Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ẤN ĐỘ - INDONESIA

Tăng trưởng ở châu Á : Trung Quốc bị Ấn Độ và Indonesia bám sát

Năm 2022 là thời điểm bước ngoặt đối với nhiều nước châu Á đang phát triển. Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã chững lại và dường như động lực tăng trưởng trong khu vực đang thay đổi. Đó là những gì có thể thấy khi so sánh Trung Quốc với hai nền kinh tế đang phát triển khác của châu Á là Ấn Độ và Indonesia.

Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Tây An, Trung Quốc, ngày 14/05/2015.
Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Tây An, Trung Quốc, ngày 14/05/2015. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào năm 2022, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chiếm gần 23% GDP toàn cầu tính theo đồng đô la vào thời điểm hiện tại và 39% dân số thế giới, trong khi vào năm 1980, 3 nước này chỉ chiếm 5,2% GDP toàn cầu và chiếm tới 41% dân số thế giới.

Đà tăng trưởng của Trung Quốc chững lại

Kể từ đầu thế kỷ này, động lực tăng trưởng của 3 quốc gia nói trên đã có những thay đổi đáng kể. Tăng trưởng của Trung Quốc đã tụt bước đầu tiên kể từ năm 2011 khi giảm xuống dưới mức 10% hàng năm, để đạt tỷ lệ 6% vào năm 2019, giai đoạn mà Tập Cận Bình đã mô tả là “một điều bình thường mới”. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, sự trì trệ trong đầu tư sản xuất và xuất khẩu không còn cho phép Trung Quốc duy trì thành tích xuất sắc của “30 năm vinh quang” trước đó.

Nền kinh tế Trung Quốc đã chống chọi tốt với tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và 2021, trước khi “vấp ngã” vào năm 2022 do tác động tai hại của chính sách “zero-Covid” vẫn được duy trì bất chấp sự biến đổi của virus. Tăng trưởng sẽ phục hồi vào đầu năm 2023 sau khi các biện pháp phòng chống Covid cứng nhắc được nới lỏng từ tháng 11 vừa qua. Nhưng Trung Quốc sẽ không trở lại mức tăng trưởng của những năm 2015-2019.

Đối với các chuyên gia của IMF và Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng Trung Quốc sẽ tụt thêm bước nữa với tỷ lệ hàng năm chỉ có thể dao động từ 4 đến 5% trong thập niên này. Khủng hoảng nhân khẩu học, tốc độ đô thị hóa chậm lại, quyền ưu tiên vẫn được dành cho các doanh nghiệp nhà nước và cạnh tranh công nghệ với Hoa Kỳ đều là những thách thức sẽ làm chậm quá trình bắt kịp của Trung Quốc, khi mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại của quốc gia này vẫn còn kém xa so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE.

Các nhà kinh tế học đang tranh luận về khả năng Trung Quốc liệu có vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới? Theo ngân hàng Goldman Sachs, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không vượt qua nền kinh tế Mỹ, bởi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ trở nên rất chậm trong 10 năm tới (khoảng 1% hàng năm) do tác động của khủng hoảng nhân khẩu học mà nước này đang trải qua.

Trong khi đó, Ấn Độ đã trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ với mức 8% hàng năm trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này trước khi hứng chịu một cú sốc khá dữ dội trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Tỷ lệ 8% hàng năm là mức mà các nhà kinh tế của OCDE và Ngân hàng Thế giới cho rằng đất nước của thủ tướng Narendra Modi có thể đạt được. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế nói trên, tăng trưởng của Ấn Độ kém ổn định hơn và khiêm tốn hơn cho đến năm 2019, với tốc độ tăng trưởng trung bình không vượt quá 6,5%, đặc biệt do sự trì trệ trong đầu tư sản xuất. Ấn Độ sau đó đã phải hứng chịu cú sốc rất nặng nề do Covid gây ra với mức suy thoái -6,6% vào năm 2020. Trong năm 2022, Ấn Độ đang trong quá trình lấy lại tiềm năng tăng trưởng, bất chấp cú sốc thứ hai do chiến tranh ở Ukraina gây ra. Trong trung hạn, tăng trưởng của Ấn Độ có thể được duy trì ở tốc độ trước đó (6,5%), hoặc thậm chí ở tốc độ cao hơn nếu chính phủ huy động đầu tư hiệu quả hơn.

Về phần mình, Indonesia đã có mức tăng trưởng ổn định đáng kể, dao động từ 5 đến 5,5% trong 15 năm qua. Sau cú sốc do đại dịch gây ra, cũng giống như Ấn Độ, Indonesia đang trong quá trình lấy lại tốc độ tăng trưởng trước đó, một tốc độ mà các nhà kinh tế học quốc tế và chính phủ vẫn coi là không đủ. Nếu đẩy nhanh các chương trình cơ sở hạ tầng và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mức tăng trưởng của Indonesia có thể đạt khoảng 7%.

Tóm lại, Trung Quốc không còn dẫn đầu cuộc đua về tăng trưởng ở châu Á. Trong số 3 quốc gia châu Á đang phát triển, Ấn Độ hiện có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất và đứng trước Indonesia, với điều kiện là hai quốc gia này phải tránh được những cám dỗ của chủ nghĩa dân tộc và nguy cơ chia rẽ nội bộ.

Tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc sụt giảm

Trung Quốc đã có tốc độ đô thị hóa rất cao trong 40 năm qua và đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Vào năm 2021, dân số thành thị của nước này đạt 63% tổng dân số so với tỷ lệ 57% của Indonesia và chỉ 35% của Ấn Độ. Nhưng động lực này đang thay đổi. Dân số đô thị của Trung Quốc hiện đang tăng chậm hơn so với Ấn Độ và Indonesia.

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số ở vùng đô thị tại Trung Quốc sẽ xuống dưới 1% mỗi năm vào năm 2030. Indonesia cũng sẽ đối mặt với vấn đề tương tự, nhưng Ấn Độ vẫn có thể tiếp tục quá trình đô thị hóa trong nhiều thập kỷ nữa. Cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay ở Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy nhanh các xu hướng đô thị hóa trước đó và điều đó giờ đây sẽ chỉ hỗ trợ một chút cho sự tăng trưởng của nước này.

Năng suất tổng thể của Trung Quốc sụt giảm

Tăng trưởng kinh tế thường được coi là kết quả của nguồn thu đi kèm với năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity -TFP), được tính bằng chênh lệch giữa tăng trưởng thực tế và sự gia tăng về năng suất lao động và vốn đầu tư. TFP được cho là có thể phản ánh sự cải thiện của một nền kinh tế.

TFP của Trung Quốc đã rất mạnh trong “30 năm huy hoàng”, đạt khoảng 3 đến 3,5 điểm GDP, nhờ vào tỷ lệ đầu tư đặc biệt và sự gia tăng dân số năng động để đạt được mức tăng trưởng 10% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, TFP của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 0,7 điểm trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2019, giai đoạn mà quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ và khủng hoảng trong ngành xây dựng đã khiến năng suất tổng thể sụt giảm.

Ấn Độ thì vẫn duy trì TFP cao hơn đáng kể so với Trung Quốc và thậm chí cao hơn mức trung bình của những nước đang trỗi dậy trong thập kỷ 2010-2019, với mức TFP trung bình hàng năm là 2,2 điểm, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Đại dịch Covid đã hoàn toàn phá vỡ chỉ số này (với mức giảm 2,9 điểm GDP vào năm 2020 và kéo dài đến năm 2021), nhưng xu hướng của năm 2022 có thể được cải thiện với mức TFP có khả năng trở lại tỷ lệ giống như thập kỷ trước.

Indonesia thì đứng ở giữa, với TFP của quốc gia này chiếm trung bình 1 điểm GDP trong thập kỷ qua, tương đương với 20% tăng trưởng kinh tế.

Nguồn : Asialyst

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.