Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nhà văn Kim Thúy và những khúc hát “ru” của người tị nạn

Đăng ngày:

Từ một cô bé 10 tuổi, không biết tiếng Pháp, lạ lẫm trên đất Canada sau chặng đường dài xin tị nạn, Kim Thúy trở thành nhà văn Pháp ngữ  với những cuốn sách được đọc tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Bà cũng là một trong 4 nhà văn được đề cử tại giải Tân Hàn Lâm Văn Học - New Academy Prize in Literature (được lập ra năm 2018 thay thế giải Nobel Văn học).

Nhà văn Kim Thúy tại Hội sách Paris (Festival du livre Paris 2024), Pháp, ngày 12/04/2024.
Nhà văn Kim Thúy tại Hội sách Paris (Festival du livre Paris 2024), Pháp, ngày 12/04/2024. © RFI/Chi Phuong
Quảng cáo

Năm nay, xứ nói tiếng Pháp tại Canada - Québec là « khách mời danh dự » của Hội Sách Paris (Festival du livre), diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/04, ngay dưới chân tháp Eiffel, tại Grand Palais Ephémère. Kim Thúy là một trong 42 nhà văn thuộc phái đoàn Québec, đến giới thiệu với độc giả tại thủ đô Pháp những tác phẩm xoay quanh các chủ đề « về chiến tranh », về tình yêu, tình người, hay về con đường tị nạn chông gai hay những cố gắng hòa nhập vào một nhịp sống mới nơi xa xứ.

Tác phẩm đầu tay « Ru » được xuất bản năm 2009 là một trong những cuốn truyện làm lên tên tuổi của Kim Thúy, đã được dịch ra hơn 28 thứ tiếng và xuất hiện tại hơn 40 quốc gia. Cuốn sách là những mảng ký ức được lắp ghép, là một cuốn tự sự dưới góc nhìn của một cô bé 10 tuổi sinh ra trong gia đình trung lưu ở Sài Gòn, theo gia đình, lên thuyền rời khỏi Việt Nam sau năm 1975, là những chiêm nghiệm về cuộc đời với vô vàn những đối lập, về số phận thăng trầm của gia đình thuyền nhân “dạt” vào Québec năm 1979.

Hiện sinh sống tại Montréal và dành toàn thời gian cho văn chương, Kim Thúy cũng đã cho ra mắt nhiều cuốn sách khác như Mãn, Vi, À toi, Em…, tất cả đều bằng tiếng Pháp. Nhà văn gốc Việt đã nhận được nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng văn học của Toàn quyền Canada (Prix littéraire du Gouverneur général 2010). Bà cũng được đề cử giải Tân Hàn Lâm Văn Học vào năm 2018. (New Academy Prize in Literature).

Trước khi trở thành nhà văn, Kim Thúy từng trải qua cuộc sống tại những trại tị nạn tạm bợ ở Malaysia, từng lênh đênh trên biển không rõ phương hướng, nhưng bà cũng từng ngồi băng ghế tại trường luật ở Montréal. Bà gia nhập Đoàn luật sư Québec năm 1995, làm việc cho hãng luật Canada Stikeman Elliott và có chuyến công tác dài hạn tại Việt Nam vào những năm 1990.  Bà cũng từng làm không ít việc, từ thợ may, đầu bếp, chủ nhà hàng chođến cố vấn cho Cơ quan hỗ trợ phát triển Canada, và nhân viên lãnh sự Canada ở Sài Gòn.

***

Nhà văn Kim Thúy và những khúc hát “ru” của người tị nạn

Nhân Hội Sách Paris – Festival du livre, RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với nhà văn Kim Thúy.

***

RFI: Xin cảm ơn bà Kim Thuý đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, trước tiên, xin được hỏi về cuốn sách đầu tay của bà, được xuất bản năm 2009 và cho đến nay vẫn là một trong những cuốn nổi tiếng nhất, với hơn 800 000 đầu sách được bán ra trên khắp thế giới. Lúc đó, bà khoảng hơn 40 tuổi, từng làm nhiều công việc khác nhau, đã có gia đình, và quyết định viết sách. Đâu là động lực khiến bà quyết định cầm bút viết về câu chuyện của mình, khai thác những ký ức của tuổi thơ ?

Kim Thúy : Thực sự là tôi không quyết định viết, mà lúc đó, khi lái xe, dừng trước đèn đỏ, tôi hay ngủ gục, và như vậy dễ bị tai nạn xe, thành ra xe của tôi hay bị đụng với các xe khác. Để không ngủ thì tôi hay viết các danh sách mình làm hôm sau, viết các danh sách mùi hoa, sau đó không còn ý tưởng khác rồi mình cứ viết thôi, mà không biết là mình đang viết sách. Tôi viết và không phải có ý định chính xác từ hồi đầu. Sau đó bạn bè nói là phải viết tiếp đi. Thực sự là tôi không phải là người gửi bản thảo, mà lúc đó chỉ là những ghi chép. Bản thảo do một người bạn mang đến 1 nhà xuất bản và được chấp nhận. Lúc đó, không có tựa, không có tên, không có số trang, mà chỉ là 1 đống giấy. Khi nhà xuất bản chấp nhận thì thành cuốn sách và vì cuốn sách đó mà mình thành nhà văn, chứ không phải vì là nhà văn mà mình viết sách đó.

RFI : Tại sao các cuốn sách của bà, dù đều được viết bằng tiếng Pháp, nhưng tựa đề hầu hết được đặt bằng tiếng Việt, và thường là những từ rất ngắn, như Ru, Mãn, Vi hay Em, ngụ ý của bà là gì ?

Tôi rất thích kể chuyện, bất cứ chuyện gì cũng thích kể, và thứ hai là tôi rất thích những chữ, từ, có những từ rất hay. Tôi hay nghĩ là ai mà ngồi xuống để đặt ra những cái tên này. Ví dụ như “ru” (có nghĩa là con suối nhỏ trong tiếng Pháp), nghe rất đơn giản. Những ai sống ở Việt Nam, chưa bao giờ học một thứ tiếng khác có thể không thấy chữ đó hay. Nhưng khi được có cơ hội trở lại Việt Nam làm việc, tôi thấy chữu“ru” vô cùng ấm áp, trong chữ đó là mình ru con cho đến lúc con mình ngủ, tiếng Pháp không có chữ đó, họ hay nói là “mettre un enfant au lit”, thí dụ vậy, nhưng không có ru con, mình có thể nói “bercer un enfant”, nhưng không phải đến ru đến khi con ngủ. Một từ chỉ có hai chữ nhưng nó đầy ý nghĩa, đó là những tiếng đầu tiên cho đứa con mình, chứa chất cả tình yêu, tình thương trong đó, mà chỉ có hai chữ làm cho trong đầu mình có thể thấy được tất cả hình ảnh đó. Còn với cuốn “Vi”, chữ vi trong tiếng Việt nghĩa là “nhỏ”, nhưng tiếng Pháp, cùng cách phát âm với “vie” - cuộc sống, thì có thể có nghĩa rất lớn. Hay cuốn “Em”, trong tiếng Pháp, gần với từ aime trong từ aimer, theo thể mệnh lệnh. Trong một từ rất nhỏ, 2, 3 chữ thôi có thể nêu được 2 văn hóa, hai văn hóa gặp nhau trong hai chữ đó, hai văn hóa đó đều trong đầu, trong tim mình. Tìm được chữ có 2 văn hóa, nó phản ánh chính bản thân mình được nhận 2 văn hóa Việt Nam và Québec.

RFI : Trong hầu hết các sáng tác của bà, dường như các cuộc chiến tranh ở Việt Nam bao trùm khắp các câu chuyện được kể ?

Kim Thuý : Chiến tranh, tôi sinh trong thời điểm đó, chiến tranh là lúc mà tất cả các cảm xúc thường hàng ngày, vui buồn thường ít hơn so với trong thời điểm khó khăn, buồn nhiều vui nhiều hơn. Ví dụ khi chờ đợi 1 người thân trở về từ chiến trận, cái vui nó lên đến cực điểm, buồn cũng vậy, nó rất sâu đậm. Trong những lúc khó khăn đó, mình có được những cảm xúc, rất rõ ràng, rất đối lập, nên viết rất dễ, không hẳn là dễ nhưng có nhiều chuyện để viết hơn, vừa vui vừa buồn lẫn lộn với nhau, vừa đau vừa sướng, nhiều khi trong những lúc khó khăn đó, ăn được một chén cơm đó là đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Sau 15 năm viết lách, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm để nói lên những vấn đề mà lịch sử sẽ không ghi lại, những chuyện về người vượt biên. Tại Việt Nam, chuyện đó không được ghi trong sách lịch sử. Lúc đó và bây giờ cũng vậy, trang sử đó ở Việt Nam không tồn tại. Ngoài ở Việt Nam, người Việt cũng đã đi rất nhiều xứ nhưng người Việt lại không đủ quan trọng để đi vào lịch sử của những xứ mà người Việt mình định cư. Thành ra là đối với tôi, câu chuyện đó cần được ghi lại. Ba má của tôi cũng lớn tuổi, và một ngày nào đó sẽ mất đi, mình sẽ mất đi những trang sử đó. Tôi hy vọng là nhiều người cùng viết để giữ lại trang sử đó, để giữ lại những câu chuyện về thời điểm của Việt Nam xảy ra ngay lúc đó, vậy thôi, để chia sẻ với nhau. Tại vì lịch sử rất quan trọng để mình hiểu mình từ đâu đến và nhìn vào tương lai, để quyết định là mình tiếp tục như vậy hay là thay đổi. Đối với, Thúy lịch sử là lịch sử thôi đó là những câu chuyện xảy ra lúc đó, không xấu không tốt, vấn đề là nêu ra những chuyện gì đã xảy ra.

RFI : Trong cuốn Ru bà từng nói ngắn gọn về trải nghiệm trở về Việt Nam, “làm việc với những người từng ở phe đối lập”, vậy điều gì khiến bà đưa ra quyết định này ?

Kim Thuý : Khi có dịp trở về Việt Nam làm việc, lúc đó đã mấy chục năm sau chiến tranh, nếu mình tiếp tục nhìn 1 người Việt Nam khác là người đó đã làm cho mình phải khó khăn thì cái đó giống như là mình phải tiếp tục chiến tranh. Tôi cho rằng mình phải chấp nhận là chiến tranh đã chấm dứt và từ đó trở đi mình phải ngồi xuống nói chuyện với nhau. Vì thế khi có dịp trở về Hà Nội, tôi gặp những người mẹ, những người đàn bà, đã góa phụ mất con, mất anh, mất bố, tôi cảm thấy cái đau, y như những người mẹ khác, dù người con đó là theo phe này hay phe kia. Chiều sâu của nỗi đau đó vô cùng sâu, vô cùng buồn, cái buồn đó đều giống nhau. Mình phải quên đi ai là bên phe nào, phần lớn những người trẻ đó không có chọn, không có quyền lựa chọn, tùy nơi mình sinh ra thì mình phía A hay phía B. Đối với tôi, việc ngồi xuống cùng nhau, nói chuyện với nhau, rất quan trọng, để chia sẻ, và từ cái đau buồn đó để mà thương nhau. Thành ra mình phải ngồi xuống với nhau. Có thể là khóc chung vs nhau, cười chung với nhau, gần 50 năm rồi, “il faut pas donner droit à la guerre de continuer, la résistance aujourd’hui, on termine, on ferrme la porte, il faut se concilier, il faut s’aimer pas seulement se concilier” – không được để chiến tranh tiếp tục, hãy kết thúc nó, đóng cánh cửa đó lại. Chúng ta cần phải giảng hoà, không chỉ giảng hoà mà cần phải thương nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.