Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Bảo tàng Louvre tăng hợp tác với các thương hiệu lớn

Trên các mạng xã hội gần đây, xuất hiện bức ảnh chụp tác giả trẻ tuổi Frederico Stauffer. Điều gây ấn tượng là anh đứng chụp hình tại bảo tàng Louvre, bên cạnh một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới : bức chân dung La Joconde (Mona Lisa) của Leonardo Da Vinci, trong khi anh mặc một chiếc áo thun đen, có in hình La Joconde y hệt như tác phẩm hội họa này.

Ảnh minh họa: Giới thiệu bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci tại một địa điểm bí mật ở Thụy Sĩ, năm 2013. Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa: Giới thiệu bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci tại một địa điểm bí mật ở Thụy Sĩ, năm 2013. Ảnh minh họa. AP - Martial Trezzini
Quảng cáo

Đó là dòng sản phẩm mới, ra đời từ việc "hợp tác thương hiệu" giữa Viện bảo tàng Pháp Louvre với công ty Nhật Bản Uniqlo chuyên sản xuất y phục may sẵn. Dự án hợp tác này đã nảy sinh từ cuối năm 2016 khi cố vấn bộ Văn hóa Pháp Emmanuel Delbouis, trong vai trò trung gian, đã tổ chức buổi tiếp xúc giữa Uniqlo với khoảng 60 đại diện của các cơ sở văn hóa lớn của Pháp, trong đó có Nhà hát Opéra de Paris, Bảo tàng Louvre cũng như Bảo tàng Rodin ...

Hợp tác thương hiệu : Đôi bên có lợi

Mục đích của cuộc họp này là tạo ra những thỏa thuận hợp tác dài lâu có lợi cho cả hai bên, khi hai đối tác tuy không cùng một lãnh vực nhưng vẫn bắt tay nhau để cho ra đời một sản phẩm hay dịch vụ mới. Đối với công ty Uniqlo, thuộc tập đoàn Nhật Bản Fast Retailing, điều đó sẽ giúp nâng lên đẳng cấp của thương hiệu. Uniqlo đã từng thành công khi thỏa thuận hợp tác với Viện bảo tàng MoMA ở New York để khai thác một dòng sản phẩm gồm quần áo và phụ kiện thời trang. Còn đối với Louvre, dự án hợp tác là cơ hội "trẻ hóa" hình ảnh, cũng như phổ biến rộng rãi hơn nữa uy tín của mình.  

Mô hình kinh doanh này được phổ biến từ lâu tại các viện bảo tàng Anh, Mỹ, nhưng gần đây mới được các bảo tàng Pháp áp dụng. Đối với ban điều hành, việc kinh doanh nhiều sản phẩm và vật dụng mang thương hiệu Louvre, là một cách để tăng thêm nguồn thu nhập. Trái với việc bán vé vào cửa, doanh thu từ hợp tác thương hiệu ít bị dịch Covid-19 tác động, do không lệ thuộc trực tiếp vào lượng khách tham quan.

Thoả thuận hợp tác giữa Louvre (Pháp) và Uniqlo (Nhật) kéo dài trong 4 năm tính từ đầu tháng 02/2021. Theo ông John C. Jay, giám đốc sáng tạo của tập đoàn Fast Retailing, dòng sản phẩm thời trang có gắn thương hiệu Louvre sẽ được triển khai trong hơn 2.200 cửa hàng Uniqlo tại 20 quốc gia trên thế giới. Theo chi tiết hợp đồng, hiệu Uniqlo của Nhật trả hàng năm một khoản phí cố định, để có thể khai thác hình ảnh lấy từ các tác phẩm nổi tiếng nhất của bảo tàng Louvre. 

Beyoncé tại Louvre : Viện bảo tàng đăng quang 

Tất nhiên là ngoài kiệt tác La Joconde / Mona Lisa của Leonardo Da Vinci (Léonard de Vinci), còn có bức "Tượng thần Chiến thắng Samothrace" hay là "Tượng thần Vệ nữ thành Milo". Để làm mới, các tác phẩm biểu tượng này sẽ được phóng tác, chuyển thể qua tài nghệ thiết kế đồ họa của Peter Saville, từng nổi tiếng trước đây nhờ thực hiện ảnh bìa tập nhạc của các nhóm Joy Division hay là New Order. Nhiều tác phẩm nổi tiếng trưng bày tại Louvre từng được vinh danh qua âm nhạc hay điện ảnh.   

Rõ ràng là bảo tàng Louvre muốn nhắm vào việc chinh phục thêm giới trẻ. Uy tín toàn cầu của Louvre đã tăng gấp bội kể từ năm 2018, sau khi đôi vợ chồng nghệ sĩ Beyoncé và Jay-Z đã quay toàn bộ clip video mang tựa đề "Apeshit" trong suốt một đêm tại viện bảo tàng Louvre. Tính tới nay, video ca nhạc này thu hút gần 250 triệu lượt người xem trên mạng YouTube. Kể từ thời điểm này, hình ảnh của Louvre trở nên hấp dẫn đối với giới trẻ, khoảng 50% khách tham quan viện bảo tàng này trong năm 2019 là thanh niên dưới 30 tuổi. Có thể nói, nhờ vào bộ phim ca nhạc của Beyoncé & Jay-Z, lịch sử bảo tàng Louvre được thêm giây phút đăng quang, ghi thêm dấu ấn huy hoàng trong dòng văn hoá đại chúng. 

Một mặt hợp tác với Uniqlo để cung cấp quần áo cho giới thanh thiếu niên, mặt khác Louvre tăng thêm việc kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất cho các bậc phụ huynh. Trong tháng này, bảo tàng Louvre đã cho ra mắt 45 vật dụng trang trí mang hình ảnh của Louvre và vườn Tuileries. Dòng sản phẩm này hợp tác với thương hiệu "Maison Sarah Lavoine" (vợ cũ của danh ca Marc Lavoine) bao gồm loại gối nệm vải nhung, chăn ấm dệt jacquard hay chân nến làm bằng gốm ... Bảo tàng Louvre cũng đã hợp tác với thương hiệu phụ kiện Casetify gợi hứng từ bộ sưu tập hội họa nhất nhì thế giới để chế tạo các vỏ điện thoại smartphone, máy tính bảng iPad cũng như các bình đựng nước. 

30 năm "Kim tự tháp thủy tinh" của Bối Duật Minh

Ban điều hành Louvre thường dựa vào những sự kiện lớn để tung ra các sản phẩm theo chuyên đề. Vào năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập "Kim tự tháp" bằng thép và thủy tinh của kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Bối Duật Minh (Ieoh Ming Pei), Louvre đã trình làng nhiều sản phẩm kể cả đồng hồ Swatch, chén đĩa bằng sứ Bernardaud, hay là 8 kiểu chai nước hoa thượng hạng, do L'Officine Universelle Buly thiết kế, gợi hứng từ các kiệt tác nghệ thuật trong bộ sưu tập bảo vật thuộc nền văn minh cổ đại hay là trường phái hội họa Pháp vào cuối thế kỷ 18, kể lại các cuộc Viễn chinh Ai Cập. 

Theo ông Christophe Rioux, giáo sư chuyên khoa văn hóa sáng tạo và sản phẩm công nghệ tại trường đại học Sciences Po, chỉ trong vòng vài năm, Louvre đã phát triển tên gọi của mình thành một thương hiệu cao cấp. Mục tiêu đầu tiên, không hề che giấu, vẫn là đa đạng hóa các nguồn doanh thu. Do dịch Covid-19, lượng khách tham quan bảo tàng từ 9,7 triệu lượt khách tuột dốc 75%, chỉ còn 2,7 triệu người trong năm 2020. Mức thiệt hại kinh tế lên tới hơn 100 triệu euro chỉ trong một năm do Louvre mất hàng triệu khách sau hai lần phải đóng cửa trong vòng nhiều tháng, cũng may là các hợp đồng hợp tác thương hiệu giúp cho Louvre tạm thời gỡ gạc lại từ 10% đến 15% các khoản thất thu khổng lồ. 

Trong bối cảnh đại dịch, đà phục hồi kinh tế sẽ đòi hỏi thêm thời gian, có rất nhiều khả năng mô hình hợp tác thương hiệu sẽ được tăng cường trong thời gian tới. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng có một số nhược điểm. Đằng sau những khoản tiền kếch sù cũng nảy sinh nhiều vấn đề về mặt uy tín và hình ảnh. Trong các thỏa thuận hợp tác với nhiều thương hiệu lớn, bảo tàng Louvre từng vướng vào các cuộc tranh luận làm sứt mẻ phần nào uy tín.  

Khai thác thương hiệu vừa phải để tránh phản tác dụng

Theo ông Bernard Hasquenoph, chuyên gia về lịch sử bảo tàng Pháp và điều hành trang thông tin "Louvre pour Tous", trong thời đại công nghệ số, một bảo tàng lớn không thể nào khoanh tay đứng nhìn hiện tượng hợp tác thương hiệu. Tuy nhiên, theo ông, cần phải xem xét kỹ lưỡng dòng sản phẩm dịch vụ, vì một sự kết hợp pha trộn không khéo dễ phản tác dụng, gây tổn hại cho thương hiệu.

Về điểm này, Louvre từng hợp tác với tập đoàn xe hơi Pháp PSA (Peugeot, Citroën, DS Automobiles) để gắn logo Louvre lên kiểu xe DS7. Cho dù khối lượng sản xuất không cao (mỗi chiếc xe được bán với giá từ 54.000 đến 67.300 euro), nhưng nhiều người đã lưu ý rằng uy tín nghệ thuật văn hóa của Louvre chẳng ăn nhập gì với các kiểu xe hơi. Còn trong năm 2019, Tòa Đô chính Paris đã gửi thư phản đối lên Bộ Văn hóa Pháp cho rằng thỏa thuận hợp tác giữa Louvre với công ty Airbnb là điều đáng tiếc, nhất là vào lúc Hội đồng thành phố Paris đang gây áp lực buộc chi nhánh Airbnb tại Pháp phải đóng thuế cũng như bao khách sạn khác. 

Theo giáo sư Christophe Rioux, hợp tác thương hiệu là điều không thể tránh đối với các cơ sở văn hóa lớn, nhưng khai thác quá trớn cũng hàm chứa khá nhiều rủi ro. Cũng như trường hợp trước đây của nhà thiết kế quá cố Pierre Cardin, hình thức kinh doanh đại trà, gắn logo trên đủ loại sản phẩm đã khiến cho thương hiệu này bị xuống cấp, không còn được xem là "hàng hiệu" hạng sang. Đó chưa phải là trường hợp của Louvre, nhưng trong thời dịch Covid-19, ban giám đốc điều hành lại càng phải cân nhắc thận trọng, mỗi lần bật đèn xanh cho người khác sử dụng hình ảnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.