Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - THỎA THUẬN ĐẦU TƯ

Nhân quyền: Pháp đặt điều kiện ủng hộ thỏa thuận đầu tư châu Âu-Trung Quốc

Nước Pháp chỉ phê chuẩn thỏa thuận bảo hộ đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đang tăng tốc đàm phán nếu Bắc Kinh cam kết phê chuẩn công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cấm cưỡng bách lao động.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong cuộc họp trực tuyến tại Bruxelles với lãnh đạo Trung Quốc ngày 14/09/2020.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong cuộc họp trực tuyến tại Bruxelles với lãnh đạo Trung Quốc ngày 14/09/2020. AP - Yves Herman
Quảng cáo

Trong bối cảnh Bruxelles và Bắc Kinh hy vọng đạt được hiệp định về đầu tư trước cuối năm nay sau 7 năm đàm phán, Paris đặt ra một số điều kiện được gọi là « làn ranh đỏ ».

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde ngày 23/12/2020, bộ trưởng đặc trách Ngoại Thương, Franck Riester cho biết : "Để nước Pháp ủng hộ thỏa thuận này, Trung Quốc phải cam kết một cách rõ ràng về phát triển bền vững. Bắc Kinh đã cam kết  tôn trọng hiệp định khí hậu Paris. Trái lại, chúng ta chưa đòi được Trung Quốc hứa hẹn đầy đủ là sẽ phê chuẩn công ước cơ bản của OIT, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế  nhất là các điều khoản liên quan đến cưỡng chế lao động".

Theo bộ trưởng Ngoại Thương Pháp, « làn ranh đỏ » của Paris rất rõ: Bắc Kinh phải phê chuẩn các công ước mà Pháp rất gắn bó và Bắc Kinh phải cam kết trong thỏa thuận đầu tư là sẽ tôn trọng thi hành.

« Làn ranh đỏ » ám chỉ tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ cũng như một số sắc dân thiểu số khác theo đạo Hồi ở Tân Cương bị Trung Quốc áp bức.

Một bản báo cáo công bố ngày 15/12/2020 thẩm định có ít nhất 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng chế lao động trong các đồn điền trồng bông vải. Hai ngày sau, Nghị Viện Châu Âu, với đa số phiếu áp đảo (640 thuận/ 20 chống) lên án Trung Quốc phạm tội ác chống nhân loại và yêu cầu chấm dứt chính sách cưỡng bách lao động người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kirghistan.

Theo AFP, thứ Hai vừa qua, trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, phía Liên Hiệp Châu Âu nêu lên vấn đề nhân quyền, yêu cầu Bắc Kinh trả tự do « tức khắc » nữ luật sư nhân quyền Lý Dục Hàm ( Li Yu Han) và nhiều tù nhân chính trị khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.