Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Người dân và giới bảo vệ nhân quyền lên án bạo lực cảnh sát

Đăng ngày:

Làn sóng phản đối tình trạng bạo lực cảnh sát, phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, đã lan từ Mỹ sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp. Bất chấp tình trạng khẩn cấp y tế chống dịch Covid-19 đến ngày 10/07/2020, hơn 23.300 người vẫn tập trung ở quảng trường Cocorde (Paris), gần đại sứ quán Mỹ ở Pháp sau đó là trên Champs-de-Mars, dưới chân tháp Eiffel hôm 06/06 để đòi “công lý cho mọi người”.

Biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc tại Paris, Pháp, ngày 02/06/2020.
Biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc tại Paris, Pháp, ngày 02/06/2020. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Chính phủ Pháp cũng rơi vào tình thế tế nhị và im lặng theo dõi trong hai ngày cuối tuần dù các cuộc tuần hành vi phạm rõ ràng lệnh cấm tụ tập trên 10 người. Tương tự như ở Mỹ, cảnh sát Pháp cũng bị người biểu tình, giới bảo vệ các quyền công dân (trong đó có Ân Xá Quốc Tế) lên án gay gắt vì sử dụng bạo lực bất tương xứng với người biểu tình “Áo Vàng” (Gilets Jaunes). Trong vòng hơn một năm, có 2.500 người biểu tình và 1.800 nhân viên cảnh sát bị thương, theo thống kê của bộ Nội Vụ Pháp vào cuối tháng 11/2019.

Ngoài trường hợp của Adama Traoré, qua đời năm 2016 sau khi bị cảnh sát thẩm vấn, có thể nói cái chết của Cédric Chouviat là giọt nước làm tràn ly. Người giao hàng 42 tuổi này qua đời sáng sớm ngày 12/01/2020 do bị nghẹt thở vì “đứt thanh quản”, chỉ 48 tiếng sau khi bị ba cảnh sát quật ngã xuống đường để khống chế do người đàn ông này chống đối khi bị kiểm tra phạm lỗi giao thông ở quận 15, Paris.

Vụ việc được quay lại và khiến công luận phẫn nộ. Có lẽ vì vậy, chính phủ đã phải thay đổi thái độ. Đích thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu chỉnh đốn ngành cảnh sát, khi thăm thành phố Pau (miền nam Pháp) ngày 14/01/2020 :

“Tôi trông đợi vào đạo đức nghề nghiệp cao cả của các cảnh sát và hiến binh. Tôi đã yêu cầu bộ trưởng Nội Vụ đưa ra những đề xuất cụ thể về chủ đề này. Có những hình ảnh rõ ràng. Hiện có những vụ mà tôi không muốn nêu ở đây vì đang được điều tra, những thái độ không chấp nhận được, có người chứng kiến hoặc bị lên án. Tôi không muốn điều này ảnh hưởng đến uy tín và phẩm chất của những nhân viên gìn giữ an ninh...

Chính vì thế, tôi mong là bộ trưởng Nội Vụ sẽ gửi cho tôi, trong thời hạn ngắn nhất, những đề xuất rõ ràng để cải thiện đạo đức nghề nghiệp, cơ chế kiểm tra và tôi cũng mong là tư pháp có thể tiếp tục điều tra về những trường hợp này.”

Trước làn sóng phản đối bạo lực cảnh sát đã lan ra khắp thế giới, trong buổi họp báo ngày 08/06, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner đã thông báo chấm dứt biện pháp “chẹn cổ gây nghẹt thở” và “không nhân nhượng” đối với tình trạng phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, ông Christophe Castaner không chấp nhận so sánh tình hình tại Pháp với Mỹ, và khẳng định “không có tính trạng phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực có chủ đích”.

Như vậy, bộ Nội Vụ Pháp vẫn từ chối dùng cụm từ “bạo lực cảnh sát”. Về điểm này, trả lời báo 20 minutes (20 phút) vào tháng 12/2019, giám đốc nghiên cứu Sebastian Roché, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nhận xét :

“Đó là một chiến lược truyền thông. Có ý kiến cho rằng “những người Áo Vàng”, những kẻ đập phá black blocs là những kẻ xấu. Thậm chí người ta nhắc đến Áo Vàng cực đoan để nói đến các cuộc biểu tình, cứ như để giải thích rằng họ đáng bị biện pháp mạnh. Việc không thừa nhận những hành vi đó là một cách để bảo vệ cảnh sát và như vậy là để tự bảo vệ, điều này không có gì là đặc biệt cả. Nhưng liệu bộ trưởng Nội Vụ có còn là bộ trưởng tốt không khi mà cảnh sát làm cho nhiều người bị chột mắt ?”

Cảnh sát lạm dụng vũ lực do quá tải hay do người biểu tình cực đoan ?

Người dân Pháp được quyền tự do biểu tình, tuần hành. Tuyên bố Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 nêu rõ “không ai phải lo lắng cho ý kiến của mình, kể cả về tôn giáo, với điều kiện cuộc tuần hành của họ không được làm xáo trộn trật tự công cộng được luật pháp thiết lập”.

Điều kiện duy nhất là các cuộc tuần hành, biểu tình phải được thông báo trước cho Sở Cảnh Sát (gồm địa điểm tập hợp, tên và địa chỉ của ít nhất ba nhà tổ chức), nếu không muốn bị coi là “tụ tập bất hợp pháp”. Chính quyền được phép sử dụng lực lượng cảnh sát để giải tán “đám đông”. Đối với các cuộc biểu tình hợp pháp, cảnh sát được huy động để bảo đảm “trật tự, an ninh, vệ sinh và yên bình công cộng”.

Theo báo cáo ngày 13/06/2019 của Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia (Inspection générale de la Police nationale, IGPN), năm 2018, cảnh sát đã sử dụng súng bắn đạn cao su LBD 4.005 lần (tăng 61% so với năm 2017), bắn 19.071 đạn cao su (tăng 200%) và ném 5.420 lựu đạn giải tán đám đông (tăng 296%). Đây là số lượng chưa từng thấy ở quy mô Liên Hiệp Châu Âu. Tại sao con số trên lại tăng như vậy, giáo sư Sebastian Roché giải thích với RFI :

“Nguyên nhân là những cuộc biểu tình bắt đầu từ năm 2016 phản đối việc tự do hóa thị trường lao động, sau đó là những cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng phản đối cuộc sống bấp bênh mà họ phải chịu. Vì thế, chính phủ phải sử dụng rộng rãi lực lượng cảnh sát. Và cũng để đối phó với các cuộc biểu tình, chính phủ phải huy động cảnh sát lâu hơn mà từ vài chục năm qua, họ chưa từng sử dụng đến biện pháp này.

Và các đợt huy động đông đảo cảnh sát, cùng với các loại vũ khí ít gây sát thương, như súng bắn đạn cao su LBD và lựu đạn phong tỏa vòng vây, đã gây ra thương tích cho vài chục người và một người chết. Không có nước nào khác trong Liên Hiệp Châu Âu gây thương tích cho hơn 30 người trong vòng 6 tháng. Vì thế, cuộc khủng hoảng này và cách quản lý khủng hoảng đã khiến bạo lực cảnh sát nảy sinh và sau gần một năm, đây trở thành chủ đề tranh luận chính trị”.

Phía chính phủ và các lực lượng an ninh cũng lên án tình trạng bạo lực của một bộ phận người biểu tình cực đoan và những nhóm đập phá, mà theo tổng thống Pháp Macron, chính cảnh sát là những nạn nhân đầu tiên. Họ cũng bị kiệt sức và căng thẳng vì phải liên tục can thiệp từ hơn một năm nay.

Trên thực tế, không có định nghĩa chính thức về nhiệm vụ tại chỗ đối với cảnh sát. Tùy theo cấp độ nghiêm trọng của tình hình, cảnh sát sử dụng các loại thiết bị, vũ khí khác nhau. Điều này được nêu trong "sách hướng dẫn" cảnh sát về phân loại tình huống, từ thông thường đến căng thẳng : Cảnh sát có mặt để ngăn người biểu tình đi ra ngoài lộ trình đã đăng kí trước ; chỉ sử dụng thể lực (lá chắn, gậy, phong tỏa) ; sử dụng thể lực và các phương tiện trung gian sau những lần cảnh cáo (lựu đạn cay, xe phun nước, súng điện) ; sử dụng vũ khí sau nhiều lần cảnh cáo (súng bắn lựu đạn cay hoặc lựu đạn giải tán đám đông) súng bắn đạn cao su LBD 40 ; và cuối cùng là súng bắn đạn thật trong khuôn khổ tự vệ chính đáng hoặc bắn trả.

Thiếu cơ chế kiểm tra bạo lực cảnh sát

Vấn đề ở chỗ, theo giáo sư Sebastian Roché, hành động của cảnh sát Pháp “không được kiểm tra một cách đầy đủ”, trong khi đó, “các nghiệp đoàn cảnh sát phản đối mọi hình thức kiểm tra, ví dụ từ phía báo chí hoặc từ công dân” :

“Việc kiểm tra không được tiến hành đúng đắn bởi vì cấp cao là bộ trưởng, trong khi bộ trưởng lại không kiểm tra, theo dõi được rằng liệu có thể nhận dạng được tất cả các nhân viên cảnh sát thông qua số hiệu RIO hay không. Bộ trưởng cũng không sớm nhắc nhở trang thiết bị và vũ khí phải được sử dụng như nào. Phải chờ một năm, sau khi đã có hàng chục người bị thương nặng, thì bộ trưởng mới đề cập đến. Điều này cho thấy cấp cao đã không làm tốt việc kiểm tra.

Việc kiểm tra nội bộ, thông qua Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia - IGPN, cũng không đủ độc lập. Còn việc kiểm tra từ phía truyền thông, phần nào đó bị phía cảnh sát vi phạm, dĩ nhiên là không phải hoàn toàn, qua việc một số nhà báo bị tạm giam trong vòng 48 tiếng, sau đó được thả. Tất cả những cơ chế trên đều không hoạt động một cách thỏa đáng.

Trong số 212 đơn kiện về tình trạng bạo lực cảnh sát tính đến tháng 11/2019, có 54 vụ hiện bị gác qua một bên và có hai hồ sơ cảnh sát bị chuyển lên tòa tiểu hình. Ngày 21/11/2019, một nhân viên cảnh sát chống bạo động (CRS) bị tuyên án 3 tháng tù treo vì người này ném một viên đá lát đường vào đám đông biểu tình Áo Vàng ngày 01/05/2019, nhưng không gây thương tích. Phiên tòa bị chỉ trích mang tính tượng trưng.

Ngoài khuyến cáo cần “thay đổi cách kiểm tra để cảnh sát hiểu rằng càng bị kiểm tra đúng đắn, họ càng làm việc nghiêm túc hơn và mối quan hệ giữa họ và người dân cũng được cải thiện hơn”, giáo sư Roché cho rằng phải quy định thành văn một số biện pháp :

“Điều đầu tiên là phải có những quy định rõ ràng, có nghĩa là phải xây dựng một hệ thống nguyên tắc về giữ gìn trật tự mà hiện Pháp không có. Điểm thứ hai là cần phải có một cơ chế kiểm tra, không thiên vị, và Pháp cũng không có cơ chế này. Pháp chỉ có thanh tra nội bộ từ phía Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia - IGPN, theo lệnh từ bộ Nội Vụ hoặc từ tổng thống. Điều này có nghĩa quá trình thanh tra nội bộ không độc lập. Chính vì thế phải cải tổ cơ chế kiểm tra này”.

Cuối cùng, rất nhiều tổ chức bảo vệ quyền con người đã yêu cầu rút hoặc cấm một số biện pháp khống chế và vũ khí không gây sát thương. Trước tiên là kỹ thuật quật ngã để khống chế, vẫn gây tranh cãi tại Pháp, trong khi bị cấm ở một số thành phố (Los Angeles, New York) và quốc gia. Đây là biện pháp khiến người giao hàng Cédric Chouviat bị nghẹt thở dẫn đến tử vong, do “càng vùng vẫy khi bị thiếu ôxi, nhân viên cảnh sát lại càng khống chế mạnh hơn” và dẫn đến nguy cơ tử vong, theo giải thích của bà Anne-Sophie Sempère, thuộc tổ chức Ân Xá Quốc Tế.

Tiếp theo là súng bắn đạn cao su LBD, nhiều lần bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án. Ban đầu, loại súng này chỉ được trang bị cho lực lượng tinh nhuệ, như GIGN, nhưng sau đó được giao cho Đội chống tội phạm hình sự (Brigade anti-criminalité, BAC) và cuối cùng được phổ biến như công cụ giữ trật tự trong các cuộc khủng hoảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.