Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MIẾN ĐIỆN

Bộ trưởng Công An Trung Quốc tới Miến Điện sau khi xẩy ra xung đột ở biên giới hai nước

Sau cuộc xung đột nổ ra từ ngày 27/10, ở bang Shan, đông bắc Miến Điện, tiếp giáp với Trung Quốc, truyền thông chính quyền Miến Điện cho biết hôm nay, 31/10/2023, bộ trưởng bộ Công An Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (Wáng Xiǎo Hóng), đã đến Naypyidaw để gặp giới tướng lãnh cầm quyền Miến Điện thảo luận về an ninh.

Ảnh minh họa : Bộ trưởng Nội Vụ Miến Điện, Yar Pyae (T) và phó chủ tịch đảng Tiến Bộ Nhà nước Shan (SSPP), Sao Khun Saing tại Naypyidaw, Miến Điện, ngày 21/03/2019.
Ảnh minh họa : Bộ trưởng Nội Vụ Miến Điện, Yar Pyae (T) và phó chủ tịch đảng Tiến Bộ Nhà nước Shan (SSPP), Sao Khun Saing tại Naypyidaw, Miến Điện, ngày 21/03/2019. AP - Aung Shine Oo
Quảng cáo

Trang báo Global New Light của chính quyền Miến Điện đưa tin bộ trưởng Công An Trung Quốc, Vương Tiểu Hồng đã gặp bộ trưởng Nội Vụ Miến Điện, tướng Yar Pyae, ở Naypyidaw, để thảo luận « về hòa bình tại các khu vực biên giới giữa hai nước, cũng như hợp tác trong việc áp dụng luật an ninh ». 

Trong vụ xung đột nổ ra từ hôm 27/10, một liên minh vũ trang gồm 3 sắc tộc (Quân đội Giải phóng Quốc gia Taaung - TNLA), Quân đội Arakan - AA và Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện - MNDAA) đã tổ chức một loạt cuộc tấn công tại bang Shan, khu vực mà Bắc Kinh đã tài trợ để phát triển dự án Con đường Tơ lụa Mới.

Theo AFP, liên minh này cho biết đã chiếm được nhiều vị trí quân sự và các tuyến đường chiến lược. Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 000 chiến binh tham gia vào liên minh này, « nhằm chống lại lực lượng của chính phủ để giành quyền tự chủ, kiểm soát tài nguyên ».

Cho đến hôm nay, 31/10, Quân đội Giải phóng Quốc gia Taaung, thuộc liên minh nói trên, tuyên bố đang chiến đấu với quân đội Miện Điện, cách thị trấn Lashio khoảng 40 km, khu vực đặt bộ chỉ huy phía Đông Bắc của quân đội Miến Điện.

Trong 4 ngày giao tranh tại miền bắc Miến Điện, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 6000 người đã phải đi lánh nạn, nhiều người đã phải sang Trung Quốc.

Miến Điện muốn hồi hương người tị nạn Rohingya ở Bangladesh

Vẫn về thời sự tại Miến Điện, hôm nay, theo AFP, một phái đoàn gồm các quan chức Miến Điện đã đến Bangladesh để thảo luận về việc « hồi hương người Rohingya ». Quan chức Bangladesh cho biết Miến Điện có kế hoạch « nhận lại khoảng 3000 người tị nạn Rohingya vào tháng 12/2023 », theo một thỏa thuận từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Bangladesh, xin ẩn danh, trả lời AFP, nhận định rằng nhiều người Rohingya « vẫn chưa sẵn sàng rời đi ». Các lãnh đạo cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Đông Nam Á này từ lâu, đã tuyên bố chỉ trở về Miến Điện khi được cấp quyền công dân (vốn bị tước đi từ 2015) và có thể định cư trên chính mảnh đất của họ.

Vào năm 2017, sau cuộc đàn áp bạo lực của quân đội Miến Điện, khoảng một triệu người Rohingya đã phải đến tị nạn ở Bangladesh, sống chen chúc trong các khu lều tạm bợ, điều kiện vệ sinh tồi tàn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.