Vào nội dung chính
PHÁP - KHỦNG BỐ

Loạt khủng bố ‘‘13/11’’ ở Paris: Đợt điều tra ‘‘chưa từng có’’

Ngày mai, 08/09/2021, tòa đại hình ở Paris bắt đầu xét xử các thủ phạm loạt tấn công khủng bố tại Paris và vùng phụ cận cách nay gần 6 năm. Để mở ra phiên tòa xét xử loạt khủng bố ngày 13/11/2015, các cơ quan cảnh sát và tư pháp châu Âu đã tiến hành một cuộc điều tra « chưa từng có ».

Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech) bắt đầu bí mật đưa chiến binh thánh chiến tinh nhuệ trà trộn vào dòng người tị nạn từ Irak lọt vào châu Âu, để chuẩn bị hàng loạt vụ khủng bố. Ảnh minh họa : Một đô thị do Daech kiểm soát ở Irak.
Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech) bắt đầu bí mật đưa chiến binh thánh chiến tinh nhuệ trà trộn vào dòng người tị nạn từ Irak lọt vào châu Âu, để chuẩn bị hàng loạt vụ khủng bố. Ảnh minh họa : Một đô thị do Daech kiểm soát ở Irak. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Các điều tra về loạt khủng bố khiến 130 người chết và 350 người bị thương được tiến hành trong bốn năm trời. Khoảng 542 tấn tài liệu liên quan được thu thập. Chính quyền Pháp và Bỉ đã hợp tác để lập ra một lực lượng điều tra đặc biệt mang tên « Fraternity », với sự hậu thuẫn của cơ quan hợp tác tư pháp của châu Âu Eurojust và cơ quan cảnh sát châu Âu Europol.

Theo AFP, hợp tác điều tra loạt khủng bố « 13 tháng 11 » ở rạp hát Bataclan và một số quán bar, nhà hàng ở Paris và vùng phụ cận cũng được mở rộng ra « gần như tất cả các nước châu Âu và nhiều quốc gia liên quan ». Về hợp tác quốc tế, các thẩm phán điều tra chống khủng bố đã chỉ có được « một số thông tin sơ lược » do Irak và Pakistan cung cấp, nhưng không được Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hợp tác.

Rất nhiều vụ câu lưu, thẩm vấn, khám xét nơi ở đã diễn ra. Vũ khí, đạn dược và đai thuốc nổ, cũng như các thiết bị tin học, cuộc gọi của các thành viên nhóm tấn công khủng bố, đã được xem xét kỹ lưỡng. Vào giai đoạn đầu tiên, đã có đến 1.000 nhà điều tra tham gia vào cuộc điều tra khổng lồ này, cùng với 5 thẩm phán chống khủng bố. Các nhà điều tra sớm xác định là các vụ tấn công được điều hành từ Bỉ.

Kẻ chủ mưu loạt tấn công là Oussama Atar, công dân Bỉ gốc Maroc sinh năm 1984, có biệt danh « Abou Ahmad al-Iraki ». Đây là một nhân vật có vai trò quan trọng trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech). Kẻ chủ mưu dường như đã chết trong một cuộc tấn công của liên quân quốc tế chống Daech tại Irak và Syria hồi tháng 11/2017.

Cuộc điều tra nói trên cho phép xác lập lại tiến trình chuẩn bị loạt khủng bố, từ giữa mùa hè năm 2014 cho đến ngày 13/11/2015. Những người biết rõ hồ sơ này cho AFP biết là các nhà điều tra đã xác lập được lộ trình chuẩn bị, vai trò của từng cá nhân tham gia chuẩn bị khủng bố.

Đa số đến từ Syria

Kết quả điều tra cho thấy, các vụ tấn công tại Paris và Saint-Denis đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong quá trình điều tra, cảnh sát và tư pháp châu Âu phát hiện được là đa số các thành viên biệt đội khủng bố từ Syria giả danh người tị nạn xâm nhập vào châu Âu. Lộ trình gần như tương tự : với hộ chiếu giả Syria, những kẻ khủng bố đến Hy Lạp, rồi thuê xe đi qua Hungary, Áo và Đức, hoặc qua ngả Balkan trước khi đến Bỉ.

Vào đêm diễn ra các vụ tấn công, nhiều mảnh vụn của các hộ chiếu Syria giả đã được phát hiện gần thi thể của hai trong số ba « kamikaze » tại sân vận động Stade de France. Chủ nhân của hai hộ chiếu giả mang quốc tịch Irak vào châu Âu qua đảo Hy Lạp Leros ngày 03/10/2015, cùng với 196 người nhập cư bất hợp pháp khác.

Cũng trong nhóm này, cảnh sát xác định được Adel Haddadi, quốc tịch Algerie và Muhammad Usman, một công dân Pakistan, đã bị câu lưu trong một thời gian ngắn khi đến Hy Lạp. Cả hai nhân vật này bị cảnh sát bắt giữ tại một khu nhà ở của người nhập cư ở Áo, theo trát bắt giữ của châu Âu ngày 10/12/2015. Hai nghi can thừa nhận đã được Daech cử đến châu Âu để tiến hành các vụ khủng bố.

« Hãy giết chết những kẻ vô đạo ! »

Cuộc điều tra của cảnh sát và tư pháp châu Âu cho phép xác định đằng sau loạt tấn công là « Copex », bộ phận phụ trách các hoạt động bên ngoài của Daech. Copex được thành lập vào tháng 6/2014. Người lãnh đạo bộ phận này chính là nhân vật số hai của Daech, Abou Mohammad Al-Adnanik, còn người chỉ huy trực tiếp là công dân Bỉ gốc Maroc Oussama Atar.

Ba tháng sau khi thành lập, để đáp trả các cuộc tấn công của Liên quân quốc tế vào các vị trí và lực lượng của Daech, nhân vật số hai của Daech kêu gọi các tín đồ Hồi giáo chống lại « cuộc thập tự chinh » phương Tây. Sử dụng con đường di cư tị nạn để đưa các thành viên khủng bố vào châu Âu chính là ý tưởng của Copex.

Nước Pháp bị coi là đích ngắm chủ yếu của Copex. Phân tích « lời kêu gọi » của Abou Mohammad Al-Adnanik, các nhà điều tra châu Âu nhận định là lời hiệu triệu này có thể coi như « một chiến lược mới » của Daech nhằm đưa cuộc chiến tranh chống lại « những kẻ ngoại đạo » sang lãnh thổ châu Âu và đặc biệt là tới nước Pháp. Mục tiêu là để « gieo rắc hoảng loạn ».

Nhân vật số hai của Daech hô hào: « Nếu các vị có thể giết một kẻ vô đạo người Mỹ hay người châu Âu, đặc biệt là người Pháp độc ác và bẩn thỉu, hãy tin tưởng ở Allah, và hãy giết kẻ đó bằng bất cứ cách gì », « dùng đá đập vào đầu kẻ đó, dùng dao cắt cổ nó, dùng xe đè chết, ném kẻ đó từ trên cao xuống, thắt cổ hay đầu độc kẻ đó ».

Nhiều cá nhân đơn lẻ hay một số nhóm nhỏ vốn có sẵn tư tưởng cực đoan, và bị luận điệu tuyên truyền của Daech cuốn hút, đã hưởng ứng lời kêu gọi giết người này bằng một số vụ khủng bố đẫm máu, mà sau đó Daech đứng ra nhận trách nhiệm. Theo các nhà điều tra, việc nhiều thành viên Copex là công dân Pháp hoặc Bỉ là « một điều lô-gic, vì các lãnh đạo của Daech công khai chọn Pháp là mục tiêu hàng đầu ».

Giết người man rợ :  Thử thách cuối cùng của Tổ chức

Quân khủng bố thánh chiến là ai ? Theo các nhà điều tra, đa số các phần tử khủng bố đến châu Âu để chuẩn bị cho loạt tấn công tại Pháp là những chiến binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc, thuộc các đơn vị tinh nhuệ nhất của Daech, mang tên gọi « Katibat ». Công dân Pháp Bilal Hadfi, một trong ba thành viên nhóm khủng bố tự sát tại sân vận động Stade de France, được đào tạo trong lĩnh vực chế tạo đai thuốc nổ. Những tay khủng bố này không chỉ được đào tạo rất bài bản về quân sự, mà còn được theo học các khóa huấn luyện chuyên sâu về ý thức hệ.

Trong một đoạn video tuyên truyền được đưa lên mạng vào tháng 1/2016, được quay trước các cuộc khủng bố ngày 13/11/2021, người ta có thể thấy 7 trong số 9 thành viên nhóm khủng bố hành quyết một số tù nhân không xác định danh tính bằng cách cắt cổ hoặc bằng súng. Người xem cũng thấy các nhân vật trong video nói đến các vụ khủng bố sắp xảy tại Pháp. Theo các cơ quan tình báo, « hành động giết người man rợ này, do từng thành viên nhóm khủng bố thực hiện, là thử thách cuối cùng để cho phép Tổ chức đặt niềm tin vào các thành viên này ».

Một khi có mặt tại châu Âu, các thành viên nhóm tiếp tục duy trì liên lạc với ban lãnh đạo, qua các hộp thư mã hóa.

« Cứ địa » tại Bỉ

Cuộc điều tra của châu Âu cũng làm sáng tỏ nhiều bí ẩn xung quanh cơ sở đầu não của loạt tấn công tại Paris và Saint Denis, ở khu Molenbeek, ngoại ô thủ đô Bruxelles, nước Bỉ. Cứ địa của nhóm khủng bố tại Molenbeek được gây dựng bởi Khalid Bakraoui, một người anh em họ của người chỉ huy trực tiếp nhóm khủng bố, công dân Bỉ gốc Maroc Oussama Ata,r như đã giới thiệu ở trên.

Các nhà điều tra nghi ngờ là trong thời gian lưu lại ở Bỉ, giữa tháng 9 năm 2012 và tháng 12/2013, Oussama Atar đã đóng « vai trò quan trọng » trong việc lôi kéo hai người anh em họ, trong đó có Khalid Bakraoui đi theo tư tưởng thánh chiến Hồi giáo. Khalid Bakraoui từng bị bắt giam về tội cướp với vũ khí. Ra khỏi tù vào tháng 1/2014, Khalid Bakraoui sang Syria trong một thời gian ngắn trong tháng 11 cùng năm. Trở lại Bỉ vào tháng 12, em họ của chỉ huy trưởng lực lượng thánh chiến đã bắt tay vào việc xây dựng tại Molenbeek nhiều nơi ẩn náu cho các thành viên nhóm tấn công, và cả một hệ thống cơ sở hậu cần.

Theo các nhà điều tra, trong khoảng thời gian ba tháng trước khi ra tay, nhóm khủng bố đã tìm cách mua được các vật liệu cần thiết để chế tạo chất nổ TATP, và cũng rất có thể đã sắm được súng trường tự động, sẽ được sử dụng sau đó trong cuộc tấn công ngày 13/11/2015.

Theo AFP, bất chấp cuộc điều tra quy mô chưa từng có của cảnh sát và tư pháp châu Âu, hiện vẫn còn nhiều mảng tối xung quanh loạt tấn công khủng bố tại Pháp, đặc biệt về khả năng tồn tại của các nhóm khủng bố bí mật khác. Một nhân chứng cho biết tay khủng bố Abdelhamid Abaaoud, công dân Bỉ gốc Maroc, từng khoe là đã đến châu Âu cùng với « 90 chiến binh thánh chiến » sẵn sàng tấn công nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.