Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - XUẤT KHẨU VŨ KHÍ

Nhật Bản nới lỏng quy định về xuất khẩu vũ khí

Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản được quyền xuất khẩu vũ khí. Ngày 22/12/2023 Tokyo thông báo « nới lỏng » quy định về xuất khẩu trang thiết bị quân sự. Quyết định này mở đường cho việc cung cấp cho Ukraina một số vũ khí của Nhật, trong đó có hệ thống phòng không Patriot do Hoa Kỳ chế tạo. Washington « hoan nghênh » bước tiến mới này của chính quyền Fumio Kishida.

Ảnh minh họa: Xe tăng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận trên đảo Hokkaido, ngày 07/12/2021.
Ảnh minh họa: Xe tăng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận trên đảo Hokkaido, ngày 07/12/2021. AP - Eugene Hoshiko
Quảng cáo

Nội các Nhật Bản giải thích các điều khoản mới cho phép chính quyền Tokyo « chuyển giao trang thiết bị phòng thủ thích hợp cho nước ngoài và việc này sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh quốc tế, sẽ củng cố hợp tác với các đồng minh và Mỹ trong các vấn đề an ninh ». Một quan chức Nhật tin xin được giấu tên cho hãng tin AFP biết, giờ đây, Tokyo « có thể xuất khẩu vũ khí sản xuất tại chỗ cũng như vũ khí của Hoa Kỳ ». Cụ thể là Tokyo chuyển giao hệ thống phòng không Patriot do Hoa Kỳ chế tạo cho Ukraina. Nhật Bản sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa địa đối không Patriot PAC3 với sự đồng ý của nhà sản xuất Mỹ Lockheed Martin.

Quyết định này quan trọng ở chỗ Washington là nguồn cung cấp vũ khí chủ chốt cho quân đội Ukraina. Giờ đây Mỹ đang huy động các đồng minh vốn đang nắm giữ trang bị quân sự và vũ khí đạn dược do Hoa Kỳ chế tạo để tiếp sức cho Kiev. Nhà Trắng đang lao vào cuộc đọ sức với bên Lập Pháp và nhất là Hạ Viện Hoa Kỳ để tháo khoán một gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la cho Ukraina. Đàm phán đang lâm vào bế tắc trong lúc Ukraina khẩn cấp cần thêm đạn dược và vũ khí để đối mặt với quân Nga.

Do vậy tổng thống Joe Biden ngay chiều qua lập tức « hoan nghênh » quyết định quan trọng này của Nhật. Cố vấn An Ninh Quốc Gia của phủ tổng thống Hoa Kỳ ông Jake Sullivan tuyên bố việc Nhật Bản có thể xuất khẩu trang thiết bị quân sự cho phép « tăng cường an ninh của Nhật Bản đồng thời giúp Mỹ duy trì khả năng răn đe và đáp trả ».

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật hiện tại có chỗ đứng rất khiêm tốn, với doanh thu chưa đầy 20 tỷ đô la một năm và chỉ để phục vụ cho quân đội Nhật. Từ 2014 cố thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực vận động sửa đổi một số điều khoản trong bản Hiến Pháp để cho phép Tokyo cũng được quyền xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự.

AFP ghi nhận những tiến triển mới này cho thấy Washington càng lúc càng huy động thêm các đồng minh chung tay với Mỹ, cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraina. Trước Nhật Bản, Washington đã thuyết phục được Hàn Quốc và Seoul đã « kín đáo cung cấp hàng trăm ngàn đầu đạn cho Kiev trong năm nay »

Cùng lúc điều chỉnh quy định về xuất khẩu vũ khí, cũng hôm qua chính phủ Nhật đã thông qua ngân sách quốc phòng hơn 56 tỷ đô la cho tài khóa sắp mở ra vào tháng 3/2024. Đây là ngân sách lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản. Thủ tướng Fumio Kishida đề ra mục tiêu  từ nay đến, 2027 Nhật Bản sẽ « nhân lên gấp đôi » các khoản chi phí quốc phòng để đạt « tiêu chuẩn 2 % GDP như quy định của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.