Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - VŨ KHÍ

Chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc đã được nâng cấp như thế nào?

Những nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang mang lại kết quả, với một loạt chiến hạm và chiến đấu cơ được tối tân hóa trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng khốc liệt và căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan.

Ảnh minh họa chụp từ video: Chiếc Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, được hạ thủy tại Thượng Hải ngày 17/06/2022.
Ảnh minh họa chụp từ video: Chiếc Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, được hạ thủy tại Thượng Hải ngày 17/06/2022. AFP - -
Quảng cáo

Ngày 18/09/2023, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal báo động: “Tên lửa bội siêu thanh là loại vũ khí có tác dụng thay đổi cuộc chơi, thế nhưng Mỹ lại chưa sở hữu được”. Tờ báo ghi nhận rằng Quân Đội Mỹ đã dồn tiền của vào loại vũ khí cực nhanh này, nhưng gặp khó khăn trong việc phát triển đến nơi đến chốn. Trong khi đó thì Nga và Trung Quốc đã đi trước rất xa.

Nhận định của tờ báo Mỹ xác thực đến đâu là điều còn bỏ ngỏ, nhưng thực tế hiển nhiên là trong trường hợp của Trung Quốc, như đánh giá của hãng tin Anh Reuters ngày 21 tháng 9/2023, những nỗ lực hiện đại hóa quân sự bắt đầu từ hàng chục năm qua đang mang lại kết quả, với một loạt chiến hạm và chiến đấu cơ được tối tân hóa trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng khốc liệt và căng thẳng gia tăng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan.

Hộ tống hạm tàng hình 054B

Trong bài phân tích về các thiết bị quân sự và vũ khí đã được Trung Quốc nâng cấp, Reuters đặc biệt nêu bật các bước tiến mới của Trung Quốc trong lãnh vực hải quân, đặc biệt với một loại hộ tống hạm mới có tầm hoạt động rộng hơn, di chuyển nhanh hơn, và khả năng tàng hình cao hơn.

Theo ghi nhận của Reuters, vào cuối tháng 8 vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc và Hồng Kông đồng loạt đưa tin Trung Quốc đã tung ra loại hộ tống hạm lớp Type-054B, một phiên bản lớn hơn và tiên tiến hơn loại tàu hộ tống lớn nhất của họ hiện nay là Type-054A. Các chuyên gia được báo chí Trung Quốc trích dẫn cho biết là loại hộ tống hạm Type 054B mới có thể được trang bị động cơ điện tích hợp (IEP). radar tiên tiến hơn với khả năng phát hiện tốt hơn và hệ thống năng lượng kết hợp diesel và khí đốt giúp cho tàu khó bị phát hiện hơn.

Hộ tống hạm mới có lượng giãn nước khoảng 6.000 tấn – tức là hơn 2.000 tấn so với tàu 054A hiện tại. Loại tàu này cũng được trang bị loại đại bác chính 100mm, thay thế cho loại 76mm trên chiếc 054A. Tàu mới dài khoảng 147 mét, rộng 18 mét, trong khi tàu 054A chỉ dài 134,1 mét và rộng 15,2 mét.

Hộ tống hạm Type 054B được cho là sẽ di chuyển nhanh hơn, đi xa hơn và khó bị phát hiện hơn, giúp chiến hạm này thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chống tàu ngầm, đồng thời có thể được sử dụng như một tàu hộ tống tàu sân bay.

Theo Reuters, giới chuyên gia phân tích phương Tây thường cho rằng Trung Quốc đã tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống tàu ngầm, vốn rất quan trọng để bảo vệ các hoạt động tầm xa của tàu sân bay.

Một phương tiện truyền thông dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết hộ tống hạm mới có thể hoạt động như một "khu trục hạm mini".

Dĩ nhiên là loại hộ tống hạm mới này sẽ phải trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển sau khi được hạ thủy. Theo báo chí Trung Quốc, hai chiếc hộ tống hạm thuộc lớp Type-054B đang được hoàn tất tại các xưởng đóng tàu ở Thượng Hải và Quảng Châu.

Tàu sân bay thứ ba chuẩn bị thử nghiệm trên biển

Trong lãnh vực hải quân, Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn cuối chuẩn bị cho chiếc tàu sân bay thứ ba mang tên là Phúc Kiến (Fujian) - được thiết kế và sản xuất trong nước - chạy thử trên biển, một bước quan trọng trước con tàu này đi vào hoạt động.

Theo ghi nhận của Reuters, gần đây, trên mạng xã hội, đã xuất hiện các hình ảnh về chiếc hàng không mẫu hạm chạy bằng động cơ thông thường đang được chế tạo cập cảng tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải. Các bức hình cho thấy các công trình xây dựng phía trên ba đường ray của hệ thống phóng máy bay bằng máy phóng điện từ - tính năng lớn nhất của tàu sân bay - gần đây đã bị xóa.

Theo nhật báo Hồng Kông SCMP ngày 07/09 vừa qua, tàu sân bay Phúc Kiến rất có thể sẽ được giao cho Hải Quân Trung Quốc vào năm 2025 như dự kiến. Trong năm nay, Phúc Kiến đã trải qua các cuộc thử nghiệm động cơ đẩy và neo đậu, bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm trên biển.

Các hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc được các quân đội trong khu vực theo dõi chặt chẽ. Một số tùy viên quân sự cũng như giới phân tích lưu ý rằng Hải Quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để làm chủ các hoạt động phức tạp cần thiết để bảo vệ các tàu khi hoạt động ngoài khơi xa.

Tàu đổ bộ tấn công Type 075

Ngoài chiến hạm và tàu sân bay, Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc nâng cấp các loại tàu đổ bộ tấn công, một nhân tố tối cần thiết nếu Bắc Kinh muốn thôn tính Đài Loan. Theo Reuters, các hình ảnh trên mạng và truyền thông đã nhận thấy sự thay đổi trong quy trình sản xuất tàu đổ bộ tấn công Type 075 của Trung Quốc.

Trung Quốc có ba chiếc tàu như vậy, được coi là rất quan trọng cho một cuộc tấn công đảo Đài Loan có thể xảy ra. Trung Quốc tuyên bố hòn đảo được quản lý dân chủ này là lãnh thổ của riêng mình, những tuyên bố bị Đài Loan bác bỏ.

Một phương tiện truyền thông dẫn lời một chuyên gia cho biết quy trình mới cho thấy tàu chiến có thể được nâng cấp với động cơ đẩy điện tích hợp, giống như của tàu Phúc Kiến, nhằm tăng cường khả năng tấn công trên không của tàu.

Hiện Trung Quốc đã có các tàu đổ bộ tấn công Type 075, nhưng số lượng hiện tại mới chỉ có 3 chiếc, rất có thể trong tương lai sẽ đóng thêm một số tàu nữa.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo SCMP ngày 05/09 vừa qua, đối với Quân Đội Trung Quốc, tàu đổ bộ lớp Type 075 hiện tại vẫn còn một số khiếm khuyết, hoặc vẫn còn một số công nghệ mà Trung Quốc đã có được nhưng chưa được sử dụng trên Type 075, chẳng hạn như máy phóng điện từ.

Nhiều người đã rất chú ý đến tin tức về "tàu đổ bộ tấn công kiểu máy phóng điện từ" của Trung Quốc, cộng với việc UAV trở nên nổi bật trên chiến trường Nga-Ukraina; nhiều người bắt đầu tin rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ tung ra một kiểu tàu đổ bộ tấn công có thể phóng một số lượng lớn máy bay không người lái để cải thiện đáng kể năng lực tác chiến đổ bộ của PLA.

Động cơ máy bay và trực thăng mạnh hơn

Trung Quốc đang tiến hành các chuyến bay thử nghiệm quy mô nhỏ cho một chiến đấu cơ tàng hình J-20 được trang bị động cơ WS-15 mới. Theo truyền thông Trung Quốc, tháng 7 vừa qua, chiếc phi cơ này, được trang bị hai động cơ WS-15 sản xuất trong nước, đã bay thử nghiệm.

Động cơ mới, thay thế cho WS-10C cũ, nhằm mang lại cho J-20 lực đẩy mạnh hơn, tốc độ cao hơn, khả năng bay siêu thanh mà không cần sử dụng bộ đốt sau ngốn nhiên liệu và tầm bay xa hơn. Điều đó có thể đặt các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam trong tầm bắn của J-20.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia nói rằng có nhiều khả năng là động cơ mạnh hơn cũng đang được phát triển.

Ngoài ra, Trung Quốc đã trưng bày động cơ trực thăng tua-bin công suất 1.100 kilowatt tại triển lãm máy bay trực thăng ở Thiên Tân vào tuần trước. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với Reuters rằng động cơ công suất cao lần đầu tiên được trưng bày là chìa khóa cho sự phát triển máy bay trực thăng hạng trung và hạng nặng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu trong việc phát triển máy bay trực thăng cỡ lớn, có thể chở nhiều vũ khí và hàng hóa hơn. Loại trực thăng này cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển nhân sự và thiết bị trong các tình huống xung đột.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.