Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp : Cửa hàng Samaritaine được mở lại sau 15 năm trùng tu

Samaritaine là một trong những cửa hàng lớn nổi tiếng nhất Paris, không kém gì các cửa hiệu như Le Bon Marché, BHV Marais, Galeries Lafayette hay là Printemps Haussmann. Sau nhiều năm đóng cửa để sửa chữa nâng cấp, ban điều hành Samaritaine chính thức thông báo mở lại cửa hàng vào ngày 19/06/2021. 15 năm trùng tu Samaritaine đã khiến tập đoàn Pháp LVMH tốn đến gần 900 triệu đô la.

Cửa hàng Samaritaine bên bờ sông Seine, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 05/11/2010.
Cửa hàng Samaritaine bên bờ sông Seine, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 05/11/2010. AFP PHOTO / JACQUES DEMARTHON
Quảng cáo

Thật ra, ngày khai trương lại Samaritaine ban đầu đã được ấn định vào tháng 04/2020. Hàng loạt sự kiện quan trọng từng được lên kế hoạch, do năm vừa qua đánh dấu đúng 150 năm ngày ra đời của thương hiệu Samaritaine (1870-2020). Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ chương trình kỷ niệm. Sau nhiều lần bị dời đi dời lại, ngày khai trương cửa hàng mới Samaritaine rốt cuộc rơi vào giai đoạn ba của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa tại Pháp, lệnh giới nghiêm lùi lại đến 23 giờ và hàng quán có thể phục vụ thực khách tại chỗ.

Đối với giới nhân viên, đây là một tin vui, do Samaritaine sẽ tạo ra hơn 1.500 việc làm, trong đó phần lớn sẽ dành ưu tiên cho các nhân viên từng ký hợp đồng làm việc dài hạn cho cửa hàng này cho đến năm 2005. Trong khi đối với ban quản lý, ngày mở lại cửa hàng Samaritaine chưa hẳn được diễn ra trong một bối cảnh kinh tế thuận lợi, khi mà thành phần khách quốc tế có tiền, vẫn chưa trở lại Paris để mua sắm.

Hàng trăm cửa hiệu hạng sang cho dân ghiền mua sắm

Tọa lạc trên đường Rivoli, ven bờ sông Seine, Samaritaine gồm 4 tòa nhà với lối kiến trúc theo phong cách Nghệ thuật mới (Art Nouveau) tiêu biểu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cửa hàng này có nhiều lối ra vào ở 4 góc phố, nhưng ngoạn mục nhất khi bạn lên quán cà phê nằm trên sân thượng, có tầm nhìn rộng khắp Paris. Nói theo kiểu các bạn ghiền Instagram hay Snapchat, Samaritaine là nơi để chụp hình toàn cảnh mê ly ''cực chất'', với góc nhìn hớp hồn lên bờ sông Seine bên chiếc cầu Pont Neuf (cây cầu xưa nhất thủ đô Paris).

Sau 15 năm đóng cửa, Samaritaine được tái tạo thành một khu phứchợp đa năng (thuật ngữ chuyên ngành gọi là mixed-use development). Với hơn 70.000 mét vuông, tổ hợp này phát triển và khai thác cùng lúc nhiều dịch vụ bao gồm cả trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn, viện thẩm mỹ spa, văn phòng công ty, nhà ở xã hội cùng với nhà giữ trẻ. Hơn 20.000m2 tức gần một phần ba tổng diện tích sẽ trở thành trung tâm mua sắm, được khai thác như một thương xá hạng sang (department store). Dưới sự điều khiển của tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH, mô hình kinh doanh đã được đẩy xa hơn, hầu phản ánh các xu hướng thịnh hành nhất hiện thời trên lãnh vực ''lifestyle'' mà người Pháp thường gọi là ''Art de Vivre'' (Nghệ thuật sống). Một cáchcụ thể, Samaritaine sẽ là tủ kính trưng bày những gì tạo nên nét quyến rũ của Paris đối với thế giới : thời trang, sắc đẹp và ẩm thực.

Cửa hàng lớn Samaritaine tập hợp hơn 600 thương hiệu đủ loại hầu thu hút dân thích mua sắm. Với sự hậu thuẫn của tập đoàn LVMH nắm giữ cả hai cửa hàng lớn là Le Bon Marché (quận 7) và Samaritaine (quận 1), dĩ nhiên các hiệu xa xỉ phẩm kể cả trang sức, nước hoa, mỹ phẩm, áo quần hay phụ kiện thời trang đều có mặt, nhưng Samaritaine vẫn dành một không gian cho các nhà thiết kế hay doanh nhân trẻ, ngoài tính sáng tạo họ còn có thế mạnh am tường các mạng xã hội để quảng bá thương hiệu dễ dàng hơn.

Tập đoàn LVMH viết trang sử kế tiếp cho Samaritaine

Bên cạnh các cửa hàng buôn bán trong ''thương xá'', Samaritaine dành hẳn một khu vực ở tầng dưới cho nghệ thuật làm đẹp, ngoài trang điểm, nước hoa còn có một viện thẩm mỹ và không gian spa trải rộng trên 3.000 m2. Liên quan đến ngành ẩm thực, toàn bộ tầng trên (tầng 5) cộng thêm sân thượng đều được dành để phục vụ thực khách. Tính tổng cộng sẽ có khoảng 10 nhà hàng, quán bar, quán cà phê, tiệm bánh ngọt huy động các nhà đầu bếp nổi tiếng kể cả món mặn và món ngọt dung hòa cả ẩm thực Pháp với các món ăn quốc tế.

Điểm mới lạ và cũng là thay đổi quan trọng nhất, Samaritaine sẽ dành riêng một không gian cho khách sạn palace (tức là trên 5 sao). Thương hiệu "Cheval Blanc" được tập đoàn LVMH khai thác qua chuỗi khách sạn hạng sang tại Maldives, Oman, Saint Tropez, Courchevel và lần đầu tiên mở dịch vụ nghỉ dưỡng tại Paris với 72 phòng khách sạn cao cấp, bao gồm nhà hàng ba sao Michelin (đầu bếp Arnaud Donckele) với cả hồ tắm và một sân thượng (rooftop) rộng 650 m2. Tầm nhìn ở đây là 360 độ, từ Nhà thờ Đức Bà đến tận Tháp Eiffel, rồi từ Trung tâm văn hóa Pompidou đến chân đồi Montmartre.

Ngược dòng thời gian, lùi về năm1870, ông Ernest Cognacq một doanh nhân Pháp tháo vát nhanh nhẹn và có tài kinh doanh, đã viết lên những trang sử đầu tiên của Samaritaine. Ông mở một cửa hàng buôn bán nhỏ bằng cách mướn lại nhà kho của một quán cà phê ven bờ sông Seine. Ban đầu là một cửa hàng buôn vải, Samaritaine dần dần được khuếch trương, chuyển sang buôn bán nhiều mặt hàng để rồi trở thành một hiệu ''bách hóa'' bán đủ loại sản phẩm, và cũng từ đó mà cho ra đời khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng thường được phổ biến tại các rạp chiếu phim hay qua đài phát thanh truyền hình : ''Mọi thứ đều được tìm thấy ở Samaritaine'' (On trouve tout à la Samaritaine).

Chi phí tái tạo cao gấp 3 lần giá mua cửa hàng

Sự thành công đó thúc đẩy ông Ernest Cognacq đầu tư làm ăn lớn. Ông là doanh nhân đầu tiên mở công viên giải trí năm 1900 tại Pháp. Tọa lạc ở Quai d'Orsay, gần bến chân cầu Alma, công viên giải trí Magic City đã hoạt động trong gần 40 năm, và rồi bị phá hủy vào năm 1942. Riêng cửa hàng lớn Samaritaine, hình dáng quen thuộc của gian nhà vẫn ít thay đổi, sau khi ông Ernest Cognacq cho xây 4 cửa hàng theo phong cách Art Nouveau từ năm 1905 đến năm 1910. Các tòa nhà nằm san sát nhau, có mặt tiền nằm ở phía chân cầu Pont Neuf nhìn ra sông Seine. Samaritaine phát triển mạnh dưới sự điều hành của gia đình ông Ernest Cognacq (1839-1928). Thời đại hoàng kim của công ty gia đình này là vào những năm 1960.

Sau những năm 1970, cửa hàng lớn này bắt đầu làm ăn thua lỗ, doanh thu giảm sút liên tục do không thích nghi nhanh chóng với thị trường cũng như các xu hướng mới của người tiêu dùng. Mặt bằng kinh doanh vì thế cũng giảm dần, chuyển nhượng lại hay được biến thành văn phòng ngành quảng cáo, bảo hiểm hay ngân hàng. Mãi đến năm 2001, tập đoàn nhóm LVMH đã mua lại Samaritaine với giá gần 250 triệu euro. Khoảng 4 năm sau, cửa hàng ngưng hoạt động và bắt đầu sửa chữa để tuân thủ các quy định an toàn cũng như phải lắp đặt 25 thang cuốn và 40 chiếc thang máy đủ rộng để tiếp đón khách hàng ngồi xe lăn.

Khâu thiết kế đã được giao phó cho văn phòng nổi tiếng Sanaa của Nhật Bản, từng đoạt giải Pritzker năm 2010, tương đương với giải Nobel kiến trúc. Để dung hòa cả hai vế nâng cấp tái tạo nhưng đồng thời tôn trọng di sản kiến trúc ''Nghệ thuật mới'', ông Jean-François Lagneau, trưởng ban kiến trúc sư chuyên bảo vệ các di tích lịch sử đã tham gia vào công trình này.

Tuy nhiên, những quy định hiện thời khiến cho việc nâng cấp cửa hàng hơn 100 tuổi này trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Ban đầu dự trù trong 5 năm, công trình trùng tu cửa hàng này đã kéo dài đến 15 năm. Chi phí tái tạo vì thế đã không ngừng gia tăng, lên tới 750 triệu euro (tức 900 triệu đô la) cao gấp 3 lần so với giá mua 4 tòa nhà. Dù có tính toán rủi ro cách mấy, có lẽ ban giám đốc LVMH cũng không ngờ rằng phải mất đến hai thập niên mới hoàn tất công trình Samaritaine. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.