Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Đình công 2019 : Thêm một năm “đại hạn” cho giới kinh doanh, tiểu thương Pháp

Đăng ngày:

Hai năm 2018-2019 không phải là hai năm thuận lợi cho dân Pháp vào mùa lễ cuối năm. Cho dù ánh đèn trang trí vẫn lung linh trên phố, các cửa hàng cửa hiệu vẫn trưng bày rất bắt mắt, lời ca tiếng nhạc vẫn réo rắt, nhưng ẩn sau những nụ cười đon đả đón khách là nỗi lo “thất thu” của người làm nghề kinh doanh, buôn bán, cho dù đây là mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm.

Cảnh hỗn loạn trong một cuộc biểu tình chống cải cách hưu trí tại quảng trường République, Paris ngày 05/12/2019.
Cảnh hỗn loạn trong một cuộc biểu tình chống cải cách hưu trí tại quảng trường République, Paris ngày 05/12/2019. Alain JOCARD / AFP
Quảng cáo

Tháng 11-12 hàng năm là thời điểm các gia đình tấp nập đưa nhau đi sắm sửa chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và đón năm mới, mua sắm quà cáp lễ tết cho người thân, đặc biệt là con trẻ và chuẩn bị cho những bữa tiệc cuối năm. Thế nhưng, từ ngày 17/11/2018, với phong trào đấu tranh Áo Vàng vào thứ Bảy hàng tuần, nạn tấn công bạo lực, đốt phá, cướp bóc, hôi của bùng lên, khiến nhiều người dân tránh ra đường cuối tuần, các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng ở những khu vực trên lộ trình tuần hành của người Áo Vàng ế ẩm, vắng khách, thậm chí còn mất mát, thiệt hại nhiều do bị cướp phá.

Chưa kịp hồi phục sau “cơn lốc” mang tên Áo Vàng, các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, bảo tàng, nhà hát … lại đối mặt với nỗi lo vắng khách do ảnh hưởng của phong trào đình công chống cải tổ chế độ hưu trí kéo dài từ ngày 05/12/2019, nhất là phong trào đình công của ngành giao thông công cộng khiến nhiều tuyến tàu xe bị tê liệt, đặc biệt là ở vùng Paris, nơi đình công diễn ra mạnh mẽ nhất.

Đương nhiên, phong trào đình công không nhắm trực tiếp vào lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, biểu diễn … nhưng lại một lần nữa gián tiếp đẩy giới tiểu thương, những người hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, văn hóa ở Pháp vào cảnh khó khăn. Nhiều tiểu thương, đại diện các Liên hiệp ngành nghề còn nhận định tác động của phong trào đình công ở Paris còn nặng nề hơn so với phong trào Áo Vàng năm ngoái, bởi vì người Áo Vàng chỉ biểu tình vào cuối tuần còn nạn đình công thì ngày nào cũng lặp lại suốt từ đầu tháng.

“Cơn ác mộng” mùa Giáng Sinh

Chỉ một hôm sau khi phong trào đình công nổ ra, giới tiểu thương đã thấy rõ tác hại và cảm thấy những bất trắc đang chờ họ phía trước. Trả lời báo Le Parisien ngày 06/12/2019, bà Isabelle, chủ một cửa hàng ở quận 15, Paris lo lắng cho biết : « Tôi nghĩ là mọi thứ hôm nay đều phức tạp. Hôm nay mọi người đều phải đi làm nên khi chiều tối, khi họ trở về thì mọi chuyện tối nay có thể rất khó khăn. Khách hàng mà chúng tôi thường có vào tầm sau 17 giờ thì hôm nay chắc là sẽ phức tạp, rất khó khăn. Chúng tôi không chắc là tương lai sẽ thế nào. Chuyện này rất phức tạp. Năm ngoái, cũng vào cùng kỳ này, có phong trào Áo Vàng nên mọi người khi đó cũng không ra khỏi nhà nữa ».

Còn ông Abdelrahim, chủ một cửa hiệu khác, phàn nàn : « Không, khẳng có khách nào cả. Đúng là thảm họa, thật là thê thảm. Chúng tôi vẫn mở cửa nhưng cũng chẳng được gì cả. Mọi người hoặc đang đi biểu tình, hoặc đang trên đường đi. Chắc chắn là cửa hàng vẫn phải mở cửa nhưng mà để làm gì cơ chứ ? Chị thấy đấy, chúng tôi bày biện lại quầy kính trưng bày hàng, chúng tôi sắp đặt lại chờ thời gian trôi đi thôi. Vậy đấy! Nếu cứ thế này, tôi dùng từ này có lẽ nặng quá, nhưng đúng là nếu cứ tiếp tục thế này tức là chúng tôi đang chết dần, chết dần chết mòn. »

Bà Chira, chủ một cửa hàng ở trung tâm thương mại Beaugrenelle, quận 15, Paris bực bội phát biểu trên kênh France Info ngày 11/12/2019 :

« Tôi đã chán ngấy phong trào đình công này rồi. Tôi đã mất 4 tiếng đồng hồ để đến được chỗ làm. Còn các nhân viên bán hàng của tôi, vẫn chưa có ai đến cả. Họ không thể đến cửa hàng được vì không có tàu RER mà cũng không có phương tiện chuyên chở nào khác. Tôi đã mất rất nhiều doanh thu bởi vì có rất nhiều khách hàng không có phương tiện chuyên chở công cộng đưa họ đến đây được. (Phong trào đình công này) phải ngưng lại ngay. Chỉ đơn giản như vậy thôi ! »

Người dân Paris, người thì còn mải đình công, biểu tình, hô khẩu hiệu chống cải tổ hưu trí, rồi vì đình công mà thu nhập giảm sút không còn mặn mà với việc mua sắm … Những người không đình công thì phải khổ sở chen chúc tàu xe, thậm chí là đi bộ, ngày dăm ba tiếng như vậy để đi làm rồi lại từ cơ quan về nhà khiến họ cũng chẳng còn sức lực, tâm trí nào mà đi mua bán, sắm sửa. Theo Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Paris, nhìn chung, lượng khách của các cửa hàng giảm 30%, các cơ sở kinh doanh ở gần các nhà ga lớn, hay trên lộ trình các cuộc tuần hành thậm chí còn giảm tới 80% khách.

Trên thực tế, trong ba ngày diễn ra các cuộc biểu tình quy mô toàn quốc chống cải tổ hưu trí, sở Cảnh Sát Paris đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng nằm trên đường đoàn người tuần hành đi qua, đề phòng xảy ra nạn bạo động, cướp phá như đã từng xảy ra hồi năm ngoái với phong trào Áo Vàng.

Không chỉ mất khách, các cơ sở kinh doanh buôn bán, nhà hàng còn mối lo khác là nhân viên không thể đến làm việc hoặc đến muộn giờ do giao thông khó khăn. Nhiều chủ nhà hàng, tiệm uốn tóc, để đảm bảo có nhân viên phục vụ khách, phải chi tiền túi thuê taxi cho nhân viên đi hay thuê khách sạn cho họ ở trọ qua đêm. Đó là trường hợp của anh Erwan Dobbs, chủ nhà hàng Le Vesseau Vert ở quận 15, Paris.

Số khách đặt bàn ăn tại nhà hàng của anh đạt mức thấp nhất 5 năm qua do nạn đình công. Trả lời đài France Info, anh Erwan Dobbs cho biết vì hai đầu bếp ở vùng ngoại ô Saint Denis, cách rất xa nhà hàng, nên buổi tối, anh phải chi thêm 700 euro để thuê phòng khách sạn cho họ ở, vì theo anh thuê taxi còn đắt hơn nữa. Theo ông Frank Delvau, đồng chủ tịch nghiệp đoàn của giới chủ trong ngành nhà hàng khách sạn, UMIH, doanh thu của các nhà hàng giảm trung bình 40-70%.

Biện pháp hỗ trợ của chính quyền cho giới tiểu thương

Sau 1 tuần đình công, chính quyền Paris cho biết mức độ tiêu dùng, mua sắm ở Paris đã giảm 20-30%, nhưng theo ông Didier Kling, chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp của Paris và vùng phụ cận, điều đáng lo ngại hơn nữa vẫn đang ở phía trước. Ngay từ ngày 11/12/2019, ông Didier Kling nhấn mạnh là chính phủ cần đưa ra một kế hoạch khẩn cấp để hỗ trợ những tiểu thương bị « cơn địa chấn » đình công, biểu tình gây ảnh hưởng :

« Còn 15 ngày nữa (là đến Giáng Sinh). Tuần này khởi đầu không mấy suông sẻ, thuận lợi, không được để phong trào đình công và biểu tình tác động tiếp đến họ. Vì tháng 12 là tháng nhiều cửa hàng đạt doanh thu cao gấp đôi bình thường, điều này cũng có nghĩa là nhiều tiểu thương đã mua rất nhiều hàng. Nếu họ không bán hết hàng trong kho trong tháng 12, họ sẽ phải thanh toán hết tiền hàng trong khi họ không có nguồn thu. Rất có thể họ sẽ không thể thanh toán được số tiền đó. Những người làm công ăn lương có thể sẽ mất việc, đây là một mối nguy lớn ».

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với lĩnh vực du lịch và nhà hàng. Riêng đối với các nhà hàng tại Paris, doanh thu giảm tới 50%. Chính quyền Paris hôm 19/12 quyết định hỗ trợ các nhà hàng, quán xá 2,5 triệu euro, thông qua hình thức miễn thuế khai thác mặt bằng vỉa hè.

Bộ Tài Chính Pháp trước đó chục ngày đã kích hoạt lại chính sách trợ giúp, gọi là các biện pháp hỗ trợ « hậu Áo Vàng », cho những tiểu thương trong giai đoạn phong trào Áo Vàng bùng nổ dữ hội hồi cuối năm 2018, đầu năm 2019. Theo biện pháp này, những người kinh doanh buôn bán gặp khó khăn nặng nề do đình công, đặc biệt ở vùng Paris, sẽ được Nhà nước cho lùi hạn đóng thuế và các chi phí đóng góp xã hội, được mở cửa kinh doanh vào một số ngày Chủ Nhật trong tháng Giêng 2020 …

Tuy nhiên, nhiều người trong giới tiểu thương cho biết, điều họ cần nhất không phải là tiền hỗ trợ mà là khách hàng. Hiểu được nguyện vọng của họ, bà Agnès Pannier-Runacher, quốc vụ khanh Kinh Tế kêu gọi người dân Pháp « chìa tay giúp đỡ » những người buôn bán trong khu phố họ sinh sống, tức là mua sắm ở khu phố thuơng mại ngay gần nhà thay vì mua hàng trên mạng. Làm được như vậy, tức là người dân sẽ « giúp họ một cách đáng tự hào ».

Ông Pierre Goguet, thuộc Sở Thương Mại Và Công Nghiệp Pháp, nhắc lại là có 25.000 tiểu thương được hưởng chính sách « hậu Áo Vàng » của chính phủ, và cho đến nay họ vẫn còn đang trong cảnh bấp bênh. Quan chức này lo ngại sẽ có thêm nhiều tiểu thương phá sản vì nạn đình công cuối năm nay.

Ngành du lịch, khách sạn, biểu diễn, văn hóa cũng « thất thu » ở Paris

Trong những ngày người dân vùng Paris căng thẳng, mệt mỏi đến kiệt sức vì hệ thống giao thông công cộng tê liệt, thì chẳng mấy ai có thể thể thảnh thơi để buổi tối hay cuối tuần xem biểu diễn nghệ thuật, thăm thú các công trình văn hóa, lịch sử, bảo tàng … Nhiều buổi biểu diễn xiếc, ballet, nhạc kịch, hòa nhạc đã bị hủy. Tháp Effeil nhiều hôm phải đóng cửa, lâu đài Versailles cũng như nhiều bảo tàng giảm thời gian đón khách …

Lượng du khách quốc tế đến Pháp nói chung và Paris nói riêng cũng giảm sút. Nhiều khách, hoặc vì lo sợ, hoặc do ngành hàng không, đường sắt Pháp hủy chuyến, nên họ cũng phải hủy các tour du lịch, hủy phòng khách sạn. Ông Frank Delvau, đồng chủ tịch nghiệp đoàn của giới chủ trong ngành nhà hàng khách sạn, UMIH, cho biết nếu tỉ lệ đặt phòng khách sạn cuối năm 2018 giảm 13% do nạn Áo Vàng, thì năm nay, tỉ lệ này giảm 30-40%. Xung quanh các nhà ga lớn ở Paris như Gare du Nord, Gare de Lyon, Gare de Montparnasse, tỉ lệ kín phòng của các khách sạn chỉ đạt 50-60% so với tháng 12/2018, vốn khi đó đã bị ảnh hưởng không ít do nạn Áo Vàng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch do ngại những đợt biểu tình, đình công dai dẳng khiến hình ảnh nước Pháp và Paris không còn đẹp trong mắt du khách nước ngoài, gây bất lợi về lâu dài cho ngành du lịch Pháp, hiện đóng góp tới 7,2% cho GDP của đất nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.