Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Tập Cận Bình và giấc mơ xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hiện cho Trung Quốc

Đêm ngủ, chủ tịch Trung Quốc mơ thấy những gì ? Báo tài chính Anh Financial Times ngày 19/06/2023 trả lời: Tập Cận Bình muốn đưa những phát minh mới nhất về công nghệ vào cỗ máy công nghiệp quốc phòng. Tháng 3/2023, Bắc Kinh chủ trương « đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ để cho ra đời những phát minh độc lập và sáng tạo » trong bối cảnh các đối thủ phương Tây đang áp dụng những biện pháp « tinh vi hơn » kềm tỏa Trung Quốc về mọi mặt.

Theo nghiên cứu của Australian Strategic Policy Institute, được công bố ngày 02/03/2023, Trung Quốc hiện dẫn dầu 37 trong số 44 công nghệ mũi nhọn trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Australian Strategic Policy Institute, được công bố ngày 02/03/2023, Trung Quốc hiện dẫn dầu 37 trong số 44 công nghệ mũi nhọn trên thế giới. © DS
Quảng cáo

Tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022 truyền thông quốc tế tập trung vào sự kiện ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực, tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Hiếm ai chú trọng thành phần lý lịch và nhất là kinh nghiệm chuyên môn của các ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương. Ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), từng là một cố vấn dưới thời cựu thủ tướng Triệu Tử Dương, được Financial Times trích dẫn, lưu ý : « Có ít nhất 5 trong số 13 gương mặt mới trong Bộ Chính Trị khóa 20 là những kỹ sư, những nhà khoa học giàu kinh nghiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ».

Danh sách này bao gồm phó thủ tướng Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing) từng lãnh đạo một tập đoàn sản xuất vũ khí, hay phó tổng lý Quốc Vụ Viện, Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong), từng được đào tạo tại trường kỹ sư chuyên về thuốc nổ, có ông Lý Cán Kiệt (Li Ganjie) chuyên gia về hạt nhân, hay Mã Hưng Thụy (Ma Xinggrui), chuyên gia về kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ, cũng như bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh Viên Gia Quân (Yuan Jiajun)…

Thành phần nhân sự ở thượng tầng cơ quan quyền lực Trung Quốc thể hiện ý muốn của ông Tập Cận Bình « đem lại một làn gió mới, thúc đẩy các dự án kết nối hai lĩnh vực công nghiệp dân sự và quân sự ».

Lo ngại về an ninh

Sự thay đổi quan trọng đó nói lên điều gì ? Vẫn báo Financial Times trả lời việc ông Tập Cận Bình cất nhắc những chuyên gia hàng đầu vào bộ máy Đảng chứng tỏ lãnh đạo Trung Quốc trực tiếp can thiệp để thúc đẩy phát triển, xây dựng một hệ thống công nghiệp quân sự hiện đại.

Greg Levesque, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quân sự Strider, nhấn mạnh đến quyết tâm của Bắc Kinh để « giám sát, theo dõi các hoạt động trong ngành ».

« Thay đổi quan trọng » ấy cho thấy rõ hai điều: Một là ông Tập muốn khai thác những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực dân sự để phục vụ cỗ máy công nghiệp quốc phòng, bởi vìđể đưa ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc lên một tầm cao mới, thì cần có những người « hiểu và biết điều phối giữa các trường đại học, những trung tâm nghiên cứu với những tập đoàn sản xuất trang thiết bị quân sự, với những công ty chuyên về công nghệ mới ».

Điểm thứ nhì được Greg Levesque ghi nhận là phát triển mảng công nghiệp phòng thủ càng lúc càng trở thành một nhu cầu « cấp bách » đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tập Cận Bình cần « rút ngắn thời gian » bởi ông ý thức được rằng Trung Quốc vẫn đang bị Hoa Kỳ bỏ lại phía sau, đồng thời phương Tây đang siết lại các chương trình hợp tác khoa học với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.

Sự ngờ vực giữa các tổ chức tư nhân với các đối tác của nhà nước

Điều đó cũng có nghĩa là mặc dù Trung Quốc có những bước tiến rất dài về mặt phát triển công nghệ phục vụ cho các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại, nhưng có lẽ tiến bộ thực sự tại quốc gia này « chậm hơn » điều mà Bắc Kinh mong đợi.

Financial Times trích dẫn một nghiên cứu gần đây của hai chuyên gia Đài Loan, Arthur Ding và Tristan Tang theo đó Trung Quốc đang phấp phải nhiều rào cản. Các hãng tư nhân Trung Quốc vẫn rất ngại ngùng khi cần chia sẻ kiến thức, thông tin và cả kết quả nghiên cứu với các đối tác bên quân đội, với các tập đoàn nhà nước trong ngành. Còn Elsa Kania, nghiên cứu trưởng thuộc Trung Tâm An Ninh Mới của Hoa Kỳ CNAS, thì quan niệm việc ông Tập Cận Bình đưa công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vào diện « chiến lược quốc gia » thể hiện thất vọng trước những « chậm trễ, những trở ngại » trong hợp tác giữa hai khu vực tư và công, đặc biệt là khi mà « các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học do Nhà nước quản lý ».

Về phía quân đội, cũng như các tập đoàn nhà nước trong ngành, số này cũng thận trọng với các doanh nghiệp tư nhân. Một nguồn tin thân cận với tập đoàn hàng không không gian Trung Quốc China Aerospace Science &Technology Co. khẳng định với báo tài chính Anh rằng bên quân đội Trung Quốc « không tin tưởng nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân », cho nên không tận dụng được hết những phát minh từ phía này.

Trung Quốc sẽ không bao giờ có được một SpaceX như của Mỹ, bởi Cơ Quan Hàng Không Vũ Trụ Trung Quốc sẽ không bao giờ hợp tác hay dành một chỗ đứng xứng đáng cho một công ty tư nhân, như trong trường hợp của NASA với hãng do tỷ phú Mỹ Elon Musk sáng lập.

Cuối cùng, trở ngại mà những con chim đầu đàn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng vấp phải là ngày càng khó nhập khẩu linh kiện bán dấn cao cấp của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … Chính quyền Washington không ngừng vận động các đồng minh giới hạn khả năng tiếp cận với công nghệ cao của các tập đoàn Trung Quốc.

Chắc chắn là con đường hiện đại hóa cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh sẽ nhiều chông gai hơn, khi mà các doanh nghiệp Trung Quốc không còn được chuyển giao công nghệ, khi mà các dự án hợp tác với các đối tác Âu Mỹ hay Nhật, Hàn bị đóng băng.

Financial Times nhắc lại trong một báo cáo hồi 2020, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trực tiếp cáo buộc Bắc Kinh, qua trung gian các doanh nghiệp Trung Quốc, « đánh cắp công nghệ » của phương Tây để phục vụ cho quân đội.

Điển hình là trường hợp của công ty Kuang-Chi trụ sở tại Thâm Quyến. Hãng này do một doanh nhân Trung Quốc từng được đào tạo tại Mỹ điều hành. Kuang-Chi cộng tác với nhiều hãng của Mỹ, của Israel, Canada, châu Âu và cả tại Singapore, đầu tư hàng triệu đô la để phát triển những ứng dụng mà bên quân đội Trung Quốc có thể khai thác. 

Túi tiền vô hạn

Ngoài việc gài người thân tín vào guồng máy Đảng để theo dõi, xây dựng một cố máy công nghiệp quốc phòng hiện đại, Trung Quốc đương nhiên còn có một « túi tiền không đáy ».

Theo thẩm định của CNAS, trong thời gian từ 2015-2019, Trung Quốc đã tài trợ hơn 68 tỷ đô la cho ít nhất « 35 quỹ đầu tư » kết nối các doanh nghiệp tư nhân với các bộ phận hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Trong ba năm gần đây, khó tìm được thống kê về ngân sách của Trung Quốc cho lĩnh vực này, nhưng « điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đã khóa van tín dụng ».

Bên cạnh mục tiêu tự chủ về công nghệ cao, « độc lập với công nghệ » của Âu- Mỹ, nhiều nguồn tin tại Trung Quốc được Financial Times trích dẫn cho biết Bắc Kinh còn có tham vọng trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự cho một phần của thế giới, cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ trên lĩnh vực này. Tờ báo Anh cho biết, « tại một cuộc triển lãm tại Hoa Lục, một người trong cuộc đã hào hứng tuyên bố là công nghệ của Trung Quốc giờ đây còn cao cấp hơn cả của phương Tây » và « nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí Trung Quốc đang có hẳn một chiến lược xuất khẩu ».

Tập đoàn Inner Mongolia First Machinery Group chẳng hạn đang đi tìm những khách hàng mới ở Châu Á, Châu Phi và Trung Đông, « thậm chí có thể lấp vào chỗ trống mà Nga và Ukraina » đang để ngỏ.

Hai chuyên gia Đài Loan Arthur Ding và Tristan Tang trong nghiên cứu gần đây thực hiện cho Quỹ Jamestown của Mỹ kết luận, với chiến lược đẩy mạnh hợp tác giữa hai lĩnh vực công nghiệp dân sự và quân sự mà ông Tập Cận Bình đang theo đuổi, « Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường quân sự đáng gờm hơn nữa ». Công nghệ quốc phòng của nước này sẽ được phát triển một cách « hiệu quả hơn » và đây sẽ thực sự là « một thách thức quân sự lớn đối với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc cũng như đối với Hoa Kỳ ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.