Vào nội dung chính
PHÁP - VIRUS CORONA - XÃ HỘI

Covid-19 : Nông dân Pháp kêu gọi tinh thần đoàn kết của người tiêu dùng

Trong chuyện mua sắm, phải chăng đã đến lúc người tiêu dùng càng nên dành ưu tiên cho các loại thức ăn sản xuất tại Pháp. Ít ra đó là lời kêu gọi trong tuần qua của ngành nông phẩm, khuyến khích dân Pháp không những mua "hàng nội" khi đi chợ hàng tuần, mà còn chú trọng đến các món ăn đặc sản dành cho mùa lễ cuối năm. 

Tại một cửa hàng thịt ở Samatan, tây nam nước Pháp. Ảnh chụp ngày 06/11/2020.
Tại một cửa hàng thịt ở Samatan, tây nam nước Pháp. Ảnh chụp ngày 06/11/2020. AFP - GEORGES GOBET
Quảng cáo

Theo Liên đoàn Quốc gia các nhà sản xuất nông phẩm (FNSEA) nghiệp đoàn quan trọng nhất nước Pháp với hơn 200.000 thành viên, giới nông dân đã gánh chịu rất nhiều thiệt thòi trong hai đợt phong tỏa, do ở đầu nguồn hệ thống cung ứng. Cũng như trường hợp tiêu biểu của giới sản xuất khoai tây, buộc phải đổ hàng ngàn tấn khoai sau khi đa số các nhà hàng tiệm ăn buộc phải đóng cửa, nay đến phiên nhiều ngành sản xuất khác trở thành nạn nhân kép. Đợt phong tỏa thứ nhì lại rơi vào thời điểm chuẩn bị mua sắm cho mùa lễ cuối năm. Hai tháng 11 và 12 thường là thời kỳ kinh doanh bội thu đối với toàn chuỗi cung ứng : nông dân sản xuất ở thượng nguồn, siêu thị hay cửa hàng phân phối ở hạ nguồn. Đối với cả hai thành phần này, mức tiêu thụ cuối năm chính là dịp để gỡ gạc thất thu, sau hai lần bị phong tỏa. 

Đặc sản thường bội thu mùa lễ cuối năm

Sò điệp, hàu tươi, tôm hùm, ốc biển, gà trống thiến (chapon), thịt rừng, gan ngỗng béo, bánh khúc gỗ (bánh bûche), chocolat, sâm panh, rượu vang … thường là những món đặc sản dọn trên bàn tiệc Giáng Sinh với gia đình, cũng như tiệc Tất niên với bạn bè nhân dịp lễ cuối năm. Đó cũng chính là những sản phẩm đắt khách nhất trong hai mùa Noël và Tết Tây. Cho nên các nghiệp đoàn sản xuất nói riêng, cũng như giới nông dân nói chung đã kêu gọi sự hỗ trợ của người tiêu dùng, ưu tiên mua sắm hàng Pháp, bởi vì các ngành cung cấp các sản phẩm đặc biệt dành cho mùa lễ, đạt từ 50% đến 75% mức doanh thu của cả năm, nhờ kinh doanh phát đạt chỉ riêng trong hai tháng 11 và 12. 

Thậm chí một số ngành còn bội thu hơn thế nữa. Theo bà Christiane Lambert, chủ tịch Liên đoàn nông nghiệp FNSEA, đối với một số ngành chuyên sản xuất thực phẩm, chẳng hạn như các trại nuôi gà tây, từ 90% đến 100% doanh thu được thực hiện trong tháng 12. Dân Pháp không có truyền thống ăn mừng Thanksgiving, lượng tiêu thụ gà tây tăng mạnh vào tháng 12 chủ yếu là vì các hộ gia đình dọn món này trên bàn tiệc Giáng Sinh hay trong đêm Giao thừa. Các tiệm ăn cũng thường đưa món này vào thực đơn, thế nhưng, nếu như các nhà hàng không sớm mở cửa trở lại, thì ngành sản xuất gà tây sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Chủ tịch Liên đoàn các nông dân trẻ JA, anh Samuel Vandaele cũng có cùng quan điểm : người tiêu dùng hoàn toàn có khả năng hỗ trợ ngành sản xuất khi chọn mua hàng "made in France". Theo anh, kể từ khi đợt phong tỏa lần thứ nhì bắt đầu từ ngày 03/11, các nhà sản xuất (tùy theo dòng sản phẩm) đã mất từ 30 đến 65% doanh thu. Các nhà sản xuất chuyên cung cấp cho ngành nhà hàng khách sạn lại càng bị tác động nặng nề hơn, do phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác, trong khi giới sản xuất chuyên cung cấp cho các siêu thị lớn, cũng như cho các cửa hàng thực phẩm nhỏ lại ít bị tác động hơn.

Toàn bộ chuỗi cung ứng bị chao đảo

Để hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng, giới sản xuất nông phẩm đưa ra trường hợp của một tiệm ăn ở phố Les Halles, trung tâm Paris. Tính trung bình, một nhà hàng nằm trong một khu vực sầm uất như vậy, phục vụ mỗi ngày hàng trăm thực khách, phần lớn là vào giờ ăn trưa. Thế nhưng, đợt phong tỏa thứ nhì buộc nhà hàng này phải đóng cửa. Và cho dù có bán hàng để mang đi hay giao tận nhà, các tiệm ăn chỉ thực hiện được khoảng 20% mức doanh thu bình thường, tức không đủ để trang trải các chi phí hoạt động. 

Lệnh phong toả không những gây thiệt hại cho chủ tiệm ăn mà còn tác động dây chuyền đến toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó có cả giới nông dân sản xuất và các nhà phân phối qua hình thức bán sỉ và bán lẻ. Các nhà hàng chủ yếu mua từ chợ bán sỉ Rungis. Theo ông Bernard Boutboul, giám đốc công ty Gira, chuyên nghiên cứu thị trường thực phẩm, đợt phong tỏa thứ nhì có nguy cơ làm sụp đổ cả một hệ thống, vốn đã bị suy yếu sau đợt phong tỏa đầu tiên.

Một thực phẩm sản xuất từ nông trại cho đến khi dọn lên trên bàn ăn của thực khách hay của người tiêu dùng, phải trải qua rất nhiều khâu, kể cả nuôi trồng, sản xuất, chế biến, phân phối. Doanh thu của toàn ngành cung ứng lên tới 100 tỷ euro, trong đó có 30 tỷ liên quan tới ngành sản xuất các thực phẩm cần thiết như thịt cá, hải sản, rau củ, hoa quả, bánh mì, rượu vang ... Theo khảo sát của công ty Gira, dịch Covid-19 khiến cho toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm này sẽ mất trắng một nửa doanh thu, trong năm 2020.

Chuẩn bị bàn tiệc cuối năm với giá mềm

Riêng đối với ngành nông phẩm, mức thiệt hại lên tới hàng tỷ euro, trong khi các hình thức kinh doanh trực tuyến hay là dịch vụ giao hàng tận nhà, cùng lắm chỉ đem lại 15% doanh thu so với mức bình thường. Trong các lãnh vực chế biến thực phẩm như sữa chua, bơ tươi, phô mai, kem làm bánh ngọt, xúc xích, jambon hay thịt muối, các ngành này có thể lưu trữ trong kho hay làm đồ đông lạnh các mặt hàng nào chưa bán được. Tuy nhiên, theo ông Henri Bies-Péré, phó chủ tịch Liên đoàn FNSEA, đây cũng chỉ là một biện pháp tạm thời, chứ không thể kéo dài được lâu. Trong bối cảnh đó, việc khuyến khích dân Pháp tiêu thụ ''hàng nội'' là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Riêng đối với các đặc sản nhân mùa lễ cuối năm, các phiên chợ bán hải sản (hàu tươi, sò điệp, mực ống ....) cũng như các phiên chợ bán thịt gia cầm hay gan ngỗng béo tươi vẫn hoạt động trong suốt thời phong tỏa, nhưng lại vắng khách, phần lớn cũng vì người tiêu dùng có tâm lý không mua vội và chờ xem tình hình biến chuyển như thế nào. Tuy nhiên, theo ông Dimitri Rogoff, Chủ tịch nghiệp đoàn khai thác hải sản ở vùng Normandie, mùa này chính là thời điểm để mua nhiều sản phẩm như sò điệp hay tôm hùm, đánh bắt theo mùa. Các hộ gia đình cũng có thể chuẩn bị bàn tiệc bằng cách mua hải sản và thịt gia cầm ngay từ bây giờ với giá mềm hơn, đó là những sản phẩm dễ đông lạnh. Nếu phải chờ gần tới dịp lễ mới mua, thì chưa chắc gì còn đủ sản phẩm thượng hạng và nhất là giá cả sẽ tăng từ gấp ba đến gấp năm lần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.