng ông tin rằng các cuộc thảo luận hiệu quả là có thể mặc dù có sự khác biệt về quan điểm của những lãnh đạo tham gia. 

Đài NHK của Nhật cho biết thông tin chi tiết về cuộc họp kín không được tiết lộ. Các lãnh đạo tham gia cuộc họp được cho là đã thảo luận về các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục của Bắc Triều Tiên, cuộc chiến Ukraina và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng nói rằng tổng thống Biden đã nêu ra những lo ngại về mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, đồng thời dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để chỉ trích hành động của Nga xâm lược Ukraina. 

Dự thảo tuyên bố chung do NHK có được lên án mạnh mẽ Bắc Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraina. 

Còn theo Bloomberg, Nga và Mỹ đã không thống nhất được về từ ngữ cho tuyên bố chung sau hội nghị, làm dấy lên nghi ngại là khối G20 cũng sẽ khó đạt được đồng thuận tại thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia trong tuần này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh, vì các nước này, xin trích, « nhấn mạnh đến tình hình Ukraina bằng một ngôn ngữ hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Nga luôn từ chối mô tả cuộc xâm lược Ukraina là một cuộc chiến tranh, mà gọi đó là một « hoạt động quân sự đặc biệt ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.