Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI - VIRUS CORONA

Covid-19 : Pháp dời lại mùa bán hàng giảm giá

Theo thông lệ, mùa bán hàng giảm giá trong ngành y phục may sẵn được dự trù vào tháng 6 hàng năm, vài tuần trước kỳ nghỉ hè ở Pháp. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, mùa giảm giá bị dời lại ba tuần, bắt đầu vào ngày 15/07 thay vì 24/06 như dự kiến. Quyết định của Bộ Kinh tế Tài chính là một cách để giúp đỡ các hiệu quần áo, nhất là cửa hàng nhỏ có thêm thời gian bán hàng tồn kho.

Nhân viên một hiệu bán quần áo làm vệ sinh trước khi mở cửa, Paris, Pháp, ngày 12/05/2020
Nhân viên một hiệu bán quần áo làm vệ sinh trước khi mở cửa, Paris, Pháp, ngày 12/05/2020 AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Trong hai tháng phong tỏa, các cửa hiệu bán áo quần may sẵn đều buộc phải đóng cửa. Giờ đây, các cửa hàng này đã mở lại kể từ ngày 02/06. Tuy nhiên, hầu hết các chủ tiệm đều nhức đầu với khối hàng tồn đọng, trong khi các khoản tiền mặt của họ lại ở mức thấp nhất, sau hai tháng không có nguồn thu nhập. Nếu mở lại cửa hàng vào tháng 6 để rồi rơi ngay vào mùa bán hàng giảm giá, các chủ tiệm lại càng bị thiệt thòi. Trong chiều hướng đó, Bộ Kinh tế đã nới lỏng các quy định ràng buộc để giúp cho ngành kinh doanh áo quần may sẵn có được thêm một vài tuần lễ để bán dòng sản phẩm thời trang "xuân-hạ" với mức giá bình thường, thay vì buộc phải giảm giá đúng theo quy định.

Được dự kiến vào ngày 24/06, rốt cuộc mùa bán hàng giảm giá (tiếng Pháp gọi là soldes) sẽ bắt đầu vào ngày 15/07 và sẽ kéo dài trong vòng bốn tuần. Theo giới chuyên gia kinh tế, biện pháp này đặc biệt là nhằm để hỗ trợ các công ty nhỏ và trung bình, các doanh nhân độc lập không có sự hậu thuẫn của các thương hiệu lớn hay các hệ thống phân phối dây chuyền. Việc lùi lại mùa soldes giúp cho thành phần này có thêm thời gian để tạo lại nguồn vốn bằng tiền mặt, trong một lãnh vực kinh tế mà sự cạnh tranh nói chung là khá gay gắt.

Liên đoàn Quốc gia ngành may mặc (FNH) đã hoan nghênh quyết định của Bộ Kinh tế, cho rằng việc lùi lại mùa bán hàng giảm giá là điều rất cần thiết đối với các công ty gia đình hay các doanh nhân độc lập. Còn theo ông Emmanuel Le Roch, giám đốc Liên đoàn thương mại chuyên ngành Procos, đại diện cho hơn 200 thương hiệu áo quần may sẵn (tuyển dụng khoảng 450.000 nhân viên) đây là một giải pháp có thể làm vừa lòng cho cả hai phía : các thương hiệu lớn cũng như các cửa hàng nhỏ. Trong tình hình hiện nay, mỗi bên có thêm thời gian để sắp xếp, tổ chức lại cách buôn bán tùy theo nhu cầu.

Ngành phân phối áo quần may sẵn ở Pháp khá đa dạng và tác dộng của dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp một cách không đồng đều : trong thời kỳ phong tỏa, quần áo trẻ em hay các đồ thể thao vẫn bán chạy, trong khi các sản phẩm thời trang dành cho phái nữ lại không ăn khách. Mặt khác, một số cửa hàng nhỏ (áo quần, giày dép, phụ kiện thời trang) đã có thể thích ứng ngay với lệnh phong tỏa qua hình thức ‘‘click & collect’’ mua hàng rồi hẹn giờ đến lấy và chủ yếu khai thác tâm lý của người tiêu dùng ở Pháp, muốn mua sắm gần nhà trong thời gian phong tỏa, một cách để hỗ trợ các cửa hàng ở cùng khu phố.

Theo ông Yohann Petiot, giám đốc điều hành Liên minh ngành kinh doanh độc lập, đại diện cho 27.000 cửa hàng ở các khu vục trung tâm thành phố, khai thác nhiều lãnh vực kể cả giày dép, áo quần, mỹ phẩm, thời trang … các doanh nghiệp nhỏ thường ít có nguồn vốn và do phải trả chi phí mặt bằng nên các cửa hàng ‘‘truyền thống’’ cũng thường phải chịu thêm sự cạnh tranh của các mạng bán hàng trực tuyến, chưa kể tới các ứng dụng như Le Bon Coin hay là Vinted cho phép mỗi cá nhân mua bán lại áo quần không xài, hay là bán đồ cũ.

Đối với ngành kinh doanh áo quần máy sẵn, từ đây cho tới mùa hè là thời kỳ quan trọng để kích thích mức tiêu thụ và thu hút khách hàng trở lại. Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty tư vấn Kantar, 47% tức là gần một nửa doanh thu trong năm của ngành áo quần may sẵn chủ yếu được thực hiện trong mùa giảm giá, hoặc nhờ vào các chương trình khuyến mại, đặc biệt hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Việc lùi lại mùa bán hàng giảm giá cho tới giữa tháng 7 tức là rơi đúng vào kỳ nghỉ hè cũng chưa chắc gì là một tin vui đối với các chủ cửa hàng thời trang tại Paris, do vào mùa hè Paris thường vắng bóng người dân thủ đô, trong khi mùa hè năm nay chưa chắc gì du khách nước ngoài sẽ ồ ạt trở lại viếng thăm thủ đô Pháp. Các cửa hàng trên đại lộ Champs Élysées chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, càng khó mà gầy dựng lại nguồn vốn.

Cuối cùng, quyết định của Bộ Kinh tế cũng là một cách để phòng hờ tình trạng có quá nhiều công ty phải đóng cửa luôn, cho dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ. Ngành áo quần may sẵn vốn đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, đã trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của dịch Covid.  Tại Pháp, các thương hiệu như André, Naf Naf, Camaïeu hay La Halle đều đang ở trong tình trạng phá sản hoặc là không còn đủ khả năng thanh toán. Tính gộp lại, hàng chục ngàn nhân viên làm việc cho các cửa hiệu này đều có nguy cơ bị mất việc. Khó khăn của ngành bán y phục may sẵn dường như chỉ mới bắt đầu, vì theo một bản nghiên cứu gần đây của Trường cao đẳng thời trang (Institut Français de la Mode) dịch Covid-19 đã khiến cho doanh thu trong năm 2020 của ngành y phục may sẵn giảm từ 17% đến 25%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.