Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Pháp đóng cửa Trung tâm Pompidou 3 năm để trùng tu

Nhìn từ xa, Trung tâm văn hoá Pompidou giống như một nhà máy lọc dầu bao bọc bằng nhiều ống sắt. Được khai trương vào năm 1977, quần thể bảo tàng này đã trở thành một trong những địa điểm quen thuộc của thủ đô Paris, nổi tiếng nhờ bộ sưu tập nghệ thuật đương đại hàng đầu ở châu Âu. Trung tâm Pompidou, còn được gọi là Beaubourg, sắp đóng cửa trong 3 năm. Chi phí trùng tu lên tới 200 triệu euro.

Ảnh minh họa: Mặt tiền Trung Tâm Văn Hóa Pompidou, còn được gọi là Beaubourg, một viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại tại Paris (Pháp) ngày 28/04/2020.
Ảnh minh họa: Mặt tiền Trung Tâm Văn Hóa Pompidou, còn được gọi là Beaubourg, một viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại tại Paris (Pháp) ngày 28/04/2020. AP - Thibault Camus
Quảng cáo

Vào lúc hầu hết các ban quản lý viện bảo tàng ở Pháp nôn nóng chờ đợi ngày được mở cửa trở lại, cho dù tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng xấu đi, thì giám đốc Trung tâm Pompidou, ông Serge Lasvignes đã gây bất ngờ khi thông báo với giới công đoàn quyết định đóng cửa trung tâm này từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2027. Theo ông, ban quản lý không còn lựa chọn nào khác, toàn bộ cơ sở kiến trúc đang ở trong tình trạng "tồi tệ". Việc đóng cửa bảo tàng trong 3 năm liền vẫn là một quyết định khó khăn, nhất là đối với khoảng 1.000 nhân viên làm việc tại Beaubourg. Họ hiện đang ở trong tình trạng thất nghiệp bán phần, cho nên lại càng lo lắng trước viễn cảnh bị mất việc luôn. 

Beaubourg : cơ sở tồi tệ, "xuống cấp" nặng nề

Ngay từ năm 2017, ủy ban chuyên trách địa ốc và văn phòng công sở đã lên tiếng báo động với Bộ Văn hóa Pháp về sự xuống cấp của tòa nhà xây dựng vào năm 1977, theo sơ đồ của hai kiến trúc sư Renzo Piano và Richard Roger. Ngày mới được khánh thành, Trung tâm văn hoá Pompidou là biểu tượng của tương lai và nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên lối kiến trúc thời bấy giờ ít quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm không khí hay phát triển bền vững. Kết quả là Beaubourg bị xuống cấp khá nhanh, "già nua trước tuối". Các nghiên cứu kỹ thuật gần đây cho thấy trên 10 tầng làm bằng sắt, phần lớn đã trở nên lỗi thời, cũ kỹ. Hệ thống thang cuốn ở bên ngoài và thang máy ở bên trong tòa nhà cũng vậy, thường hay bị hỏng nên buộc phải sửa chữa thường xuyên và cần được tăng thêm để có thể phục vụ tốt hơn cho những khách tham quan ngồi xe lăn.

Cấu trúc mặt tiền của Beaubourg cũng có nhiều sợi amiăng, những "đường ống" trước kia đầy màu sắc, nay đã bị phai mòn nên càng cần được tháo gỡ. Quan trọng hơn nữa là hệ thống phòng cháy và thông khói trong trường hợp có hỏa hoạn, lại cần được nâng cấp theo tiêu chuẩn hiện thời. Bên cạnh đó, hệ thống điều hòa không khí một khi được tu sửa sẽ giúp tiết kiệm 30% tiền điện và chi phí vận hành. 

Việc "tân trang" Beaubourg rõ ràng là một công trình khổng lồ kéo dài trong nhiều năm, nên có lẽ đã khiến cho các cơ quan chính phủ thêm chần chừ, do dự. Phải chăng dịch Covid-19 đã thúc đẩy Bộ Văn hóa có thái độ triệt để hơn trên hồ sơ này ? Dù gì đi nữa, Bộ trưởng Văn hóa Roselyne Bachelot đã lấy quyết định đóng cửa hoàn toàn Trung tâm văn hoá Pompidou trong vòng 3 năm, chi phí tu sửa lên tới 200 triệu euro. Phương án thứ nhì là trùng tu Beaubourg nhưng vẫn mở một phần để  đón khách đến xem triển lãm. Tuy nhiên, dự án này sẽ kéo dài trong 7 năm thay vì 3 năm và sẽ tốn khoảng 227 triệu euro. Một điểm bất lợi khác là công việc phục hồi trùng tu sẽ khó mà chuyên sâu, khi một phần toà nhà vẫn được mở để đón khách. Bộ Văn Hóa Pháp đã chọn phương án thứ nhất với hy vọng tu sửa công trình này tới nơi tới chốn.

120.000 tác phẩm trong bộ sưu tập quý giá

Quyết định đóng cửa trong 3 năm liền trước mắt sẽ đặt ra khá nhiều vấn đề : ngoài việc tránh sa thải nhân viên đã hứng chịu khá nhiều thiệt thòi trong thời Covid, ban giám đốc trong những tuần tới, còn phải tìm thuê một cơ sở khác để tiếp đón giới nghiên cứu và thực tập sinh. Bên cạnh viện bảo tàng và phòng chiếu phim, Trung tâm văn hoá Pompidou còn có một Thư viện Thông tin Công cộng gọi tắt là BPI (Bibliothèque Publique d'Information) thu hút hàng năm 1,5 triệu sinh viên và nhà nghiên cứu, đến đây để đọc sách tham khảo hay làm việc ngay ở trung tâm thủ đô Paris. Theo giám đốc Serge Lasvignes, thư viện lớn này sẽ vẫn tiếp tục hoạt động, ban quản lý đang tìm kiếm một cơ sở với diện tích từ 6.000 đến 10.000 mét vuông, để có thể tiếp đón và phục vụ công chúng kể từ cuối năm 2023, thời điểm đóng cửa toàn bộ Beaubourg. 

Việc đóng cửa Trung tâm văn hóa Pompidou (dân thủ đô Paris gọi ngắn gọn là Beaubourg) không có nghĩa là toàn bộ mọi hoạt động của cơ quan này đều bị đình chỉ. Ngược lại, viện bảo tàng nằm trong quần thể văn hóa này sẽ phải đề xuất nhiều dự án làm việc với các đối tác bên ngoài và như vậy hy vọng đem lại một nguồn doanh thu, hầu đỡ bớt phần nào gánh nặng liên quan đến chi phí trùng tu. 

Cũng cần biết rằng, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia tại trung tâm Pompidou hiện nắm giữ một bộ sưu tập đặc biệt gồm hơn 120.000 tác phẩm nghệ thuật, trong đó chỉ có 6.000 tức 5% được trưng bày thường trực, và 5.000 tác phẩm khác được cho mượn theo hợp đồng tại các cuộc triển lãm ở nước ngoài. Từ đây cho đến năm 2027, ban quản lý Beaubourg cho biết sẽ nhân gấp đôi quan hệ đối tác với các hội đồng cấp vùng, trước mắt thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với nhiều bảo tàng thành phố Rouen, Toulon, Nice hay Clermont-Ferrand, chưa kể đến chi nhánh địa phương ở thành phố Metz ..... 

Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước 

Mục tiêu đầu tiên là giới thiệu các tác phẩm quan trọng của Trung tâm Pompidou với khách tham quan ở các tỉnh thành, ít có dịp đến Paris xem triển lãm. Thứ nhì, bộ sưu tập phong phú của Beaubourg giúp làm giàu các cuộc triển lãm lớn tại các viện bảo tàng cấp quốc gia khác ở Paris, trong đó có bảo tàng Orsay, Quai Branly hoặc các bảo tàng cấp thành phố như Petit Palais hay Palais de Tokyo.

Cuối cùng, Trung tâm văn hóa Pompidou muốn thắt chặt quan hệ  hợp tác với các bảo tàng nước ngoài. Trên bình diện quốc tế, Trung tâm Pompidou đã hiện diện với các chi nhánh ở Malaga, Bruxelles, Mexico và Thượng Hải. Giờ đây, ban giám đốc muốn phát triển thêm một trung tâm văn hóa mới tại châu Mỹ có thể ở Hoa Kỳ hay Brazil. 

Thông qua các chi nhánh này, Trung tâm Pompidou ở Paris chẳng những tổ chức triển lãm bên ngoài "các bức tường", mà còn có thể cho các phòng triển lãm mượn một số tác phẩm có sẵn trên catalogue, hay là tổ chức triển lãm "trọn gói" từ đầu đến cuối, kể cả việc cho mượn các tác phẩm qúy giá nhất từ bộ sưu tập, cho tới cách vận chuyển, thiết kế, dàn dựng ..... Trong chiều hướng này, Beaubourg đã có hợp đồng với Úc, Nhật Bản và Hungary, để dựng các cuộc triển lãm "toàn tập" về Picasso hoặc Matisse, sau khi đã gặt hái thành công tại Paris. 

Nhiệm kỳ của ông Serge Lasvignes sẽ kết thúc vào tháng 06/2021. Do vậy, ông chỉ vạch ra kế hoạch làm việc trong những năm tới. Người lên thay thế ông, theo đề xuất của Bộ Văn hóa Pháp (cũng như trường hợp của đoàn kịch Opéra de Paris) mới là nhân vật có trọng trách thực hiện kế hoạch đầy rủi ro này, kể cả về mặt kỹ thuật lẫn xã hội. Dù muốn hay không, vị tân giám đốc sẽ phải hoàn tất dự án đúng thời hạn, chủ yếu cũng vì năm 2027 đánh dấu một cột mốc quan trọng. Vào lúc ấy, Pháp sẽ kỷ niệm đúng 50 năm ngày thành lập Trung tâm văn hóa Pompidou.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.