Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - XUNG ĐỘT SẮC TỘC

Xung đột sắc tộc Kachin: Tổng thống Miến Điện ủng hộ quân đội

Hôm nay 11/01/2013, trong một phát biểu được truyền thông chính thống đăng tải, tổng thống Miến Điện khẳng định vai trò tích cực của quân đội nước này đối với « tiến trình hòa bình », trong bối cảnh chiến sự giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy Kachin có chiều hướng trở nên khốc liệt hơn. Thất bại trong thương thuyết giữa chính phủ và quân nổi dậy Kachin khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ thực tâm hòa bình của tổng thống Then Sein.

Binh sĩ Quân đội Kachin độc lập, Miến Điện (KIA)
Binh sĩ Quân đội Kachin độc lập, Miến Điện (KIA) AFP/Soe Than WIN
Quảng cáo

Trong bài phát biểu, tổng thống Miến Điện tuyên bố : « Trong khi chính phủ làm mọi việc có thể để thiết lập nền hòa bình trong cả nước, thì Tatmadaw (quân đội trong tiếng Miến Điện) không chỉ đổ máu và mồ hôi vì nền an ninh quốc gia, mà còn làm tất cả những gì có thể (…) cho tiến trình hòa bình ». Ông Thein Sein cũng nhấn mạnh : « Cánh cửa thương lượng ngưng bắn (với Tổ chức đòi độc lập cho Kachin – KIO) vẫn luôn để ngỏ ».

Từ hơn một năm nay, chính quyền Miến Điện, bao gồm nhiều cựu tướng lĩnh có tư tưởng cải cách, đã bắt đầu thương thuyết với các nhóm nổi dậy thuộc nhiều sắc tộc thiếu số, vốn xung đột với chính quyền trung ương từ năm 1948, tức là khi Miến Điện giành độc lập. Cho đến nay, các đàm phán với sắc tộc Kachin chưa đạt được kết quả.

Sau 17 năm hưu chiến, lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội Miến Điện lại tiếp tục đụng độ kể từ tháng 6/2011. Chiến sự càng trở nên khốc liệt hơn từ cuối tháng 12/2012, với việc quân đội đưa máy bay và trực thăng tham chiến.

Bất chấp các đàm phán, cũng như lệnh từ tổng thống quy định quân đội chỉ bắn trả khi bị tấn công trước, chiến sự vẫn dai dẳng. Một số nhà quan sát phỏng đoán rằng, trên thực tế, tổng thống Thein Sein không thực sự kiểm soát được quân đội Miến Điện, vốn là một thế lực hùng mạnh, đã từng chi phối toàn bộ cỗ máy quyền lực của quốc gia này, cách đây chưa đầy hai năm.

Nhà phân tích độc lập Mael Raynaud nhận xét : « Cho dù từ vài thập niên trở lại đây, chính quyền trung ương Miến Điện tập trung rất nhiều quyền lực trong tay, tuy nhiên, chính quyền vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, đặc biệt do uy quyền của các thủ lĩnh quân sự địa phương ».

Kể từ khi tập đoàn quân sự giải thể vào tháng 03/2011, chính phủ Miến Điện đã tiến hành nhiều cuộc cải cách ngoạn mục, nhưng chính quyền vẫn cần đến sự ủng hộ của giới quân nhân, vốn luôn là các đối tác hàng đầu. Nhà nghiên cứu độc lập kể trên nhấn mạnh là ông Thein Sein buộc phải « thỏa hiệp với quân đội ».

Thái Lan bắt hơn 400 người Rohingya và đe dọa trục xuất

Cũng liên quan đến Miến Điện, hôm nay, cảnh sát Thái Lan cho biết, đã bắt khoảng 400 người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya và đe dọa trục xuất về Miến Điện.

401 người Rohingya, trong đó có 11 phụ nữ và 12 trẻ em, đã bị bắt tại một đồn điền trồng cao su, tỉnh Sonkhla (nam Thái Lan), trong một đợt truy quét phối hợp giữa cảnh sát, quân đội và lực lượng kiểm soát nhập cư. Theo một viên chức cảnh sát, những người bị bắt từ Miến Điện đến Thái Lan bằng thuyền và chuẩn bị đi sang một « nước thứ ba », chủ yếu là sang Malaysia.

Liên Hiệp Quốc coi người Rohingya sống tại miền tây Miến Điện, với khoảng 800.000 thành viên, là một trong các sắc tộc thiểu số bị truy bức nhất hành tinh. Các bạo lực hồi đầu hè năm ngoái tại bang Rakhine giữa cộng đồng Rohingya theo đạo Hồi và những người theo đạo Phật, đã khiến ít nhất 180 người chết và 115.000 người phải đi lánh nạn. Theo tổ chức phi chính phủ The Arkan Project, hơn 10.000 người Rohingya đã tìm cách vượt biên để trốn khỏi Miến Điện kể từ tháng 10, nghĩa là cuối mùa mưa và khởi đầu mùa tỵ nạn bằng đường biển tại khu vực vịnh Bengal và Malaysia.

Tuần trước, hơn 70 người Rohingya đã bị Thái Lan trục xuất. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) lên án hành xử của Bangkok « trút bỏ nhanh nhất gánh nặng lên các nước khác ». HRW cũng hoan nghênh sự đón tiếp mà Malaysia giành cho những người tỵ nạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.