Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - TRUNG QUỐC - XUNG ĐỘT

Trung Quốc thuyết phục được các phe tham chiến ở miền Bắc Miến Điện ngừng bắn

Chính quyền Bắc Kinh vào hôm qua, 14/12/2023 cho biết : Nhờ trung gian hòa giải của Trung Quốc, các nhóm vũ trang thuộc một số sắc tộc thiểu số ở miền bắc Miến Điện và quân đội chính phủ đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn tạm thời để tiếp tục đối thoại.

(Ảnh do truyền thông mạng Kokang cung cấp) - Một binh lính trong liên minh nổi dậy chống tập đoàn quân sự cầm quyền, tại bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023.
(Ảnh do truyền thông mạng Kokang cung cấp) - Một binh lính trong liên minh nổi dậy chống tập đoàn quân sự cầm quyền, tại bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023. AP
Quảng cáo

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, “gần đây, nhờ sự hòa giải của Trung Quốc, quân đội Miến Điện” và các lực lượng nổi dậy đã tham gia “đàm phán hòa bình ở Trung Quốc”. Theo bà Mao Ninh, các bên “đã đạt được thỏa thuận trên một số điểm nhất định, đặc biệt là về một lệnh ngừng bắn tạm thời và việc duy trì đối thoại”.

Cũng theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc: “Xung đột ở miền bắc Miến Điện đang có xu hướng giảm bớt rõ ràng” và tình hình đó “không chỉ phục vụ lợi ích của tất cả các bên liên quan ở Miến Điện mà còn giúp đảm bảo hòa bình và yên tĩnh ở vùng biên giới Trung Quốc-Miến Điện”.

Theo hãng tin Pháp AFP, chiến sự đã bùng lên dữ dội kể từ cuối tháng 10 vừa qua ở miền Bắc Miến Điện, giáp giới với Trung Quốc, sau khi ba nhóm võ trang mang tên Quân Đội Dân Tộc Arakan (AA), Quân Đội của Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Myanmar (MNDAA) và Quân Đội Giải Phóng Dân Tộc Ta'ang (TNLA) thành lập một liên minh và phát động những cuộc tấn công chung chống lại chính quyền trung ương.

Lực lượng phiến quân đã bước đầu thành công, chiếm được một số vị trí của quân đội chính phủ, thị trấn và trung tâm thương mại quan trọng của Miến Điện ở vùng giáp giới Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công đó là thách thức quân sự nghiêm trọng nhất đối với chính quyền kể từ cuộc đảo chánh vào năm 2021, lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.