Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tại sao chính quyền Pháp bị tố « thanh lọc xã hội » trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024 ?

Đăng ngày:

Tăng cường giải tỏa các trại tạm cư ở vùng Paris, di dời dân nhập cư và người vô gia cư đến các vùng khác, chính phủ Pháp bị nhiều hiệp hội tố cáo « thanh lọc xã hội », đẩy những người yếu thế, dễ bị tổn thương đi xa thủ đô để che giấu cảnh bần hàn trên đường phố, làm sạch đẹp bộ mặt Paris, trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè 2024.

Ngày 03/04/2024, một khu tạm cư trái phép của khoảng 50 di dân phía trước tòa đô chính Paris đã bị giải tỏa.
Ngày 03/04/2024, một khu tạm cư trái phép của khoảng 50 di dân phía trước tòa đô chính Paris đã bị giải tỏa. © AP - Nicolas Garriga
Quảng cáo

Liên Hiệp « Mặt trái của tấm huy chương » (Le revers de la médaille) ghi nhận các gia đình có con nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Liên Hiệp « Mặt trái của tấm huy chương » quy tụ 80 hiệp hội thiện nguyện, hỗ trợ người nhập cư, trong đó có những tổ chức nổi tiếng tại Pháp như Médecins du Monde, Secours catholique, Action contre la faim, Emmaüs …

Thế Vận Hội là lý do chính ?

Ông Paul Alauzy, điều phối viên về theo dõi tình hình sức khỏe của tổ chức Médecin du Monde, phát ngôn viên Liên Hiệp« Mặt trái của tấm huy chương » (Le revers de la médaille) nhấn mạnh trong chương trình tranh luận « Thế Vận Hội sẽ dẫn đến một sự suy thoái xã hội ? » trên đài RFI Pháp ngữ ngày 26/03 :

« Dùng từ ngữ như vậy (thanh lọc xã hội - nettoyage social) là nặng nề, nhưng xét đến số phận của những cá nhân đã bị đối xử tệ như vậy từ nhiều tháng nay ở Paris, ở vùng Île-de-France, tôi nghĩ rằng những từ ngữ này đã truyền tải đầy đủ ý nghĩa. Rõ ràng là có những vụ tấn công nhắm vào khu vực của những người đang trong tình cảnh bấp bênh ở Paris, hoặc là trên đường phố, hoặc là trong những khu nhà tạm và việc này xảy ra khắp vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận).

Từ cách nay nhiều tháng, chúng tôi thấy là đã có những chính sách ngược đãi những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta và những người đang sống trên đường phố, không nhà cửa. Và nay, chúng tôi thấy có sự tăng tốc, những phương pháp mới, và chúng tôi cũng thấy có những sự kiện mới đang diễn ra nhằm vào những người sống lang thang trên đường phố. Chúng tôi đã đọc và tìm hiểu tài liệu. Chuyện này hoàn toàn có liên quan đến việc Thế Vận Hội được tổ chức và sắp diễn ra.

Chẳng hạn, Nhà nước đã triển khai một hệ thống trung tâm tiếp đón (SAS) mới cấp vùng. Việc dỡ bỏ lán trại, giải tỏa các khu tạm cư ở Paris đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng từ khoảng gần một năm trở lại đây, ngay từ khi có các chuyến xe khách được điều đến để sơ tán những người sống ở các khu tạm cư nghèo khổ, khốn cùng đó, thì chúng tôi thấy những người này đều được đưa ra khỏi vùng Ile-de-France. Giải pháp lập khu tạm cư ngay tại vùng Paris hầu như không còn tồn tại. Điều này là có liên quan đến việc tổ chức Thế Vận Hội ».

Chính quyền Pháp bị chỉ trích về nhiều điểm

Chính phủ Pháp đã bác bỏ điều mà các hiệp hội nhân quyền gọi là sự « thanh lọc xã hội » trước thềm Olympic. Theo chính quyền Macron, chiến dịch di dời, giải tỏa này chỉ nhằm giảm tải cho Paris. Đồng thời, việc phân bổ di dân về các tỉnh cũng tạo thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính cho họ.

Thực ra, việc giải tỏa các khu tạm cư trái phép không phải chuyện bây giờ mới xảy ra ở Paris và vùng phụ cận. Le Monde ngày 11/04 trích báo cáo của Collectif Accès au droit, theo đó rất khó để khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch giải tỏa khu tạm cư, cưỡng chế di dân rời đi, với việc tổ chức Thế Vận Hội. Trên thực tế, từ trước tới nay, sở Cảnh sát vùng Paris vẫn thường có những chiến dịch quy mô lớn như vậy, nhưng Collectif Accès au droit cũng khẳng định xu hướng gia tăng mạnh chiến dịch giải tỏa. Đã có 33 vụ ở nội đô Paris giai đoạn từ tháng 04/2023 đến giữa tháng 03/2024, so với 19 vụ so với cùng kỳ năm trước. Collectif Accès au droit là đài quan sát về tình trạng vi phạm nhân quyền, không tiếp đón và nạn bạo lực của cảnh sát nhắm vào di dân đang phải sống lang thang trên đường phố Paris.

Chính quyền Pháp bị chị trích về cách thức tiến hành giải tỏa khu tạm cư, chẳng hạn là vào ban đêm khi mọi người đang ngủ, với sự tham gia của hàng trăm cảnh sát. Chính quyền cũng bị lên án về việc thiếu thông tin minh bạch, không quy hoạch các trung tâm đón tiếp người nhập cư (SAS) ngay tại vùng Paris mà chỉ lập « các trung tâm đón tiếp cấp vùng » ở những nơi xa Paris, gây khó khăn cho người nhập cư về việc tìm công việc, phải làm lại các thủ tục hành chính ở nơi mới … thậm chí nhiều tổ chức hỗ trợ di dân còn tố đây là « cái bẫy hành chính » mà chính quyền giăng ra.

Cách thu xếp, bố trí nơi tạm cư mới, phân bổ người bị di dời từ Paris về các trung tâm tiếp đón cấp vùng cũng bị cho là mang tính cưỡng chế, áp đặt một chiều. Le Monde ngày 20/03 cho biết trên toàn quốc có 10 trung tâm đón tiếp cấp vùng, được Nhà nước lập hồi tháng 04/2023. Theo báo 20 minutes ngày 03/03, người nhập cư không được lựa chọn, thậm chí khi lên xe cũng không biết mình sẽ được đưa đến đâu, được tiếp đón thế nào.

Những người bị di dời phải đứng trước lựa chọn, hoặc là phải lên xe để đi đến trung tâm ở các tỉnh theo sự phân bổ của Nhà nước, hoặc là sẽ không được bố trí chỗ ở tạm nữa. Nhưng thời gian họ được phép ở lại một trung tâm đón tiếp cấp vùng nào đó cũng chỉ kéo dài tối đa 3 tuần. Sau đó, họ đi đâu về đâu, sẽ tiếp tục được hỗ trợ thế nào ? Thông tin chính sách về lâu dài của Nhà nước Pháp bị xem là chưa đầy đủ, mù mờ.

Theo Liên Hiệp« Mặt trái của tấm huy chương », nhiều di dân sau khi chuyển đến các khu tiếp đón ở tỉnh, lại đành rời đi khi chưa hết 3 tuần theo quy định vì điều kiện ở đó không phù hợp, cho dù điều này sau đó sẽ khiến họ gặp rắc rối trong quá trình làm thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ hoặc đề nghị được bố trí nơi tạm cư mới. 

Chính quyền Paris : Trách nhiệm lập nơi ở khẩn cấp là của Nhà nước

Về trách nhiệm của Paris, thành phố đăng cai tổ chức Thế Vận Hội, cũng trên đài RFI Pháp ngữ, bà Léa Filoche, trợ lý của đô trưởng Paris, người chuyên trách về tương trợ, chỗ ở khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn, chống bất bình đẳng, khẳng định việc giải tỏa các khu tạm cư không phải do chính quyền thành phố triển khai mà là do sở cảnh sát cấp vùng Paris thực hiện. Chính quyền Paris cũng không có thẩm quyền trong việc lập các khu tạm cư khẩn cấp và phân bổ di dân, mà đây là việc của chính quyền trung ương.

Và chính trợ lý của đô trưởng Paris cũng muốn công việc quản lý này phải do Nhà nước thực hiện. Bởi vì theo bà có như vậy thì chính sách tiếp đón di dân mới công bằng và thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng do chính quyền địa phương thuộc đảng phái chính trị khác nhau mà chính sách đón tiếp di dân cũng mang tính vùng miền. Vả lại, chính quyền thành phố không tìm cách che đậy, giấu giếm cảnh sống khốn khổ, đáng buồn mà bà xem là một phần của cuộc sống đời thường ở Paris :

« Trước hết, Paris là một thành phố rất thường xuyên tổ chức các sự kiện cấp quốc gia, thậm chí là các sự kiện tầm vóc quốc tế. Trên thực tế, chúng tôi biết cách thực hiện, bởi vì chúng tôi biết những người vô gia cư trên đường phố, chúng tôi biết cách nói chuyện với họ, chúng tôi có các đội đi tuần, gặp gỡ, nói chuyện để tìm hiểu và giúp đỡ người vô gia cư, chúng tôi có các phương tiện, những nhân viên chuyên nghiệp và các tình nguyện viên tiếp xúc hàng ngày với người vô gia cư. Việc tổ chức một sự kiện tầm vóc toàn cầu theo cách để nó diễn ra cùng với một cuộc sống vốn tồn tại như trong đời thực ở Paris, cũng như trong đời thường ở thủ đô mọi nước khác, nơi có những người rất giàu có, sống sung sướng và cũng có cả những người rất nghèo, sống buồn khổ, không phải là việc quá phức tạp.

Trái lại, điều mà thị trưởng Paris ủng hộ, là Thế Vận Hội và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật phải hòa vào đời thường, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cả hai bên đều có chỗ đứng của mình. Chúng tôi không phải người quyết định tổ chức những hoạt động « thanh lọc », không giải tỏa, hay buộc mọi người phải rời đi, bất kể thế nào … Mọi hoạt động phải được tổ chức xoay quanh mọi người, các nhu cầu của họ, theo mục tiêu mà chúng tôi đề ra là bảo đảm chất lượng các dịch vụ của chúng tôi ».

Bà Léa Filoche, trợ lý của đô trưởng Paris, không chỉ phản đối chiến dịch bị xem là « vô hình hóa » sự tồn tại của người nhập cư, mà đặc biệt chỉ trích việc nhiều quan chức Nhà nước trung ương đến phối hợp với Paris để quản lý người nhập cư lại cho rằng chính việc hỗ trợ di dân lại càng khiến nạn nhập cư bất hợp pháp thêm nghiêm trọng :

 « Tôi muốn nói đến hai điều vượt xa cả việc khiến những người này trở nên vô hình. Đó là đầu óc tưởng tượng của một số người của Nhà nước và có tính truyên truyền. Điều khiến tôi lo ngại hơn cả chính vấn đề vô hình hóa người nhập cư, là tư tưởng cực hữu cho rằng các trợ cấp xã hội, trợ cấp gia đình hoặc hỗ trợ nhà ở lại chính là những biện pháp mời gọi, thu hút người nhập cư nước ngoài. Đã có những của Nhà nước đến giải thích trực tiếp với chúng tôi là càng tạo nhiều chỗ ở, càng có nhiều điểm phân phát thực phẩm, càng cải thiện điều kiện tiếp đón người nhập cư thì sẽ càng có thêm nhiều người đến. Đấy là những phát biểu mang tính chính trị. Thế nhưng, chúng tôi lo ngại về việc trong khi chúng tôi đang tranh đấu để bảo vệ nhân phẩm, tính nhân văn, tình nhân đạo, thì lại có những người của Nhà nước đến nói với chúng tôi rằng chính vì chúng tôi làm như vậy nên mới có nhiều người nhập cư hơn.

Và tôi rất lo lắng vì họ không chỉ dừng ở lời nói mà còn biến điều đó thành chính sách công. Nhà nước đã từ chối cho phép có trung tâm tiếp đón (SAS) ở vùng Île-de-France (Paris và vùng phụ cận), bởi vì họ tin rằng ngày nay chính vì điều kiện dễ chịu, thoải mái... nên di dân mới đổ về Paris.

Chẳng ai lại đi nửa vòng Trái đất chỉ để được phân phát thức ăn phía dưới đường tàu điện trên cao, bến Stalingrad, hoặc để ngủ trong phòng tập thể dục thể thao ở quận 11 của thành phố Paris. Không ai muốn như vậy hết. Khi mọi người đã đến đây rồi thì chính sách của Nhà nước cũng phải phản ánh được thực tế xã hội của đất nước. Có những người không có chỗ ở, dù họ có giấy tờ hợp pháp hay không, dù họ có phải người nhập cư hay không, chúng ta cũng phải tìm ra giải pháp phù hợp với họ ».

Vòng luẩn quẩn không hồi kết ?

Thiếu biện pháp hỗ trợ lâu dài hiệu quả và các giải pháp triệt để khác từ chính quyền, những người vô gia cư bị giải tán khỏi một khu tạm cư bất hợp pháp nào đó lại tìm đến khu tạm cư bất hợp phát mới. Theo La Croix ngày 17/04/2024, 450 người nhập cư đã phải rời khỏi một khu tạm cư bất hợp pháp vốn là một tòa nhà bỏ hoang ở Vitry-sur-Seine, ngoại ô đông nam Paris. Tòa nhà này thực chất từng là trụ sở của một công ty xe bus, sau khi bị bỏ hoang cách nay 3 năm, đã dần dần bị hàng trăm người từ những khu tạm cư bất hợp pháp bị giải tỏa khác chuyển đến ở trái phép.

Vậy đâu là giải pháp nên hướng tới ? Trợ lý đô trưởng Paris, chuyên trách chỗ ở khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn, đề xuất chuyển những tòa nhà bị bỏ hoang thành khu tạm cư hợp pháp có quy hoạch và được quản lý, tránh tình trạng di dân, người vô gia cư tự phát chiếm giữ tập thể các khu nhà này, để rồi lại bị giải tỏa, tạo thành cái vòng luẩn quẩn không hồi kết.  

Trước mắt, liên quan đến Thế Vận Hội Mùa Hè 2024, nhiều hiệp hội đề xuất Nhà nước lập « cơ sở nhân đạo » đón tiếp di dân tương tự như đã tiếp đón những người Ukraina được sơ tán khi chiến tranh mới nổ ra.

Dung hòa được việc tổ chức Thế Vận Hội, duy trì an ninh trật tự và bảo vệ hình ảnh của một Paris tráng lệ để đón hàng chục triệu du khách quốc tế, đồng thời bảo đảm đối xử nhân đạo với di dân, người vô gia cư, nhóm người được coi là yếu thế, dễ bị tổn thương, dường như không phải là việc dễ dàng. Nhất là khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày khai mạc sự kiến thể thao lớn nhất hành tinh …

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.