Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - COVID-19

Trung Quốc siết chặt kiểm soát ở nhiều nơi để ngăn biểu tình chống "Zero Covid"

Hôm nay, 29/11/2022, các lực lượng an ninh có mặt dày đặc tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính sách Zero Covid. Biểu tình dự kiến tại nhiều nơi ở Trung Quốc tối hôm qua, 28/11, đã không diễn ra.  

Sinh viên tham gia cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế Covid tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh chụp từ video phát hành ngày 27/11/2022.
Sinh viên tham gia cuộc biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế Covid tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh chụp từ video phát hành ngày 27/11/2022. via REUTERS - OBTAINED BY REUTERS
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, tại Thượng Hải, các nhóm an ninh túc trực sẵn tại mỗi cửa ra vào metro. Phố Urumqi, Thượng Hải, trung tâm của các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, bị kiểm soát chặt. Ít nhất 12 xe cảnh sát túc trực tại chỗ, theo ghi nhận của một phóng viên. Nhiều người biểu tình cho biết đã bị công an gọi đến để điều tra về việc tham gia vào các cuộc tuần hành những ngày vừa qua. Tình hình tương tự tại Bắc Kinh, công an được triển khai khắp nơi để sẵn sàng trấn áp bất cứ cuộc tập hợp nào. Riêng tại Hàng Châu, thành phố miền đông, cách Thượng Hải 170 km về phía nam, bất chấp sự hiện diện của công an, nhiều cuộc biểu tình nhỏ vẫn nổ ra.  

Việc chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt thông tin khiến truyền thông quốc tế khó thẩm định được số lượng các cuộc biểu tình trên toàn Trung Quốc trong kỳ nghỉ vừa qua. Hãng tin Mỹ CNN hôm nay đưa ra con số 20 cuộc biểu tình lớn tại 15 thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo tạp chí Times Higher Education, có trụ sở tại Luân Đôn, chuyên theo dõi giáo dục đại học toàn cầu, biểu tình, phản kháng đã diễn ra tại tổng cộng 79 đại học tại Trung Quốc.  

Nhiều Đại học cho sinh viên về quê 

Theo hãng tin Mỹ AP, nhiều đại học đã quyết định mở cửa cho sinh viên về quê và phong tỏa trở lại, để tránh nguy cơ bùng lên các hoạt động phản kháng mới. Cách nay hơn 30 năm, các đại học tại Trung Quốc từng là nơi diễn ra nhiều cuộc vận động thúc đẩy cải cách dân chủ, với đỉnh điểm là cuộc phản kháng tại quảng trường Thiên An Môn 1989. 

Tại nhà ga phía nam Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde, cho biết tình hình sinh viên sáng nay:  

Nhiều xe buýt lớn màu xám đậu tại ga phía nam Bắc Kinh sáng nay. Cả một đoàn dài vali kéo. Người sinh viên này của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh không lưỡng lự tranh thủ cơ hội này để rời khỏi trường, trước khi trường phong tỏa trở lại.

Anh nói : ‘‘Sáng nay, họ cho chúng tôi một giờ để ra đi trước khi phong tỏa. Nếu chúng tôi muốn đi thì phải trước 11 giờ. Tôi cho rằng chính quyền phải thay đổi chính sách này.’’ 

Không phải tất cả các sinh viên lên tàu để về quê sáng nay đều đã tham gia biểu tình đòi thay đổi chính sách Zero Covid trong những ngày gần đây. Nhưng một nữ sinh viên Đại học Giao Thông (Jiao Tong) cho chúng tôi biết cô không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Cô nói : ‘‘Chúng tôi đã xét nghiệm Covid liên tục bốn ngày, bây giờ họ để chúng tôi đi. Tôi thật sự sung sướng được trở về nhà. Năm nay tôi đã chỉ có mặt tại trường trong ba tháng. Tôi cũng không biết có thể trở lại trường vào 6 tháng tới hay không. Vì vậy, tôi mang tất cả mọi thứ đi’’.  

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989, các khẩu hiệu phản kháng được giương lên tại các trường đại học, bao gồm Đại học Thanh Hoa (Tsing Hua) ở Bắc Kinh, đại học của giới tinh hoa của chế độ.

Người sinh viên môn toán này đến từ Đại học Thanh Hoa cho biết tâm trạng hết sức chán ngán của anh:  ‘‘Yêu sách của những người phản đối là hợp lý. Các sinh viên đã phản ứng, và họ đã có câu trả lời. Giờ đây, đa số sinh viên muốn ra đi, nếu không người ta sẽ buộc chúng tôi phải đón Tết tại ký túc xá Đại học. Tất cả mọi người đều lo sợ cho tương lai. Có một tâm trạng hoảng hốt bao trùm’’.  

Nỗi lo ngại cũng có thể thấy ở thượng đỉnh quyền lực : sáng hôm nay, an ninh mặc thường phục hiện diện đông đảo tại những nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình cuối tuần qua.  

Đẩy mạnh tiêm chủng với người trên 60 tuổi

Chính quyền Trung Quốc hôm nay quyết định tăng cường chích ngừa Covid-19 cho người cao tuổi. Cho đến nay, mới chỉ có 65,8% người ở độ tuổi trên 80 được tiêm chủng. Việc tiêm chủng chưa đủ mức, đặc biệt ở người cao tuổi, là một nguyên nhân chính mà chính quyền nêu ra để biện minh cho chính sách phong tỏa nghiêm ngặt từ gần 3 năm nay. AFP dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia cho hay chính quyền sẽ đẩy mạnh tiêm chủng với cả hai nhóm tuổi, từ 80 trở lên, và từ 60 đến 79. Tiêm chủng đủ mức có thể cho phép Bắc Kinh chấm dứt chính sách Zero Covid.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.