Vào nội dung chính
PHÁP - KINH TẾ

Covid-19 : Hiệu Ladurée của Pháp có nguy cơ đổi chủ

Thương hiệu Ladurée nổi tiếng trên thế giới nhờ những chiếc bánh macaron thơm ngon : loại bánh men hạnh nhân có vỏ giòn kẹp ruột mềm, chiếc bánh có đầy đủ màu sắc hòa quyện phấn nhạt, mỗi màu là một hương vị độc đáo khác biệt. Được xem như là một trong những viên ngọc quý của Paris, Ladurée (cũng như Fauchon) tuy có uy tín quốc tế, nhưng rốt cuộc cũng bị dịch Covid-19 đánh gục ngã.  

Ảnh minh họa : Cửa hàng Laduree trên đại lộ Champs-Elysees, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 17/12/2012.
Ảnh minh họa : Cửa hàng Laduree trên đại lộ Champs-Elysees, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 17/12/2012. AFP - JACQUES DEMARTHON
Quảng cáo

Mặc dù là một thương hiệu lâu đời, với hơn 100 cửa hàng kinh doanh tại 22 quốc gia trên thế giới, công ty Ladurée chuyên về bánh ngọt cao cấp của Pháp đã trải qua một thời kỳ khó khăn đen tối. Theo tuần báo kinh tế Challenges, tập đoàn gia đình Holder, hiện nắm giữ Ladurée, cho biết trong tuần qua ý định nhượng lại thương hiệu nổi tiếng quốc tế này. Tập đoàn Holder ban đầu sở hữu hiệu bánh mì Paul và kể từ năm 1993, đã mua thêm công ty Ladurée (có uy tín từ hơn 150 năm qua) để phát triển thành một thương hiệu với đẳng cấp quốc tế. 

Thế nhưng trong vài năm gần đây, Ladurée (tên gọi ngắn gọn của Maison Ladurée) đã phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội trên thương trường quốc tế và doanh thu tại Pháp cũng bị giảm sút nghiêm trọng sau các đợt biểu tình của phong trào áo vàng. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, các tác hại kinh tế khiến cho thương hiệu chuyên về macaron và bánh ngọt này cũng đành phải bó tay. Bằng chứng là sau khi phải cho ngưng hoạt động các chi nhánh kinh doanh ở Luxembourg hồi tháng 06/2020, Ladurée cũng đành phải đóng cửa luôn tiệm bánh lớn nằm trên đại lộ Champs-Élysées, trong khi cửa hàng này chiếm một phần ba doanh thu hàng năm của công ty Ladurée ở Pháp”. 

Thương hiệu Ladurée có từ năm 1862 

Hiện giờ, Ladurée chỉ duy trì tại Paris một vài cửa hàng buôn bán trong đó có tiệm bánh lâu đời nhất nằm trên đường Royale, ở quận 8. Đây là cửa hàng đầu tiên được ông Louis Ernest Ladurée thành lập vào năm 1862. Ban đầu là một tiệm bánh mì, Ladurée đã nhanh chóng làm thêm bánh ngọt, để rồi cho đời những chiếc bánh hạnh nhân macaron Ladurée đầu tiên vào đầu những năm 1900, theo sáng kiến của Pierre Desfontaines, gồm hai chiếc bánh meringue nho nhỏ giòn giòn kẹp ở phía giữa nhụy bánh mềm, ban đầu làm bằng ganache, mứt trái cây đặc hay là kem ướp hương nhuyễn mịn.  

Sau khi lọt vào tay tập đoàn Holder, thương hiệu Ladurée đã được phát triển mạnh từ giữa những năm 1990 trở đi và chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng ngoại quốc. Điều đó giải thích vì sao có rất nhiều điểm kinh doanh Ladurée ở các phi trường quốc tế. Còn tại thủ đô Paris, hai cửa hàng chính lại nằm ở những địa điểm thu hút đông đảo thành phần du khách nước ngoài có tiền là đại lộ Champs-Elysées hay là đường Royale.

Sau khi mở một loạt cửa hiệu ở nước ngoài cũng như tại Pháp, riêng tại thủ đô Paris, có thêm chi nhánh tại quận 3, quận 7, quận 15 Beaugrenelle, tại sân bay Roissy-Charles de Gaulle và phi trường Orly 2, Ladurée bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2016 trở đi, khi các đợt khủng bố rồi sau đó nữa là các phong trào biểu tình ảnh hưởng trực tiếp đến lượng du khách nước ngoài, đối tượng khách hàng quan trọng nhất đối với hiệu Ladurée. 

Tai họa Covid-19 sau nhiều khó khăn chồng chất

Trong một thời gian khoảng 5 năm, doanh thu của Ladurée đã liên tục sút giảm, ngay từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng do Covid-19. Để thay đổi hình ảnh, Ladurée đã chiêu dụ đầu bếp bánh ngọt trứ danh là Nicolas Haelewyn, ông đã tung ra nhiều mùi hương mới : bánh macaron ướp mùi hoa, bánh giảm đường bớt ngọt mà vẫn thơm, hoặc là macaron vegan dùng "sữa hạnh nhân" thay thế cho các loại bơ sữa động vật ... đâu đó thích nghi với các xu hướng ẩm thực thịnh hành tại Pháp hiện nay.  

Tuy nhiên, trong năm 2020, công ty Ladurée đã bị thiệt hại rất nhiều, một khi các sân bay đều phải ngưng hoạt động, còn nguồn du khách quốc tế lại cạn kiệt, biến mất chỉ trong vài ngày. Tiền vào hầu như không còn nhưng các chi phí để thuê mặt bằng vẫn rất cao do công ty này chuyên nhắm vào những nơi thường thu hút đông đảo du khách lui tới. Theo tuần báo Challenges, doanh thu của Ladurée giảm đến gần hai phần ba trong năm qua, chỉ còn vài chục triệu euro so với 100 triệu doanh thu vào năm 2019. 

Qua hình thức nhượng quyền thương mại, gia đình Holder đã phát triển thành một hệ thống với hơn 100 điểm kinh doanh tại hơn 20 quốc gia, trong đó có 22 cửa hàng ở châu Á, 12 cửa hàng ở Bắc Mỹ và 9 cửa hàng ở Trung Đông. Trong thời Covid đầy rủi ro, chỉ có các cửa hàng ở Trung Đông và Nhật Bản mới tiếp tục hoạt động, trong khi các cửa hàng còn lại vẫn phải đóng cửa và tới giờ vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Có thể nói, Covid-19 là tai họa lớn nhất trong chuỗi khó khăn dồn dập, chồng chất.

Ladurée sẽ thu hút vốn đầu tư châu Á ?

Trên thị trường nội địa (ngoài Paris và vùng phụ cận) Ladurée không có nhiều chi nhánh hoạt động ở các tỉnh thành, so với các đối thủ cạnh tranh như Lenôtre, Dalloyau, Pierre Hermé (còn hiệu Hédiard đã phá sản từ vài năm trước) ...Theo tuần báo Challenges, bị dồn vào chân tường, công ty Holder không còn cách nào khác ngoài việc bán lại thương hiệu, một là đơn thuần chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, hai là tìm nguồn vốn đầu tư của một hay của nhiều đối tác, gia đình Holder có thể chỉ nắm vai trò quản lý, tập đoàn chịu bỏ vốn đầu tư mới thật sự là chủ sở hữu thương hiệu. Phía công ty gia đình Holder hy vọng đối tác tương lai là một "chuyên gia" trong lãnh vực sản phẩm cao cấp, am hiểu nghệ thuật ẩm thực của Pháp.

Còn theo thời báo kinh tế Les Échos, gia đình Holder có lẽ sẽ ra thông báo chính thức về các hình thức chuyển nhượng từ đây cho tới mùa hè. Dưới sự điều hành của gia đình này, công ty Ladurée trong vòng hơn một thập niên đã tăng cường khâu sản xuất bánh macaron, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thương hiệu. Bánh macaron hiệu Ladurée về mặt tiếp thị được quảng cáo y hệt như một sản phẩm cao cấp, từ màu sắc, ký hiệu đến cách trình bày đóng gói đều gợi hứng từ ngành nước hoa hay là thương hiệu xa xí phẩm, vốn đề cao nghệ thuật sống của người Pháp. Theo giới chuyên ngành "có nhiều khả năng thương hiệu Ladurée sẽ được duy trì nhờ thu hút các nhà đầu tư đến từ Trung Đông, vùng vịnh Ba Tư hay là các nước châu Á, trong đó giới tài chính Nhật Bản hay Trung Quốc đều quan tâm đến thương hiệu lâu đời của Pháp".  

Trước mắt, những khó khăn tài chính có thể sẽ buộc công ty Ladurée hạn chế tối đa các chi phí hoạt động, kể cả trụ sở văn phòng tọa lạc trong một dinh thự sang trọng ở Paris quận 7. Ngoài ra, còn có vấn đề cắt giảm việc làm do Ladurée hiện tuyển dụng  khoảng 1.760 nhân viên làm việc trong văn phòng, tại các điểm buôn bán cũng như tại các xưởng làm bánh. Đối với giới nhân viên làm việc cho Ladurée, đầu năm 2021 lại hứa hẹn nhiều cay đắng hơn là ngọt bùi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.