Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Lần đầu tiên một cựu tổng thống Đài Loan đến thăm Bắc Kinh

Lần đầu tiên sau khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1949, một cựu tổng thống Đài Loan đến thăm Bắc Kinh. Ông Mã Anh Cửu đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón long trọng hôm qua, 10/04/2024, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/04/2024.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/04/2024. © Ju Peng/Xinhua via AP
Quảng cáo

Về chuyến thăm Bắc Kinh này, hôm nay, theo Reuters, ông Mã Anh Cửu nhận định Đài Loan và Trung Quốc có thể “giải quyết những bất đồng trong hòa bình”. Cựu tổng thống Đài Loan cũng hy vọng giới trẻ Đài Loan có thể “gạt bỏ hệ tư tưởng sang một bên và nhận thức được mối liên hệ lịch sử và văn hóa giữa hòn đảo và Hoa Lục”. Truyền thông Trung Quốc cũng rầm rộ đưa tin và cho rằng chuyến thăm của ông Mã Anh Cửu nhằm mục đích “thống nhất” hòn đảo với Trung Quốc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :

« Trong dịp này, bộ máy tuyên truyền Trung Quốc đã nỗ lực mô tả với nhiều cảm xúc hình ảnh hai lãnh đạo cao tuổi được bao quanh là một nhóm sinh viên trong phái đoàn Đài Loan, gật đầu đồng tình, trái ngược với những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trong những tháng vừa qua. Hình ảnh có vẻ yên bình, thanh thản này được tất cả các phương tiện truyền thông Trung Quốc loan tải rộng rãi hôm qua.

Như vậy là chính quyền Cộng Sản muốn dùng truyền thông để đáp trả chiến thắng của đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tháng 1 năm nay. Tập Cận Bình tuyên bố : « Người dân ở hai bên eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc. Không có bất cứ bất đồng nào cần phải giải quyết, không có vấn đề nào cần phải thảo luận và không có bất cứ lực lượng nào có thể chia cắt chúng ta ». Chủ tịch Trung Quốc muốn nêu bật hình ảnh « một gia đình » cùng chống lại « những can thiệp từ bên ngoài ».

Ông Tập Cận Bình nói thêm : « Những khác biệt giữa hai chế độ không làm thay đổi một thực tế, đó là hai bên eo biển Đài Loan đều thuộc về một quốc gia. » Lãnh đạo Trung Quốc gọi Mã Anh Cửu là ‘ông’ để tránh gọi bằng chức danh cựu tổng thống từ 2008-2016. Cho tới nay, cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều không chính thức công nhận chính phủ của nhau.

Ông Mã Anh Cửu đáp lại rằng « một cuộc chiến mới giữa hai bên sẽ là một gánh nặng quá lớn đối với đất nước Trung Hoa, trong bối cảnh các chiến hạm và máy bay Trung Quốc đã tăng cường hoạt động gần hòn đảo trong những tuần vừa qua. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một trong các tỉnh cần phải thống nhất với Hoa Lục.

Bị loại khỏi chiến dịch tranh cử thất bại của Quốc Dân Đảng, đảng đối lập chính ở Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, 73 tuổi, bắt thăm Hoa Lục từ ngày 01/04, và gọi đây là chuyến đi vì hòa bình. Ông cũng đã từng gặp Tập Cận Bình ở Singapore vào năm 2015, hồi cuối nhiệm kỳ tổng thống. Ông vẫn chủ trương  đường lối hòa dịu với Trung Quốc, trái ngược với ý kiến của đa số cử tri Đài Loan. « Đồng bào hai bên eo biển Đài Loan luôn là một gia đình và nên đến thăm nhau thường xuyên và trở nên gần gũi, tình cảm hơn », như khẳng định của ông Tập Cận Bình, trong khi mà Bắc Kinh vẫn chưa cho phép dân Trung Quốc đi du lịch Đài Loan nếu không theo đoàn.

Chuyến thăm chính thức diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Washington, và tổng thống tân cử của đảng Dân Tiến Lại Anh Đức sẽ nhậm chức vào ngày 20/05. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.