Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - MỸ - TÊN LỬA

Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác phát triển vũ khí đánh chặn tên lửa bội siêu thanh

Nhằm chống lại các loại tên lửa bội siêu thanh do Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên chế tạo, hai đồng minh Mỹ và Nhật Bản sẽ nhất trí hợp tác với nhau để phát triển loại vũ khí đánh chặn.

Ảnh minh họa : Tên lửa siêu thanh được Bắc Triều Tiên bắn thử ngày 05/01/2022.
Ảnh minh họa : Tên lửa siêu thanh được Bắc Triều Tiên bắn thử ngày 05/01/2022. AP
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, trích dẫn tờ báo Nhật Yomiuri ngày 13/08/2023, thỏa thuận trên vấn đề này dự kiến sẽ được tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Fumio Kishida thông qua bên lề thượng đỉnh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn mở ra ngày 18/08 tại Hoa Kỳ.

Theo Reuters, tại cuộc gặp 2+2 giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ và Nhật Bản vào tháng Giêng vừa qua, Washington và Tokyo đã nhất trí nghiên cứu kế hoạch phát triển loại tên lửa này.

Thỏa thuận về phát triển vũ khí chống tên lửa bội siêu thanh dự kiến thông qua trong ngày 18/08 sẽ là thỏa thuận Mỹ-Nhật thứ hai trong lĩnh vực công nghệ phòng thủ tên lửa. Trước đó, hai bên đã đồng ý phát triển một loại tên lửa tầm xa nhằm đánh chặn các đầu đạn trong không gian.

Tokyo dự trù triển khai loại tên lửa tầm xa này trên các chiến hạm của họ ở vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên để đề phòng những cuộc tấn công bằng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Khác với tên lửa đạn đạo - vốn bay theo quỹ đạo có thể đoán trước khi được phóng đến mục tiêu - tên lửa bội siêu thanh (tiếng Anh là hypersonic) có thể thay đổi đường bay nên khó bị đánh chặn hơn. Loại tên lửa này cũng khó đối phó hơn vì bay với tốc độ từ 5 đến 25 lần tốc độ âm thanh (Mach 5 - Mach 25), cao hơn gấp bội so với loại vũ khí nguy hiểm khác gọi là siêu âm hay siêu thanh (supersonic), có tốc độ từ Mach 1 tới dưới Mach 5.

Cho đến nay, đã có ít nhất ba đối thủ của Mỹ và Nhật Bản được cho là đã và đang phát triển loại vũ khí bội siêu thanh: Nga với tên lửa hành trình Zircon 3M22 hay Kinzhal Kh-47M2, Trung Quốc với loại phương tiện lượn bội siêu thanh DF-ZF gắn trên tên lửa DF-17, và Bắc Triều Tiên với tên lửa Hwasong-8 gắn trên một phương tiện lượn bội siêu thanh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.