Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA - DU LỊCH

Covid-19: Bảo tàng Pháp ở tỉnh bị thiệt hại nhẹ hơn

Nước Pháp vắng khách du lịch nước ngoài trong vòng hơn 6 tháng liền. Tình trạng đó đã tác động mạnh mẽ đến các viện bảo tàng cũng như các địa điểm tham quan. Bị thiệt hại nặng nhất vẫn là các bảo tàng quốc gia, vốn thu hút đông đảo khách ngoại quốc, trong khi các bảo tàng cấp tỉnh lại tiếp đón nhiều khách nội địa, khi đa số dân Pháp chọn đi nghỉ mát ở gần nhà.

Viện bảo tàng Louvre, Paris, đã phải đóng cửa do dịch covid-19. Ảnh 14/03/2020.
Viện bảo tàng Louvre, Paris, đã phải đóng cửa do dịch covid-19. Ảnh 14/03/2020. REUTERS - Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Từ bảo tàng Louvre, trung tâm văn hóa Pompidou cho đến lâu đài Versailles, tình trạng vắng khách tham quan trong hơn nửa năm đã khiến cho mức doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Vào mùa hè năm 2019, cứ trên 10 người đi tham quan bảo tàng Louvre hay bảo tàng Orsay, là có đến 7 khách nước ngoài. Còn tại cung điện Versailles, số khách ngoại quốc mua vé vào cửa lên đến 80%. Tính theo quốc tịch, số khách tham quan đông nhất vẫn là Người Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Canada, Nga ….. còn khách đến từ các nước châu Âu láng giềng đông nhất vẫn là Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Sĩ.

Tính trung bình, thành phần du khách ngoại quốc đem lại hai phần ba doanh thu cho các viện bảo tàng, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong suốt 6 tháng qua. Số khách đến từ Đức, Ý hay Hà Lan đã phần nào xuất hiện trở lại sau ngày nước Pháp dỡ bỏ  lệnh phong tỏa (22/06/2020) nhưng vẫn còn quá ít ỏi để có thể bù đắp cho những khoản thất thu khổng lồ của các viện bảo tàng Pháp trong suốt mùa dịch Covid-19.

Một cách cụ thể, doanh thu của viện bảo tàng Louvre đã giảm hơn 60% so với cùng thời kỳ năm 2019. Trong hai tháng hè vừa qua, số khách tham quan ‘‘viện bảo tàng lớn nhất thế giới’’ đã giảm đến 75%, điều chưa tưng thấy kể từ khi Louvre được thành lập. Mức thiệt hại của bảo tàng Louvre được ước tính khoảng 40 triệu euro. Cũng cần biết rằng, doanh thu của Louvre trong năm 2019 đã đạt mức kỷ lục 149,5 triệu euro, trong đó có hai phần ba (99 triệu) là nhờ bán vé vào cửa và quà lưu niệm cho du khách. Theo giám đốc bảo tàng Louvre  Jean-Luc Martinez, ban điều hành đã yêu cầu chính phủ Pháp hỗ trợ tài chính để có thể cầm cự từ đây cho tới mùa xuân năm 2021.

Tình trạng của viện bảo tàng Orsay cũng không sáng sủa cho lắm. Tuy đã được mở lại sớm sau hơn 3 tháng đóng cửa, nhưng lượng khách tham quan vẫn sụt giảm hơn 70% trong mùa hè vừa qua. Khoản thất thu của viện bảo tàng Orsay trong năm 2020 lên tới 28 triệu euro, trong đó có tới 80% (22 triệu euro) đến từ quầy bán vé. Viện bảo tàng Orangerie, thuộc trách nhiệm của ban điều hành Orsay cũng phải hủy bỏ hay dời lại một số sinh hoạt cho tới đầu năm sau.

Về phía trung tâm văn hóa Pompidou, bảo tàng nghệ thuật đương đại  đang lên chương trình sinh hoạt văn hóa vào đầu mùa thu, bao gồm cả cuộc triển lãm đồ sộ về danh họa Matisse. Tuy nhiên, ngân sách hoạt động của Pompidou cũng phần nào bị hạn chế, do trung tâm này đã mất 20 triệu euro doanh thu tính từ đầu năm 2020. Theo giám đốc truyền thông Agnès Bénayer, để có thể tổ chức đàng hoàng cuộc triển lãm Matisse, ban điều hành buộc phải tiết kiệm và gác lại một số dự án quan trọng khác cho tới chừng nào các điều kiện trở nên thuận lợi hơn.

Về phần mình, bà Catherine Pégard giám đốc điều hành điện Versailles cho biết, số lượng khách đến tham quan lâu đài Versailles đã giảm ba phần tư tức 75% so với mức bình thường.Tính từ đầu tháng 3 cho tới cuối tháng 8 năm nay, cung điện Versailles đã mất khoảng 45 triệu euro doanh thu. Theo ông Philippe Bélaval, chủ tịch của Trung tâm quản lý các bảo tàng và di tích quốc gia (CMN), thủ đô Paris bị thiệt hại nặng nề do phụ thuộc nhiều về lượng khách ngoại quốc, các bảo tàng càng thu hút nhiều khách đi theo đoàn chừng nào, càng dễ bị thiếu hụt doanh thu chừng nấy. Việc đình chủ các tour du lịch khiến cho các bảo tàng quốc gia bị mất ngay một nửa lượng khách thăm viếng. Các địa điểm tham quan nổi tiếng thế giới, cũng rơi vào  tình trạng tương tự : tu viện Mont Saint-Michel hay cổ thành Carcassonne bị mất 50% doanh thu so với cùng thời kỳ năm 2019.

Trong khi các danh lam thắng cảnh ở thủ đô Paris vẫn vắng khách, thì ngược lại các di sản kiến trúc quan trọng ở các tỉnh như biệt thự Villa Cavrois của kiến trúc sư Robert Mallet-Stevens ở thành phố Lille, tu viện Thoronet ở miền Provence hay là bảo tàng Louvre-Lens đều đã thu hút thêm đông đảo khách tham quan người Pháp, chủ yếu là thành phần du khách nội địa, vào lúc họ chọn đi nghỉ mát ở gần nhà, chứ không đi đâu xa. Số khách thăm viếng đã tăng gấp đôi trong mùa hè so với cùng thời kỳ năm 2019.

Theo chủ tịch Trung tâm quản lý các bảo tàng và di tích quốc gia  Philippe Bélaval, các địa điểm tham quan ít nổi tiếng đối với dân các đô thị lớn, nhưng lại có nhiều giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, khảo cổ đều đã thu hút thêm nhiều lượt người thăm viếng. Dân Pháp nhân các chuyến đi thăm gia đình, cũng tranh thủ cơ hội để khám phá các di tích lịch sử, các di sản văn hóa địa phương.

Còn đối với cô Magalie Vernet, thuộc ban tổ chức các sự kiện tại bảo tàng Louvre-Lens, tuy chỉ là một chi nhánh của Louvre, và như vậy diện tích triển lãm rất khiêm tốn so với bảo tàng quốc gia, nhưng trong năm nay Louvre-Lens chỉ mất khoảng 25% khách tham quan. Viện bảo tàng địa phương này đã tổ chức hàng trăm sinh hoạt lớn nhỏ, song song với việc trưng bày bộ sưu tập thường trực.

Các sinh hoạt diễn ra ở ngoài trời hoặc là được tổ chức trong những không gian rộng lớn, dễ kiểm soát về mặt giãn cách xã hội, đã thu hút rất nhiều người tham dự. Một cách tương tự, các lâu đài vùng sông Loire đã phần nào gỡ gạc thất thu, khi tổ chức thêm nhiều sinh hoạt thưởng ngoạn các công viên hay vườn bách thảo, thay vì chỉ đơn thuần viếng thăm nội thất các lâu đài của những vì vua chúa Pháp thời xưa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.